TIN LIÊN QUAN | |
Hãy xét nghiệm cholesterol cho trẻ nhỏ! | |
TS. Nguyễn Ngọc Minh: “Cái gì mới là gốc rễ của giáo dục?” |
Dường như sự tử tế được nói đến nhiều hơn trong thời gian gần đây. Làm thế nào để gieo mầm, lan tỏa sự tử tế với trẻ, TG&VN đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh - Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ nhiệm CLB "Sách ơi mở ra".
Lâu nay, chúng ta có rất nhiều quan niệm khác nhau về sự tử tế, cũng rất khó có một ranh giới cố định để vạch ra cái gì tử tế và không tử tế. Khái niệm về sự tử tế của Tiến sĩ là gì?
Với cùng một hành động, ứng xử, xét từ bối cảnh này là rất tử tế, nhưng có thể từ phương diện khác lại không phải như vậy. Có lẽ, cả nhân loại vẫn không ngừng tranh cãi xung quanh câu chuyện này. Như sự sàng lọc sinh sản có phải là một việc nên làm hay không, viện trợ nhân đạo hoặc từ thiện cho các nước nghèo, những vùng khó khăn liệu có phải là một giải pháp tử tế để cải thiện thực sự cuộc sống của họ?
Mỗi người đều có quyền sống tử tế theo cách của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng bản chất của sự tử tế là tôn trọng sự sống, trong đó có sự sống của người khác và sự sống của bản thân. Tôi vẫn nghĩ để trẻ lớn lên, trở thành một người tử tế, ngay từ nhỏ cần phải dạy chúng biết tôn trọng mọi sự sống, cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể của mình.
Trẻ con nhìn cuộc sống rất khác người lớn. Vậy ý nghĩa và giá trị thực sự của sự tử tế đối với những đứa trẻ như thế nào, thưa Tiến sĩ?
Khi trẻ làm một việc tử tế, chúng sẽ nhận được niềm vui và sự động viên, khen ngợi, biết ơn từ người khác. Điều này sẽ làm cho trẻ cảm thấy yêu cuộc sống hơn, từ đó muốn làm những việc có ích hơn nữa. Kinh Thánh có câu: Nếu anh ném một chiếc bánh mì xuống dòng nước đang chảy, một ngày nào đó nó sẽ trở về với anh. Như vậy, khi cho đi, ta sẽ nhận lại. Tôi nghĩ niềm vui này vô cùng cần thiết cho sự phát triển của một nhân cách lành mạnh.
Với những người sống tử tế, không chà đạp người khác để vươn lên, tuy có thể thành công muộn hơn, địa vị thấp hơn, chịu thiệt thòi một chút, nhưng họ sẽ nhận lại rất nhiều. Theo tôi, đó là sự thanh thản trong nội tâm cũng như sự yêu mến và tôn trọng từ người khác. Không còn cách nào khác, cha mẹ nên lấy giáo dục sự tử tế làm gốc, gieo mầm thiện cho con, tin vào những việc tốt nho nhỏ mà con làm được hàng ngày. Đó sẽ là nền tảng vững chắc cho con dù cuộc sống có khắc nghiệt đến đâu đi nữa.
Làm sao để cụ thể hóa sự tử tế, thưa Tiến sĩ?
Tôi nghĩ việc tử tế không nhất thiết phải quá lớn lao, kỳ vĩ. Tại sao chúng ta không hiểu sự tử tế đơn giản, đời thường và nhỏ bé hơn một chút? Với trẻ, ngay từ nhỏ, ta hãy dạy chúng cách chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi một cách lễ phép và chân thành. Ngoài ra, ta nên dạy trẻ tiết kiệm điện, nước, không vứt rác bừa bãi… Những hành động nhỏ như vậy nếu được lặp lại, trở thành thói quen, ăn sâu bám rễ vào tiềm thức, lâu dần sẽ tạo nên một nhân cách tử tế.
Lớn hơn, bố mẹ có thể dạy con cách quan sát cuộc sống, biết quan tâm, giúp đỡ người khác. Tất cả những việc thông thường ấy, nếu được vun xới, bồi đắp hàng ngày từ khi con còn nhỏ, sẽ làm nên một nhân cách tử tế lúc trưởng thành.
Người lớn thường hay khen khi trẻ có thành tích học tập tốt hay nhận được danh hiệu nào đó. Nhưng trước những hành động thể hiện lòng tốt, lòng nhân ái của trẻ, chúng ta thường không để ý và không dành lời khen cho trẻ. Phải chăng chính người lớn chưa nhìn nhận đúng giá trị thực sự của những hành động tử tế?
Con học giỏi, vượt lên trên người khác để khẳng định bản thân là điều mong mỏi chính đáng của bất kỳ ông bố, bà mẹ nào trong môi trường đầy tính cạnh tranh này.
Mỗi thời đại, tùy theo hoàn cảnh sẽ có những chuẩn mực giá trị khác nhau. Những chuẩn mực đó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến “nếp nghĩ” của mỗi cá nhân về đúng sai, tốt xấu, thành bại trong cuộc sống.
Tôi nhớ khi bắt đầu biết nói, biết đi, con trai tôi đã tỏ ra rất quan tâm và lo lắng cho chậu cây cảnh giữa trời mưa. Lớn hơn chút nữa, con đã để ý đến một bà già ăn xin ngoài đường hay những đứa trẻ mồ côi… Tôi rất mừng và nhận ra trong lòng những đứa trẻ đã bắt đầu có một hạt mầm tốt lành của sự tử tế.
Trẻ nhỏ thường học theo cha mẹ rất nhanh. Phải chăng hành động của người lớn góp phần quyết định tính cách cho trẻ sau này?
Sự tử tế mang giá trị và có tác động không nhỏ đối với sự trưởng thành của trẻ. Cha mẹ như những tấm gương phản chiếu để trẻ soi vào, tự hình thành nhân cách cũng như phát triển hành vi của mình. Không lạ gì khi một đứa trẻ tỏ ra nhân ái do được lớn lên trong bầu không khí gia đình hòa thuận, giàu tình yêu thương.
Trong cuộc sống bộn bề này, người ta thường quên đi những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, giản đơn. Có lẽ, chẳng bài học nào hay bằng chính thực tiễn hàng ngày cha mẹ gieo vào tâm hồn trẻ, đó là những hành động tử tế.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!
MC Thảo Vân: “Hãy dành cho con ít nhất 5 phút mỗi ngày” Đồng hành cùng con, được đối thoại với con mỗi ngày là con đường ngắn nhất để giúp cha mẹ hiểu chính con cái mình ... |
TS Giáo dục: Trẻ cần được “sống” và “học” song song! Những đứa trẻ luôn được "ưu tiên” học mà không tham gia bất kỳ công việc nào của gia đình sẽ dễ trở nên hoang ... |
Con vào thi, bố mẹ ôm nỗi niềm Sáng nay (1/7), gần 900.000 thí sinh bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng mang nhiều áp ... |