Các thương hiệu công nghệ lớn như Samsung đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. (Nguồn: Reuters) |
Tại các khu công nghiệp nằm giữa những đồi chè trập trùng tại Thái Nguyên - miền Bắc Việt Nam, những "binh đoàn" công nhân đang tất bật tạo ra sản phẩm cho các "ông lớn" công nghệ hàng đầu như Apple, Samsung, LG Electronics và Microsoft.
Sở hữu nguồn nhân công rẻ, vị trí địa lý gần Trung Quốc và môi trường chính trị ổn định là những lý do khiến những "gã khổng lồ" công nghệ nói trên chọn Việt Nam để dừng chân.
"Cường quốc" sản xuất ở châu Á
Greg Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định: “Việt Nam không phải là nơi duy nhất mà các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc, nhưng quốc gia này có lẽ là nơi thành công nhất”.
Theo Al Jazeera, Apple, Google và Samsung đều đang thúc đẩy hoạt động sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.
Foxconn và Luxshare Precision Industry, hai trong số những nhà cung cấp quan trọng nhất của Apple, hiện đang đàm phán để sản xuất đồng hồ Apple và Macbook tại Việt Nam.
Để hỗ trợ cho việc mở rộng quy mô, Foxconn có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) đã công bố kế hoạch đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy với diện tích 50,5 ha ở Bắc Giang, một tỉnh phía Bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 50 km.
"Với nhiều chính sách thu hút đầu tư đúng đắn, Việt Nam có thể trở thành 'cường quốc' sản xuất tiếp theo ở châu Á" - PGS. Albert Tan tại Học viện quản lý châu Á ở Manila (Philippines) |
Theo phân tích của JP Morgan vào tháng trước, sản lượng các sản phẩm của Apple tại Việt Nam sẽ tăng lên. Khoảng 65% AirPods - tai nghe không dây đặc trưng của hãng, sẽ được sản xuất ở quốc gia Đông Nam Á vào năm 2025.
Google dự kiến bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh Pixel tại Việt Nam từ năm 2023, trong khi Samsung cũng dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn vào mùa Hè năm sau tại một nhà máy rộng lớn ở tỉnh Thái Nguyên.
PGS. Albert Tan tại Học viện quản lý châu Á ở Manila (Philippines) cho hay: "Hiện sản xuất ở Trung Quốc quá đắt đỏ. Nhiều nhà máy đang chuyển đến Việt Nam. Với nhiều chính sách thu hút đầu tư đúng đắn, quốc gia này có thể trở thành 'cường quốc' sản xuất tiếp theo ở châu Á".
Trước khi nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghệ, Việt Nam đã từng là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, với tỷ lệ nghèo trên 70%. Tuy nhiên, đến năm 2020, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 5% và hơn 10 triệu người đã thoát khỏi đói nghèo chỉ trong những năm 2010.
Sau đợt phong tỏa nghiêm ngặt do Covid-19, Việt Nam đã chính thức chuyển sang sống chung với Covid-19 và "phủ sóng" vaccine trên diện rộng. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm nay - tăng từ mức tăng 2,6% của năm ngoái.
Xuất khẩu là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp cho đà tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu đạt 186 tỷ USD - tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không thể phủ nhận, Việt Nam đã được hưởng lợi khi các công ty lớn chuyển sản xuất sang quốc gia này nhằm tận dụng lợi thế chi phí thấp, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi và thành công trong việc giảm thiểu tác động kinh tế của Covid-19.
Việt Nam có thể nổi bật hơn các đối thủ cạnh tranh như Indonesia và Philippines nhờ các chính sách thân thiện với nhà đầu tư và sự ổn định chính trị. (Ảnh: Việt An) |
Mở cửa thương mại, khuyến khích đầu tư
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc mở cửa thương mại và khuyến khích đầu tư khi tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 6 hiệp định với các đối tác khu vực thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Nhà phân tích cấp cao Eddie Han của Isaiah Research tại Đài Loan (Trung Quốc) nhận thấy: “Việt Nam đã ký rất nhiều FTA với nhiều quốc gia, vì vậy, hải quan rất thuận lợi. Việc đưa linh kiện từ Trung Quốc sang Việt Nam rất dễ dàng.
Ông Poling cũng cho rằng, Việt Nam có thể nổi bật hơn các đối thủ cạnh tranh như Indonesia và Philippines nhờ các chính sách thân thiện với nhà đầu tư và sự ổn định chính trị.
Ngoài các thiết bị công nghệ như iPhone, quốc gia này cũng ngày càng trở nên quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, vốn liên quan đến quá trình sản xuất phức tạp hơn các hàng hóa khác.
Năm ngoái, Intel đã đầu tư 475 triệu USD vào địa điểm lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất của mình tại TP. Hồ Chí Minh.
Tháng 8 vừa qua, Roh Tae-Moon, Giám đốc điều hành của bộ phận di động Samsung Electronics thông báo rằng, công ty Hàn Quốc sẽ đầu tư 3,3 tỷ USD vào sản xuất linh kiện bán dẫn tại nhà máy ở Thái Nguyên vào tháng 7/2023.
Cũng trong tháng 8, Synopsys, một công ty phần mềm thiết kế chip của Mỹ đã công bố sẽ chuyển đầu tư và đào tạo kỹ sư sang quốc gia Đông Nam Á.
Tin liên quan |
TS. Nguyễn Quốc Việt: Việt Nam tiến gần đến đích GDP trên 7% năm 2022 |
Nhận định về vấn đề sản xuất linh kiện bán dẫn của Samsung tại Việt Nam, ông Craig Martin, Chủ tịch công ty quản lý tài sản Dynam Capital có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh nói: "Điều thú vị đối với tôi là sự tiến triển trong giá trị gia tăng và việc nâng cao chuỗi giá trị hàng xuất khẩu. Đây là một tin tốt của Việt Nam". Ông nói: "Tôi kỳ vọng xu hướng bùng nổ sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này sẽ kéo dài".
Tuy nhiên, một số nhà quan sát vẫn nghi ngờ về việc Việt Nam có thể tiến xa như thế nào với tư cách là một trung tâm sản xuất công nghệ cao.
PGS. Albert Tan nhận thấy, vấn đề đặt ra là Việt Nam có thể tiếp nhận tất cả các loại hình sản xuất này từ Trung Quốc và xây dựng năng lực nhanh như thế nào?
Theo Al Jazeera, lực lượng lao động của Việt Nam chỉ bằng một phần nhỏ so với Trung Quốc và kỹ năng cũng chưa thể so sánh với các nước châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong khi đó, Ông Lê Công Định, luật sư và cố vấn kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh nhận định, trình độ lao động Việt Nam chưa cao và cần được đào tạo thêm.
Chủ tịch công ty quản lý tài sản Dynam Capital cũng cho rằng, một trong những điểm thu hút chính của Việt Nam là lao động giá rẻ. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển, tiền lương chắc chắn cũng sẽ tăng.
| Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và ấn tượng Chiều 1/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp ... |
| Việt Nam: Từ 'nhỏ bé' đến 'vĩ đại', kỳ tích kinh tế khiến thế giới kinh ngạc Trên trang Sputnik News, tác giả Thu Nguyễn cho rằng, “từ nhỏ bé đến vĩ đại” là cách mà người ta mô tả quá trình ... |
| TS. Nguyễn Quốc Việt: Việt Nam tiến gần đến đích GDP trên 7% năm 2022 GDP quý III/2022 của Việt Nam tăng ấn tượng, vượt mọi dự báo, dù vậy, không nên quá lạc quan hay bỏ qua những rủi ... |
| Kinh tế Việt Nam quý III/2022 tăng ấn tượng 13,67%, lạm phát thấp Sáng nay (29/9), tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tổ chức Họp báo công bố số liệu thống ... |
| Việt Nam sở hữu 'bảo bối' nào khiến doanh nghiệp Nhật Bản chọn làm bến đỗ? Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Nakajima Takeo nhận định, Việt Nam được giới kinh doanh Nhật ... |