Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ trưởng cho biết những đáng giá tổng quan nhất về kết quả của công tác viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) trong thời gian qua?
Công tác viện trợ PCPNN thời gian qua đã triển khai qua hai giai đoạn lớn (2008 – 2013 và 2014 – 2019). Nhìn tổng thể lại thì mỗi giai đoạn chúng ta đều có bước tiến triển đáng ghi nhận. Giai đoạn 2008 – 2013, tổng viện trợ PCPNN đạt được 1,43 tỷ USD và giai đoạn 2014 - 2019 là khoảng 1,76 tỷ USD. Con số này chưa phải là nhiều nhưng đây là viện trợ không hoàn lại và tập trung vào các đối tượng trọng tâm như xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục và khắc phục hậu quả chiến tranh, được triển khai rộng trên khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Có thể nói, viện trợ PCPNN đã đóng góp rất tích cực vào thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, cũng như phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt là trong công tác xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân ở các vùng thụ hưởng. Không chỉ nâng cao năng lực của các tổ chức và các cá nhân được nhận viện trợ từ tổ chức PCPNN, công tác này cũng là bộ phận rất quan trọng của đối ngoại nhân dân, góp phần tuyên truyền đưa được hình ảnh về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thì việc vận động nguồn lực viện trợ CPPCN gặp những cơ hội và thách thức nào, thưa Thứ trưởng?
Đúng là Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới. Chúng ta từ một nước thu nhập thấp trở thành nước thu nhập trung bình, nhưng mới ở mức thu nhập trung bình thấp thôi, còn rất nhiều nhu cầu và vấn đề cần giải quyết. Khi gặp các tổ chức PCPNN, tôi cũng nói rõ với các bạn là Việt Nam chúng tôi vẫn còn rất nghèo và nhiều khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay với những tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, hậu quả của chiến tranh vẫn còn dai dẳng. Chính vì vậy, nhu cầu viện trợ PCPNN của Việt Nam vẫn rất lớn.
Phải nói rằng, khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, đây là cơ hội đồng thời cũng là thách thức. Thách thức là bởi vì các tổ chức PCPNN sẽ phải chuyển sang một mô hình mới để phù hợp với tình hình ở Việt Nam khi chúng ta đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho 10 năm tới 2021 - 2030. Ngoài nguồn lực lớn của chính phủ, chúng ta cũng rất cần những sự đóng góp tích cực của các tổ chức PCPNN.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiểu biểu năm 2018 của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Vậy theo ông, chúng ta cần ứng phó với những thách thức và cơ hội đó như thế nào?
Chúng ta cần chủ động bước sang một giai đoạn mới. Nếu như trước đây, chúng ta chỉ vận động các tổ chức PCPNN triển khai các dự án, thậm chí dùng toàn người của họ để thực hiện thì giờ chúng ta cần là đối tác bình đẳng hơn, học tập và chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực để triển khai nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Tôi cho rằng cơ hội hay thách thức đều đan xen với nhau, miễn là các tổ chức PCPNN hoạt động tại Việt Nam trên cơ sở trọng tâm của Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2020-2025. Chúng ta sẽ tạo mọi điều kiện để các bạn hoạt động tinh thần được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất, đồng thời thấy có hữu ích khi được đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN sẽ có những giải pháp cụ thể để triển khai công tác viện trợ PCPNN để có thể tận dụng tối đa các nguồn lực này, thưa Thứ trưởng?
Trên cơ sở Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2020–2025, chúng tôi nhận thấy thời gian tới cần làm một số việc để tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức PCPNN hoạt động tại Việt Nam.
Thứ nhất là thủ tục hoàn thiện cơ sở pháp lý nhất là các văn bản, nghị định thông tư hướng dẫn để làm sao công tác PCPNN vừa đảm bảo rút ngắn thủ tục quy trình, đồng thời cũng tạo được những hành lang pháp lý để các bạn hoạt động theo khuôn khổ và đúng theo trọng tâm định hướng mà chúng tôi đề ra.
Thứ hai, theo Chương trình vận động viện trợ PCCPNN ở giai đoạn 2020-2025, chúng tôi xác định rất rõ các mục tiêu, trọng tâm cụ thể, trong đó có hai lĩnh vực mà Việt Nam muốn các tổ chức PCPNN tập trung nhiều hơn là: nâng cao, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững và chú trọng ngành công nghiệp 4.0.
Thứ ba, Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN sẽ củng cố thêm các cơ chế, công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức PCPNN, trong đó tiếp tục tạo điều kiện thông thoáng, công khai, minh bạch những cơ sở dữ liệu giúp các bạn tiếp cận sâu rộng tới các địa phương, ngành nghề khác nhau ở Việt Nam để có thể đáp ứng nhu cầu của chúng ta.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!