📞

Những chuyến thăm viết thêm ‘trang sử mới’

Nguyễn Hồng - Phạm Hằng 14:38 | 08/12/2022
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (4-6/12) và chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (30/11-6/12) đã để lại những dấu ấn đậm nét trong quan hệ với các đối tác chiến lược.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ đón chính thức theo nghi thức cao nhất, ngày 5/12, tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

“Đủ nắng hoa sẽ nở “

Người Hàn Quốc có câu: “Khi tuyết rơi, là lúc có khách quý đến thăm nhà”. Chính vào thời điểm những bông tuyết đầu mùa rơi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thủ đô Seoul, bắt đầu chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta tới Hàn Quốc sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol lên nắm quyền. Tổng thống Yoon Suk Yeol nhiều lần nhấn mạnh “Chủ tịch nước là quốc khách đầu tiên” của mình.

Trong chuyến thăm, Hàn Quốc đã dành những nghi thức tiếp đón trọng thị và cao nhất cho vị khách đến từ Việt Nam. Quốc thiều Việt Nam và Quốc thiều Hàn Quốc cử cùng lúc trong thanh âm hùng tráng của 21 phát đại bác chào mừng. Tổng thống Yoon Suk Yeol và Phu nhân chủ trì tiệc chiêu đãi trọng thể với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao, các bộ trưởng, những người có uy tín và tầm ảnh hưởng trong xã hội và doanh nghiệp hàng đầu của xứ sở kim chi. Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã hội kiến Thủ tướng Han Duck Soo, Chủ tịch Quốc hội Kim Jin Pyo, dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Hàn…

Chuyến thăm của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/12/1992-12/12/2022). Dấu mốc quan trọng trên càng có ý nghĩa khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol nhất trí ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá, đây là dấu mốc lịch sử, mở ra một thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ và thực chất hơn nữa đối với quan hệ hai nước. “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện có thể hiểu là, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ được tăng cường, mở rộng một cách toàn diện tất cả các lĩnh vực, từ chính trị-đối ngoại, an ninh-quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, cho tới giáo dục, khoa học công nghệ, giao lưu nhân văn-xã hội…”, Bộ trưởng chia sẻ.

Hợp tác kinh tế cũng là một kết quả nổi bật trong chuyến thăm. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc với sự tham dự của hơn 500 đại diện từ doanh nghiệp hai nước, có 12 cuộc tiếp xúc với gần 30 lãnh đạo các tập đoàn, ngân hàng, tổ chức tài chính, nhà đầu tư hàng đầu của đất nước sông Hàn như Samsung Electronics, Lotte, Hyosung, LG, Hyundai Motor, CJ, Daewoo E&C, GS E&C, Doosan, Ngân hàng KDB... Đáp lại đề nghị của Chủ tịch nước, các tập đoàn khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Doanh nghiệp hai bên ký kết 24 văn kiện hợp tác, trong đó có 16 thỏa thuận hợp tác, cam kết giao ước, đề xuất đầu tư mới và mở rộng với tổng giá trị ước tính khoảng 15 tỷ USD.

Thúc đẩy giao lưu nhân dân, nhân văn-xã hội cũng là một nội dung trọng tâm của chuyến thăm. Quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước bắt nguồn từ hàng trăm năm trước. Sau 30 năm, sợi dây gắn kết ấy vẫn chặt chẽ hơn bao giờ hết.

Trước chuyến thăm, Chủ tịch nước đã gặp mặt đại diện các tổ chức người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và ngay khi đến thủ đô Seoul, Chủ tịch nước đã gặp gỡ, thăm hỏi cộng đồng người Việt Nam; tiếp thân mật đại diện dòng họ Lý tại Hàn Quốc, Hội Hữu nghị Hàn-Việt; Hiệp hội Kinh tế, Văn hóa Hàn Quốc-Việt Nam và Nhóm người có uy tín tại Hàn Quốc (EPG).

Kết thúc chuyến thăm, Chủ tịch nước đến thăm thành phố Gwangju (tỉnh Gyeonggi) – nơi được coi là quê hương thứ hai của khoảng gần 37.000 người Việt và dự chương trình giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc. Nhân dịp này, Thị trưởng Gwangju Bang Se-hwan đã công bố chọn ngày 6/12 là ngày Việt Nam hàng năm của thành phố Gwangju.

Như vậy, chuyến thăm kéo dài ba ngày của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam không chỉ thành công về mặt chính trị mà còn có ý nghĩa rất sâu sắc về nhân văn-xã hội, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp hai nước. Đây cũng là dấu mốc và là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh chung với Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines và Chủ tịch Hạ viện Australia Milton Dick. (Nguồn: TTXVN)

Thời điểm “chín muồi”

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia từ ngày 30/11-3/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến Toàn quyền David Hurley, Thủ tướng Anthony Albanese; hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Sue Lines và Chủ tịch Hạ viện Milton Dick; tiếp Thượng nghị sĩ, Quốc vụ khanh đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Don Farrell, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles, Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Don Farrell; tham dự Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam-Australia…

Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi hai nước mở cửa hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước sắp tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023.

Lãnh đạo hai nước khẳng định mối quan hệ đã phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, nhất là trong các trụ cột nêu trong Chương trình hành động Đối tác chiến lược giai đoạn 2020-2023. Bên cạnh các thành tựu nổi bật về hợp tác kinh tế-thương mại, tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, giáo dục-đào tạo, lao động, nông nghiệp, du lịch… giữa hai nước còn rất lớn. Hai nước nhất trí nghiên cứu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như năng lượng, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế số…

Về hợp tác Quốc hội, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi lãnh đạo cấp cao của hai cơ quan lập pháp, tăng cường trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về công tác lập pháp và giám sát, tạo thuận lợi cho các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước hoạt động; đẩy mạnh giám sát, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các thỏa thuận đã ký kết; duy trì tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác đa phương, diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế…

Đặc biệt, nhân dịp này, lãnh đạo hai nước nhất trí ủng hộ việc xem xét nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp.

Chuyến thăm kết thúc tốt đẹp cho thấy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia đã ở thời điểm “chín muồi” để bước sang những trang mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội New Zealand Adrian Rurawhe tại buổi hội đàm. (Nguồn: TTXVN)

Khai phá triển vọng mới

Tại New Zealand từ ngày 3-6/12, Chủ tịch Quốc hội đã hội kiến với Toàn quyền Dame Cindy Kiro, Thủ tướng Jacinda Ardern; hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Adrian Rurawhe, tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-New Zealand…

Chuyến thăm mang ý nghĩa quan trọng do đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến New Zealand sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, được thực hiện sau khi hai nước đã khống chế thành công dịch bệnh Covid-19, mở cửa hoàn toàn và phục hồi kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thông điệp quan trọng rằng Việt Nam là Đối tác chiến lược đầu tiên của New Zealand trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc tăng cường quan hệ với New Zealand trên tất cả các kênh đảng, chính phủ, nghị viện và giao lưu nhân dân.

Các nhà lãnh đạo đều cho rằng quan hệ hai nước có lịch sử rất đáng tự hào, phát triển mạnh mẽ. Quan hệ chính trị-đối ngoại giữa hai nước phát triển ngày càng tin cậy, hai bên chia sẻ nhiều giá trị, lợi ích chiến lược với tư cách là các đối tác, bạn bè gắn bó. Đây là điều có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Chuyến thăm mở ra những triển vọng mới cho hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, không chỉ trong khuôn khổ song phương mà còn tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Hai bên nhất trí duy trì tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác đa phương, diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF).

Về kinh tế, Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam-New Zealand là một điểm nhấn. Quan hệ kinh tế hai nước đang có rất nhiều thuận lợi khi hai bên đều là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chủ chốt như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP), Australia-New Zealand-ASEAN. Hai nước có thể sớm đạt được mục tiêu 2 tỷ USD về kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2024.

Với nền tảng gần 50 năm thiết lập quan hệ, 13 năm quan hệ Đối tác toàn diện và nâng cấp lên Đối tác chiến lược vào năm 2020, cùng chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden trung tuần tháng 11 vừa qua, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.