TIN LIÊN QUAN | |
Theo chân bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào tâm dịch Covid-19 ở Đà Nẵng | |
Các doanh nghiệp ủng hộ hơn 45 tỷ đồng giúp Đà Nẵng chống dịch Covid-19 |
Các y, bác sĩ thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định trước khi lên đường vào Đà Nẵng tham gia chống dịch Covid-19. (Nguồn: Zing) |
Phía sau những cánh cổng bệnh viện, cuộc chiến với kẻ thù “vô hình” mang tên Covid-19 đang diễn ra vô cùng khốc liệt. Gần 10.000 nhân lực của ngành y tế Đà Nẵng và từ nhiều tỉnh, thành đã được huy động để tham gia cuộc chiến ấy. Từ công tác xét nghiệm, cấp cứu, truy vết, khoanh vùng, điều trị cho bệnh nhân, tất cả đều được hoàn thành với nhịp độ hối hả, khẩn trương và tinh thần quyết tâm cao độ.
Ngày đêm túc trực
Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng với những ca nhiễm mới đầu tiên được phát hiện, những kíp chuyên gia y tế đầu tiên bao gồm các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã lập tức được chi viện cho Đà Nẵng. Bất chấp những hiểm nguy rình rập, những ngày sau đó, rất nhiều “chiến sĩ áo trắng” đến từ nhiều nơi như Phú Thọ, Hải Phòng, Bình Định… tiếp tục được chi viện cho miền Trung trong cuộc chiến dài hơi chống lại bệnh dịch.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh) – người từng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân số 91 người Anh cũng là người được giao nhiệm vụ thiết lập, chịu trách nhiệm chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đợt này.
Những ngày qua, cùng với đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện, bác sĩ Linh ngày đêm túc trực 24/24 để chữa trị, cấp cứu và hồi sức cho các bệnh nhân. Bản thân đã trải qua nhiều “trận chiến” như năm 2007 có vụ sập cầu Cần Thơ làm chết hơn 50 người; chống dịch Bạch hầu ở Kon Tum… nhưng “trận chiến” Covid-19 tại Đà Nẵng, theo bác sĩ Linh, mức độ cam go hơn rất nhiều.
“Các bác sĩ, nhân viên y tế ở ngoài đang bận liên tục, phải sắp xếp, phân công rất nhiều việc trong công tác điều trị vì số lượng ca nhiễm đông và bệnh nhân nặng, có sẵn bệnh nền mãn tính. Vì vậy, việc điều trị cho các bệnh nhân cần theo dõi sát sao 24/24, phối hợp nhiều chuyên khoa và điều trị chẩn đoán của nhiều bác sĩ đầu ngành. Các bác sĩ, nhân viên y tế không thể lơi ra bất cứ giây nào”, bác sĩ Linh kể.
Ông tâm sự, đối với nhân viên y tế - những người trực tiếp tham gia vào công tác hồi sức cấp cứu đều xác định phải lao vào “trận chiến” bằng sự nhiệt huyết, trách nhiệm và chung tay đẩy lùi Covid-19. “Tôi chưa cầm súng ra chiến trường nhưng trận chiến hiện tại phải thắng”, bác sĩ Linh nói.
Được điều động vào Đà Nẵng ngay từ những ngày đầu, Phó đội trưởng Đội xét nghiệm, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng - Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, mẫu xét nghiệm tăng đột biến từng ngày: “Chưa bao giờ thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm như thế, cường độ làm việc của các thành viên luôn quá tải bởi lượng mẫu quá nhiều”.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, do lượng mẫu chuyển về lớn nên các đơn vị đã mở ra hai khu vực để thiết lập máy móc, chính vì vậy việc kiểm soát chất lượng mẫu khá tốt vì phân thành những khu vực chuyên biệt. Đặc biệt, nhân sự trong Đội xét nghiệm đôi lúc cũng áp lực nhưng với tinh thần chung tay cùng người dân Đà Nẵng, người dân cả nước chống dịch nên làm việc xuyên ngày đêm không quản ngại gian khó.
“Có nhiều bạn làm việc đến 12h đêm mới tạm thời kết thúc công việc nhưng sáng sớm hôm sau vẫn có mặt để thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, giờ nghỉ trưa hiếm hoi thì các bạn ngồi mỗi người một góc, tranh thủ ăn cơm lấy sức”, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng kể lại.
Các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam đang trực tiếp điều trị cho các ca bệnh nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển về. (Nguồn: Báo Quảng Nam) |
Nỗ lực đến kiệt sức
Với số lượng bệnh nhân nặng đông đột biến, cường độ làm việc khủng khiếp trong một khoảng thời gian dài, quá tải và kiệt sức là trạng thái thường trực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế nơi tâm dịch Đà Nẵng. Những ngày qua, không ít người đã bị ngất xỉu, thở oxy, thậm chí phải nằm viện điều trị do phải làm việc quá sức trong cả tuần trời.
Là một trong 24 y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Bình Định tình nguyện xung phong lên đường đến Đà Nẵng tham gia phòng chống dịch Covid-19, bác sĩ Nguyễn Hữu Thủy Tiên (26 tuổi) cho biết, nhiều ngày qua, cô thường xuyên cập nhật thông tin số ca bệnh Covid-19 tăng lên từng ngày ở Quảng Nam, Đà Nẵng.
“Tôi đã bật khóc khi nhìn thấy những bức ảnh đồng nghiệp kiệt sức nơi tâm dịch. Do vậy, khi nghe Đà Nẵng kêu gọi Bình Định hỗ trợ nguồn nhân lực y tế, tôi đã tình nguyện đăng ký. Tôi mong được góp sức, san sẻ phần nào khó khăn, vất vả cùng y, bác sĩ”, bác sĩ Tiên chia sẻ.
Sự bất ngờ và diễn biến nhanh của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai đã khiến đội ngũ y bác sĩ luôn phải căng mình làm việc ngày đêm. Khối lượng công việc khổng lồ khiến nhiều người mệt mỏi, kiệt sức, chưa kể tâm lý hoang mang, lo lắng khi phải sống cách ly dài ngày, đối mặt với hiểm nguy bất cứ lúc nào với nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực. Vừa qua, một đội bác sĩ tâm lý - Bệnh viện Bạch Mai đã nhanh chóng được điều động vào Đà Nẵng để kịp thời hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ nơi tâm dịch.
Trò chuyện với bác sĩ nội trú Bùi Văn San (Khoa Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) - thành viên của Tổ tâm lý trực chiến tại Đà Nẵng trong suốt những ngày qua mới thấy được tầm quan trọng ổn định tâm lý đối với các thầy thuốc trong cuộc chiến thầm lặng này.
“Do tình hình dịch bệnh xảy ra bất ngờ, mọi người phải cách ly, tâm lý căng thẳng sợ lây lan không chỉ xảy ra ở người dân mà y, bác sĩ cũng rất lo lắng. Chúng tôi hiểu rằng, đội ngũ thầy thuốc những ngày thường đã làm việc căng thẳng nay dịch bệnh xảy ra nên phải gồng mình để làm việc. Mất ngủ thường xuyên kèm lo lắng trong công việc dẫn đến tâm lý căng thẳng, nếu không giải tỏa được sự căng thẳng này sẽ rất nguy hiểm”, bác sĩ San tâm sự.
Cùng với bác sĩ San, nhiều bác sĩ trong tổ tâm lý cũng cùng “đi dạo” tại nhiều bệnh viện để chia sẻ với các đồng nghiệp từ bệnh viện C Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang (Đà Nẵng), Bệnh viện Điện Bàn (Quảng Nam).
Không chỉ “giải nhiệt” tâm lý cho đồng nghiệp, những chuyên gia tâm lý còn trực tiếp gặp gỡ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện để sẻ chia, động viên họ vững tin sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.
“Sau những cuộc nói chuyện thấy người bệnh vui vẻ, lạc quan hơn. Đây cũng là một cách điều trị bệnh trong lĩnh vực tâm thần mà chúng tôi áp dụng rất hiệu quả. Đúng như cha ông hay ví một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, bác sĩ Bùi Văn San vui vẻ nói.
Cuba cử chuyên gia hỗ trợ Việt Nam chống dịch Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ quý báu, kịp thời của Cuba. Mới đây, Cuba đã trao tặng hàng ngàn lọ thuốc sản sinh kháng thể chống virus SARS-CoV-2 cho Việt Nam và cử chuyên gia y tế do Đại tá Miguel Manuel Jesus Seijas Gonzalez - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội “Carlos Finley” làm Trưởng đoàn vào Quảng Nam, Đà Nẵng. Theo Đại sứ Cuba tại Việt Nam Lyanis Torres Rivera, “Các chuyên gia đang có mặt tại Việt Nam nhằm trao đổi học tập kinh nghiệm phòng chống dịch và các bác sỹ đang làm việc tại một số bệnh viện của Việt Nam sẵn sàng đến phục vụ bất cứ nơi nào, kể cả tâm dịch Đà Nẵng để giúp những người anh em Việt Nam”. Có thể thấy từ quá khứ đến hiện tại, tinh thần đoàn kết Việt Nam - Cuba tiếp tục được khẳng định trong những thời khắc khó khăn... |
| Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Đội ngũ y tế được cử đến chi viện miền Trung đều muốn ở lại cho đến khi hết dịch Covid-19 TGVN. Trả lời báo chí trước việc đã chủ động xin Thủ tướng ở lại Đà Nẵng cho đến khi hết dịch, Thứ trưởng Bộ ... |
| Dịch Covid-19: Đoàn quân 'blouse trắng' đã lên đường tiến về miền Trung thân thương TGVN. Ngày 5/8, trước lời kêu gọi của thành phố Đà Nẵng, 33 bác sĩ của Hải Phòng và 2 bác sĩ hàng đầu của ... |
| Tình hình dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát TGVN. Ngày 4/8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra ... |