📞

Những “cái bẫy ngọt ngào”

09:00 | 13/08/2016
“Mỗi khi yêu cầu con đi tắm, thay vì ép buộc, ra lệnh, các mẹ hãy nói rằng: Con như một cái cây nên mẹ sẽ tưới con như cơn mưa và rồi cái cây đó sẽ lớn lên”.

Nhà báo Quỳnh Hương - Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội, báo Phụ nữ TP HCM chia sẻ như vậy về cách nuôi dạy con tại buổi tọa đàm “Người Pháp dạy con như thế nào?” ở Trung tâm văn hóa Pháp diễn ra tối 2/8 nhân dịp ra mắt tác phẩm “Mè nheo dễ xử thôi” của Isabelle Filliozat.

Mô hình ít con

Cũng tại tọa đàm, theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, hiện nay nhiều gia đình chấp nhận “mô hình ít con” nên thường muốn con được ăn ngon hơn, được đến trường học tốt hơn và cũng mong đợi vào con nhiều hơn. Chính tâm lý sốt ruột, chưa kiên nhẫn trong giáo dục con nên nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng khủng hoảng. Chị cho rằng, những đứa trẻ đòi hỏi mẹ kể chuyện hằng đêm vì con muốn được ở bên cạnh mẹ nhiều hơn chứ đơn thuần không phải vì muốn nghe mãi câu chuyện ấy.

Cha mẹ hãy thưởng thức cảm giác bình yên bên con, cho con được là chính mình.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh - Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Sách ơi mở ra cho rằng: “Tay của con thì rất là nhỏ, bước đi của con thì rất ngắn. Làm thế nào để con có thể theo kịp bước đi của mẹ và làm thế nào để con có thể nắm được bàn tay của mẹ là điều rất khó khăn đối với một đứa trẻ”. Chị cũng thấm thía tình huống nhiều bậc cha mẹ bị “lệch pha” với ngôn ngữ của trẻ nên luôn trong trạng thái căng thẳng. Chị tin rằng chỉ cần tôn trọng đứa trẻ, đặt mình vào đứa trẻ thì quá trình nuôi dạy con sẽ êm dịu hơn rất nhiều.

Cho con được là chính mình

Trước thực tế xuất hiện trào lưu dạy con sớm, Nhà báo Quỳnh Hương cho rằng “Chúng ta hãy can thiệp giáo dục ít thôi”. Chị rút ra rằng, dạy con đúng hay sai cũng không bao giờ có cơ hội được làm lại. Người lớn không thể lấy trẻ ra để “thí nghiệm” vì sẽ không có cơ hội để sửa chữa. Khi mình đi đúng thì cuộc đời con sẽ khác, còn đi sai thì cuộc đời con sẽ khác. 

Theo chị, trẻ con chỉ có một quãng thời gian rất ngắn từ 1 đến 6 tuổi được sống vô lo vô nghĩ, hồn nhiên, không phải chịu trách nhiệm với ai. Vì vậy, “có những giá trị tinh thần chúng ta không thể mang trả lại cho con trẻ được”. Con có thể không cần biết tiếng Anh sớm, không cần học vẽ sớm bởi con có cả một cuộc đời dài phía trước. Hãy để con dừng lại, chủ động lựa chọn cái con thích, cái con muốn học. Người lớn đừng nhân danh yêu thương con mà tước đi cái quãng đời con đang vui vẻ bằng lịch học kín mít, bằng bài tập, bằng điểm số. “Hãy để con được lớn lên theo cách tự nhiên nhất, như một đứa trẻ con cách đây 30 đến 40 năm ở một làng quê bất kỳ, được lớn lên giữa thiên nhiên, giữa tình yêu của ông bà, bố mẹ, giữa các con vật như cá, chim”, nhà báo Quỳnh Hương bày tỏ.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh cũng tâm sự về một lần đi công tác ở miền núi, được nhìn thấy những đứa trẻ lớn lên một cách tự nhiên. Sau khi đánh mất niềm vui của một người mẹ bởi giáo dục con sớm, chị bộc bạch: “Chính nỗi lo lắng, sự căng thẳng một cách thái quá của người mẹ khiến tôi thấy lúc nào cũng như đang bị sai. Cha mẹ hãy thưởng thức cảm giác bình yên bên con, cho con được là chính mình”.

Hạnh phúc khi mẹ hạnh phúc

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng đưa ra một lý thuyết trong nuôi dạy con mà chị rất tâm đắc: “Chúng ta càng tối đa hóa thời gian bế ẵm khi trẻ còn nhỏ thì đứa trẻ ấy càng nhanh học được cách trưởng thành, ứng xử”. Chị cho rằng hãy để trẻ được sống những năm tháng hạnh phúc nhất bên bố mẹ chứ không phải là những căng thẳng, bất an.

Bằng kinh nghiệm của mình, nhà báo Quỳnh Hương nhận định rằng không có trẻ em hư, chỉ có “chuẩn” người lớn đúng hay không. Khi nhiều người đang phải “xắt” nhỏ cuộc sống của mình ra để làm tròn vai, chị cho rằng người lớn đừng cố gắng hoàn hảo. Một em bé hạnh phúc không phải được người mẹ dành tất cả thời gian để ở bên chăm sóc mà phải có bà mẹ hạnh phúc. Bà mẹ ấy có thể thất nghiệp, thậm chí có ít thời gian dành cho con nhưng yêu bản thân mình, đang hài lòng với cuộc sống của mình và không đặt áp lực lên người khác, để hạnh phúc ấy lây lan sang đứa con. Bạn đừng cố gắng đảm đang, để rồi vừa chăm sóc con vừa kể công vừa kể tội, khiến cho bữa ăn như đang bị “đầu độc”.

“Trước khi có con, chúng ta chưa được làm mẹ, vì thế hãy đưa ra các phương án cho con được chủ động lựa chọn. Để rồi, đứa trẻ ấy sẽ sung sướng với việc bị gài bẫy - những cái bẫy ngọt ngào”- nhà báo Quỳnh Hương nhắn nhủ.