Cuốn sách “Vài ngón nghề ngoại giao” dày 361 trang, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Học viện Ngoại giao phối hợp phát hành. Tác phẩm được chia làm 9 chương, là 9 kỹ năng ngoại giao cần có đối với bất kỳ ai gồm: Nghiên cứu, đàm phán, xử lý tình huống, ngoại giao đa phương, ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thông tin báo chí, lễ tân, soạn thảo văn bản và phát ngôn.
Những kiến thức này đã được ông ghi chép, đúc kết một cách có hệ thống dựa trên tư liệu, sự quan sát và trải nghiệm thực tế trong hơn 60 năm làm đối ngoại cũng như thu thập chia sẻ của các đồng nghiệp.
Viết sách vì ấm ức
Nghề ngoại giao có ý nghĩa hết sức lớn lao bởi nó có liên quan tới vận mệnh quốc gia, tới quan hệ với các nước rất khác nhau về chế độ chính trị - xã hội, về mô hình và trình độ phát triển kinh tế, về bản sắc văn hóa… Nhưng ngày nay, rất nhiều người lại dùng từ “ngoại giao” để ám chỉ hành vi đút lót. “Những người làm ngoại giao chúng tôi thấy mình oan ức quá. Chẳng nhẽ chúng tôi lại làm cái nghề không trong sạch như vậy sao!?”, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ tại buổi trao đổi.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong buổi ghiao lưu với bạn đọc cuốn sách "Vài ngón nghề ngoại giao". |
Chính vì lý do đó, ông đã viết nên cuốn sách “Vài ngón nghề ngoại giao”. Cùng với cuốn “Chuyện nghề chuyện nghiệp” mà ông là đồng tác giả trước đây, ông muốn đông đảo độc giả hiểu đúng rằng: “Ngoại giao là một nghề vinh quang, đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước”.
Ông cho biết: “Trong thời kỳ hội nhập ngày nay, người người làm ngoại giao, nhà nhà làm ngoại giao. Thậm chí, du khách Việt Nam ra nước ngoài cũng là làm ngoại giao. Tuy nhiên, do không có kỹ năng nên họ có những hành động không đẹp, ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước. Vì thế, tôi mong cuốn sách này sẽ giúp cho tất cả mọi người tìm hiểu, vận dụng các kỹ năng trong quá trình giao dịch đối ngoại”.
Ngay khi mới giới thiệu, cuốn sách đã thu hút được sự chú ý của độc giả. Trên mạng xã hội, nhiều người tranh luận về tiêu đề của sách, đặc biệt với từ “ngón nghề” vì cho rằng nó có phần “hạ giá” ngành Ngoại giao.
Ban đầu, tác giả định đặt tựa sách là “Những kỹ năng ngoại giao”. Nhưng vì nghe khô khan, cứng nhắc, ông mới đổi ba từ đầu tiên thành “vài ngón nghề”.
Nguyên Phó Thủ tướng cho rằng, rất nhiều người nghĩ ngoại giao là một thứ rất cao siêu. Nhưng thực ra, đó cũng chỉ là một nghề, giống như rất nhiều nghề khác. Và đã là nghề thì người làm việc phải có ngón nghề để có thể cho ra sản phẩm tốt nhất có thể”.
Sau ngoại giao là văn hóa
“Dù làm chính trị hay làm kinh tế thì yếu tố quyết định thành công vẫn là văn hóa”, ông Vũ Khoan nhận xét.
Theo Nguyên Phó Thủ tướng thì cái hồn của mỗi dân tộc nằm trong địa danh, sự tích, nhân vật... Và để chạm đến trái tim của bạn bè quốc tế thì người làm ngoại giao phải hiểu được văn hóa của từng nước để biết họ thích/ghét điều gì.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan ký tặng độc giả. |
Để các độc giả ở buổi giao lưu hiểu rõ hơn, ông Vũ Khoan đã kể lại câu chuyện khi ông còn là Bộ trưởng Thương mại, sang Mỹ để trao đổi văn bản phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ. Trong chuyến đi ấy, ông đã “mất ăn mất ngủ” vì được mời phát biểu trong một bữa tiệc lớn có sự góp mặt của hàng trăm doanh nghiệp.
Ông kể: “Tôi phải mất cả đêm để nghĩ ra cách phát biểu đánh trúng vào tâm lý của người Mỹ. Ngay từ đầu bài phát biểu, tôi chẳng thưa gửi cụ thể một ai. Tôi nói: Thưa các ông, các bà! Đêm qua, tôi có một giấc mơ là đến dự một bữa tiệc long trọng. Nó đã trở thành sự thật”.
Lập tức, cả hội trường chú ý đến ông Vũ Khoan bởi họ nhận ra đó là cách nói của lãnh tụ da màu Mỹ Martin Luther King.
Ông Vũ Khoan nói tiếp: “Quý vị có thể thấy, gian tiệc này lát toàn đá cẩm thạch. Tôi có hỏi thì được biết đó là chính đá nhập từ Thanh Hóa của Việt Nam. Tôi đề nghị tất cả những doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có mặt ở khán phòng hôm nay đứng lên để bạn bè Mỹ được biết mặt, tiếp xúc và trao đổi buôn bán”.
Cứ như vậy, vị Bộ trưởng Thương mại Việt Nam liên hệ từng đồ vật ở khán phòng để giới thiệu các mặt hàng nổi bật của đất nước. Kết thúc bài phát biểu, ông nói: “Ở đoạn cuối giấc mơ đêm qua, tôi có vinh dự mời các bạn lên máy bay Boeing 777 để đến thăm Việt Nam và gặp gỡ những cô gái xinh đẹp trong tà áo dài ở sân bay (trong chuyến sang Mỹ lần đó, Việt Nam mua 2 chiếc Boeing)”.
Ông Vũ Khoan ví von việc lồng ghép văn hóa vào ngoại giao cũng giống như giới thiệu món ăn. “Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rất khéo léo lồng ghép Truyện Kiều, bún chả, nhạc Văn Cao… - những “món khoái khẩu” của người Việt để chạm đến trái tim của chúng ta. Tuy nhiên, người làm ngoại giao giỏi không được lạm dụng mà phải biết lựa chọn những “món ăn” ấy để bạn bè quốc tế ngon miệng chứ không bị bội thực”, ông nhận xét.
Những người thầy của ông Vũ Khoan
Khi được hỏi rằng ai là người có ảnh hưởng đến sự nghiệp làm đối ngoại hơn 60 năm của ông, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trả lời: “Tôi đã từng làm rất nhiều vị trí ở Bộ Ngoại giao. Mọi người đồng nghiệp đều là thầy tôi”. Tuy nhiên, hai người ảnh hưởng đặc biệt tới ông là Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
Ông Vũ Khoan cho biết, ngay khi nghe tới câu hỏi này, người đầu tiên mà ông nhớ tới chính là Bác Hồ. “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy của Ngoại giao Việt Nam. Hơn 70 năm lịch sử ngoại giao của Việt Nam đều theo tư tưởng của Bác. Chính vì thế, người ta gọi Ngoại giao Việt Nam là Ngoại giao trường phái Hồ Chí Minh. Càng làm nhiều, tôi càng thấy mình kém cỏi, khó mà có thể vươn tới tầm của Bác”.
Cuốn sách là kết tinh trí tuệ và kinh nghiệm trong hơn 60 công tác trong ngành Ngoại giao ở nhiều cương vị khác nhau của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Vài ngón nghề ngoại giao giúp người đọc tiếp cận những bí quyết, phương pháp, kỹ năng đối ngoại một cách hệ thống, mang màu sắc rất Việt Nam, đồng thời bám sát sự vận động không ngừng của đời sống quan hệ quốc tế. Những kỹ năng, bí quyết ấy được tác giả đúc kết, chuyển tải tới người đọc đơn giản nhưng vẫn rất cuốn hút. Vì thế, tôi tin rằng đây sẽ là một món quà quý với bạn đọc ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. TS. Phạm Lan Dung Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng nghiệp vụ Ngoại giao (Học viện Ngoại giao) |
Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương để ông Vũ Khoan noi theo trong suốt cuộc đời hoạt động đối ngoại thì cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch lại là người giúp ông trưởng thành vượt bậc trong công tác nghiên cứu.
Nói về cố Bộ trưởng, ông Vũ Khoan khẳng định: “Đó là người thầy trực tiếp của thế hệ cán bộ chúng tôi. Nhờ được làm việc với ông mà tôi đã học được rất nhiều ngón nghề ngoại giao”.
Về kỷ niệm với cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ông Vũ Khoan nhớ nhất lần suýt được cử làm Vụ trưởng Vụ Liên xô - Đông Âu. Dù lãnh đạo Bộ đã họp và thống nhất về vấn đề này nhưng chỉ vài ngày sau, ông Nguyễn Cơ Thạch lại có ý định cho ông Vũ Khoan đi làm kinh tế.
Quá bất ngờ về ý tưởng của thủ trưởng, ông Vũ Khoan nói: “Tôi có biết gì về kinh tế đâu. Chẳng những vậy, điểm môn kinh tế của tôi lại còn thấp nhất trong lớp bồi dưỡng cán bộ”. Ông Nguyễn Cơ Thạch lý giải: “Chính vì cậu dám nói ngược với thầy, dám nghĩ khác nên tớ mới chọn”.
Từ đó, ông chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế. Đến năm 2000, ông được điều sang làm Bộ trưởng Bộ Thương mại. Ông chia sẻ: “Tôi có thể chỉ đạo đàm phán gia nhập WTO cũng là nhờ những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi khi làm kinh tế ở Bộ Ngoại giao. Sau này, tôi ngẫm ra rằng, muốn trưởng thành, anh phải quên lợi ích của mình đi và biết chấp nhận thử thách”.