📞

Những bông hoa Hướng dương

15:15 | 16/12/2011
Có người phụ nữ nhiễm HIV từ chồng nhưng lại bị đuổi ra khỏi nhà do nghi quan hệ bất chính. Có đứa trẻ sinh ra đã phải mất cha, một mình người mẹ vừa phải chống chọi với bệnh tật, vừa phải kiếm sống nuôi con. Có em bé bị lây truyền từ mẹ, không có điều kiện chữa trị đã qua đời… Thế nhưng, vượt lên sự kỳ thị, xa lánh, họ vẫn sống bằng niềm tin mạnh mẽ như những bông hoa Hướng dương luôn hướng về phía ánh sáng.
Các nhóm "Hoa Hướng dương” của những người phụ nữ nhiễm HIV hiện nay đã phát triển thành một mạng lưới lớn mạnh.

Nỗi đau thầm lặng

Cuối năm 2007, trong một lần đi xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, chị Đỗ Thị Oanh đã bị suy sụp hoàn toàn khi biết mình nhiễm HIV. Suốt thời gian sau đó, người phụ nữ này gần như nằm liệt giường. Thậm chí người nhà còn phải cố gắng đưa chị đi chụp ảnh chân dung phòng lúc chết có di ảnh thờ. Chị Oanh đã 3 lần âm thầm viết di chúc nhưng rồi lại vội vàng xé đi vì sợ đưa con bé bỏng đọc được sẽ buồn. Dẫu sao, chị vẫn còn may mắn hơn chị Giàng, ở câu lạc bộ những phụ nữ nhiễm HIV tại Yên Bái, khi mất đi đứa con thơ vô tình bị nhiễm HIV. Người phụ nữ bé nhỏ này còn ám ảnh mãi câu nói cuối cùng của con trước khi mất: “Mẹ ôm con chặt vào, con đau ở bụng lắm, mẹ vuốt bụng cho con đi”.

Nhiều lần tìm đến cái chết, chị Nguyễn Thị Mây, 27 tuổi ở Hà Nội đã đi khắp các cửa hàng thuốc để mua thuốc ngủ. Đó là những tháng ngày chị sống trong bóng tối khi biết mình bị nhiễm HIV và chịu sự ghẻ lạnh từ những người xung quanh. Những đêm không ngủ được, chị chỉ biết trút bầu tâm sự vào những trang nhật ký. Và cứ mỗi lần có ý định quyên sinh, nghĩ đến đứa con trai nhỏ luôn ở bên và nhắc nhở và động viên mẹ uống thuốc, chị lại nhận ra mình phải tiếp tục sống vì con.

Dù còn sống một ngày…

Năm 2002, chị Trần Thị Phượng ở Quảng Ninh đã bàng hoàng khi biết mình bị nhiễm bệnh sau cái chết đột ngột của chồng. Đối với người phụ nữ nông thôn, hiền lành, chất phác như Phượng, HIV/AIDS là một căn bệnh quá xa lạ mà chị chưa từng nghĩ đến. Một mình nuôi con bằng gánh hàng rau ở chợ, 4 năm liền chị Phượng sống trong cô đơn. Hy vọng cuối cùng của chị chỉ là đứa con nhỏ may mắn chưa bị lây nhiễm từ bố mẹ.

Chỉ khi đến với câu lạc bộ của những người nhiễm HIV, mang tên loài hoa Hướng dương vào năm 2006, cuộc đời của Phượng mới bước sang một trang mới. Vừa làm chủ nhiệm câu lạc bộ Hoa Hướng dương Quảng Ninh, chị Phượng còn tích cực tham gia vào các dự án dành cho phụ nữ nhiễm HIV/AIDS của một tổ chức phi chính phủ - Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam. Tại đây, những người phụ nữ đồng cảnh như chị đã cùng nhau liên kết và cùng hỗ trợ nhau trong việc điều trị sức khỏe và cải thiện cuộc sống. Họ còn cùng nhau chia sẻ những khó khăn và vận động tích cực việc phòng chống HIV/AIDS. Chị Phượng và những người phụ nữ ở đây đều có chung một mong mong muốn: “Hãy nhìn nhận chúng tôi theo cách khác, để chúng tôi được hòa nhập. Dù còn sống một ngày, chúng tôi cũng vẫn làm những việc có ý nghĩa đóng góp vào cộng đồng.”.

Tiếng nói của người nhiễm HIV

Được thành lập năm 2004 với số lượng thành viên khá khiêm tốn, các nhóm "Hoa Hướng dương” của những người phụ nữ nhiễm HIV hiện nay đã phát triển thành một mạng lưới lớn mạnh với hơn 1000 thành viên, hoạt động trên 7 tỉnh phía Bắc Việt Nam. Đối với những người phụ nữ kém may mắn, thì Hoa Hướng dương chính là nhịp cầu để họ có thể mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình.

Với chị Ngô Thị Liên, thành viên Hoa hướng dương tỉnh Yên Bái thì sự kỳ thị vẫn tồn tại ở khắp mọi nơi. Bản thân chị Liên cũng đã từng kỳ thị với chính mình, nhưng bây giờ chị hoàn toàn có thể công bố hình ảnh của mình trước mọi người. Mới đây, trong triển lãm “Những đóa Hướng dương” Bảo tàng dân tộc học Việt Nam (VME) kết hợp với Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) tổ chức, chị Liên đã mang đến một chậu hoa hướng dương với mục đích tuyên truyền phòng chống nhiễm HTV/AIDS. Chị tâm sự: "Trước đây, tôi không nghĩ mình có thể đứng lên để nói với cộng đồng về bản thân, về những người giống như mình. Đó là cả sự đấu tranh vất vả. Trước đây khi tuyên truyền về HIV, người ta thường dùng những hình ảnh rất ghê rợn, nhưng chúng tôi đưa ra hình ảnh trái tim. Tôi chỉ muốn nói, HIV gần gũi lắm, nó ở rất gần với chúng ta. Nó không có gì to tát cả, chỉ là một căn bệnh và những người chúng tôi không may là bệnh nhân thôi.”

Điều kỳ diệu là không chỉ Liên, tại cuộc triển lãm này, rất nhiều người phụ nữ bé nhỏ, nhút nhát khác đã dám nói lên tiếng nói của chính mình. Qua các hiện vật, những clip hình ảnh mà họ chia sẻ, những người xung quanh sẽ thấu hiểu hơn về những niềm vui, nỗi buồn, những thách thức trong cuộc sống và niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp của những người phụ nữ bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV. Đan xen những câu chuyện của họ, luôn có những giọt nước mắt. Nó không chỉ ẩn chứa những nỗi đau thầm lặng, mà còn ánh lên một niềm tin.

TUẤN THANH