Đối mặt với thách thức mới
Diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến mới và phức tạp, chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 năm nay là “Định hình trật tự toàn cầu - chính sách đối ngoại vượt ra khỏi khuôn khổ quản lý khủng hoảng”. Với chủ đề này, Hội nghị đã tập trung thảo luận 3 vấn đề: Thúc đẩy thực hiện Nghị sự 2030; Duy trì hoà bình trong bối cảnh mới; Hợp tác, hỗ trợ châu Phi. Đây đều là những vấn đề quan tâm của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh xuất hiện những yếu tố mới tác động đến sự ổn định và phát triển bền vững ở nhiều quốc gia và khu vực.
Hội nghị Ngoại trưởng G20 ủng hộ cơ chế hợp tác đa phương giải quyết mọi thách thức toàn cầu. (Nguồn: Reuters) |
Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 9/2016 ở Trung Quốc, thế giới đã chứng kiến nhiều biến đổi chưa từng có. Nền kinh tế toàn cầu cũng vì thế tiếp tục đối mặt với các thách thức mới, trạng tăng trưởng chậm chạp, toàn cầu hóa thoái trào, trong lúc dư âm của cuộc khủng hoảng tài chính từ cách đây gần 1 thập kỷ vẫn để lại nhiều di chứng. Kết thúc năm 2016, tỷ phú Donald Trump - người phản đối quá trình toàn cầu hóa và chủ trương xem xét lại các hiệp định thương mại tự do đa phương đã thắng lớn trong cuộc đua vào một trong những chiếc ghế quyền lực nhất thế giới – Tổng thống Mỹ - đã gây hoang mang cho các thị trường toàn cầu.
Chính quyền mới của Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Quyết định lựa chọn kịch bản rời khỏi EU (Brexit) và giảm quan hệ xuống mức duy trì các thỏa thuận thương mại đơn thuần của Anh; Nợ công tăng cao ở một số quốc gia tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng nợ, bất ổn chính trị hay các cuộc xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi kéo dài khiến hàng triệu người phải rời bỏ đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất tại Châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai… sẽ tiếp tục kéo theo những hệ quả tiêu cực tới kinh tế thế giới.
Trước tình hình trên, các thành viên của 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới đứng trước yêu cầu phải phát huy tinh thần đối tác đồng tâm hiệp lực để đối phó với những thách thức mới. Trong hàng loạt các thách thức từ xung đột địa chính trị, chống khủng bố, điều tiết tị nạn và biến đổi khí hậu, chiến sự tại Syria, làn sóng tị nạn... một trong những mối bận tâm hàng đầu là ổn định được kinh tế thế giới và thị trường tài chính. Và quan điểm của nền kinh tế số 1 thế giới – Mỹ được cho là một trong những yếu tố có vai trò quyết định. Như Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde từng lo ngại rằng, chính sách bảo hộ của chính quyền Mỹ mới có thể sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế, làm lu mờ những lợi ích từ các biện pháp kích thích kinh tế của các nước trên thế giới.
Đó là lý do sự góp mặt của tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thu hút được sự quan tâm đặc biệt tại Hội nghị Ngoại trưởng G20. Người ta dõi theo những phát ngôn và tuyên bố của ông để có thể phần nào định hình được chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, cũng như trông đợi một lời giải thích sau các tuyên bố bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa của Mỹ.
Giới quan sát từng cho rằng, đến nay tân Ngoại trưởng Mỹ vẫn chưa thể hiện lập trường rõ ràng cũng như chứng tỏ được khả năng trong việc giải quyết các chính sách đối ngoại mà Mỹ đang gặp phải. Tại Hội nghị này, ông Tillerson cũng chưa có những tuyên bố thật sự ấn tượng và sắc nét về một vấn đề nào đó, nhưng ông cũng đã đạt được những thành công nhất định trong việc trấn an châu Âu, sát cánh cùng các đồng minh truyền thống và cải thiện quan hệ với Nga, Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị Ngoại trưởng G20. (Nguồn: AP) |
Thu hút sự quan tâm hơn cả là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa hai Ngoại trưởng Nga - Mỹ trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy chính quyền Donald Trump muốn làm ấm mối quan hệ với chính quyền Tổng thống Putin. Tương tự như vậy, cuộc họp kín giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với ông Rex Tillerson càng cho thấy dấu hiệu tích cực trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc và Đức với vai trò là những thành viên chủ chốt của G20 đều đưa ra cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác chính sách vĩ mô trong G20 dựa trên nguyên tắc đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2016 tại Hàng Châu (Trung Quốc), cùng chung tay thúc đẩy tái cân bằng toàn cầu, xúc tiến tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, theo đó đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thúc đẩy sự hợp lực toàn cầu
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 bế mạc với Tuyên bố chung ủng hộ cơ chế hợp tác đa phương giải quyết mọi thách thức toàn cầu. Trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel đánh giá hội nghị đã thành công tốt đẹp. Ông khẳng định G20 đang có vai trò ngày càng lớn trong nỗ lực chung giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, khan hiếm nước….. mà theo ông, hợp tác đa phương là giải pháp duy nhất cho những thách thức nói trên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Gabriel cũng kêu gọi thiết lập cơ chế cảnh báo sớm để thế giới có thể chuẩn bị tốt hơn trong quá trình giải quyết những vấn đề toàn cầu. Bộ trưởng Ngoại giao Đức nhấn mạnh: “Chúng ta cần những nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng thế giới.”
Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hoạt động tại Hội nghị G20 với tư cách nước chủ nhà Năm APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã mang tới thông điệp “tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tăng cường hợp tác toàn cầu trong việc thực hiện các cam kết và mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 bằng các kế hoạch, biện pháp cụ thể.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam mong muốn tăng cường phối hợp và kết nối chương trình nghị sự ưu tiên của hai Diễn đàn G20 và APEC. (Nguồn: TTXVN) |
Phó Thủ tướng đề nghị các nước G20 tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời đánh giá cao sự hỗ trợ của nhiều nước thành viên G20 trong việc thúc đẩy sử dụng bền vững nguồn nước và ứng phó biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong.
Phó Thủ tướng đánh giá các ưu tiên trong nghị sự của G20 và APEC trong năm 2017 với nhiều điểm tương đồng. Do đó việc tăng cường hợp tác và phối hợp chính sách giữa G20 và APEC là hết sức cần thiết, nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển bền vững, liên kết và tự do hóa thương mại.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam mong muốn tăng cường phối hợp và kết nối chương trình nghị sự ưu tiên của hai Diễn đàn này nhằm góp phần vào việc tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững. Ông khẳng định trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các nền kinh tế thành viên APEC nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Mặc dù không có các cuộc bỏ phiếu chính thức hay đưa ra các tiêu chí kinh tế nhất định, nhưng những kết quả sơ bộ mà các nhà lãnh đạo Ngoại giao đạt được đã mang đến cho nền chính trị, kinh tế thế giới những tia hy vọng về một thế giới kết nối, hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.