Iran là một đất nước có lịch sử rất lâu đời, nơi đây lưu giữ những công trình nghìn năm của vùng đất Ba Tư xưa, gợi cho du khách nhớ đến xứ sở vùng đất 'nghìn lẻ một đêm'.
Cổng chính công viên Quốc gia Iran là một trong những công trình còn sót lại từ thời Qajar, là một trong những biểu tượng của Tehran, được Hossein Ali Beik Tehrani cải tạo vào năm 1922 đến 1925. Công trình nằm ở phía bắc đường Sepeh, phía đông của Bộ Ngoại giao và phía tây của Bảo tàng Bưu điện và Điện báo. Công trình này cùng các công trình lân cận được xây dựng theo chỉ đạo trực tiếp của Reza Shah Pahlavi và Jafar Khan Kashani với sự hỗ trợ của người Đức (trước Thế chiến thứ hai). Cổng chào này được xây ở phía Đông của cổng. (Ảnh: Sadegh Miri)
Dinh thự Aghazadeh được xây dựng tại Abarkook, Iran dưới thời Qajaz. Công trình nổi tiếng với những tháp đón gió truyền thống, điều hòa không khí trong nhà, giúp ngôi nhà luôn thoáng mát, tránh cái nóng khô khó chịu của khí hậu sa mạc. (Ảnh: Sadegh Miri)
Xuôi xuống phía Nam, nằm ở phía Tây Nam Iran là thành phố Shiraz, cũng là cố đô của triều đại Ba Tư nghìn năm trước. Người Iran còn tự hào gọi Shiraz là thành phố của rượu và hoa; là biểu trưng của âm nhạc và thi ca với các công trình nghệ thuật như vườn hoa xinh đẹp tuyệt mỹ Eram Garden, lăng mộ cẩm thạch của đại thi hào Hafez và Saadi, hay quần thể phức hợp khổng lồ Vakil ôm trọn thánh đường Vakil và khu chợ Vakil Bazaar. Trong ảnh: Một góc thánh đường Hồi giáo Vakil còn được gọi là Thánh đường hồng. (Ảnh: Sadegh Miri)
Đền thờ Hazrat Masoumeh tại Ghom, đây là nơi thờ thánh nữ Hazrat Masumeh, con gái của vị Imam Shia kế thừa chính thức thứ 7 của Muhammad, sứ giả của Thượng đế trong niềm tin của các tín đồ. Trong Hồi giáo Shiite, phụ nữ được tôn sùng như những vị thánh nếu họ có huyết thống gần với một trong 12 Imam. Do đó, sau khi Hazrat Masoumeh qua đời năm 816, thánh nữ này chôn cất tại Ghom, nơi đây đã trở thành đền thờ. Ngôi đền đã được thay đổi qua nhiều thế kỷ, ban đầu nền chỉ có thảm dệt từ rơm. Trong thời kỳ Safavid và Qajar, ngôi đền được tôn tạo với mái vòm dát vàng và 2 ngọn tháp. Tới ngày nay, ngôi đền bao gồm một phòng chôn cất, ba sân, thư viện, bảo tàng và ba phòng cầu nguyện lớn. Năm 1931, đền được đăng ký trong danh sách Di sản quốc gia Iran. (Ảnh: Sadegh Miri)
Trang trí lối vào khu phức hợp Cavaranserai Bakhshi tại Kashan, tỉnh Isfahan, Iran. (Ảnh: Sadegh Miri)
Công trình lịch sử “Mái vòm Soltaniyeh”: là tổ hợp lăng mộ của Uljaito (phiên âm tiếng Ba Tư) hay Hoàn Giải Đô (phiên âm Hán Việt). Ông còn được gọi là Sultan Muhammad Khodabandeh, là người cai trị thứ VIII nhà Y Nhi Hãn Quốc (Ilkhanid). Công trình được xây dựng từ năm 1302 đến năm 1312 SCN theo lệnh của ông tại thành phố Soltanieh (thủ đô Ilkhanian), Zanjan, Iran và được coi là một trong những công trình quan trọng của kiến trúc Iran và Hồi giáo. Mái vòm Soltanieh được cộng nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là mái vòm lớn thứ ba trên thế giới sau mái vòm của nhà thờ Santa Maria del Fiore và mái vòm thánh đường Hồi giáo Hagia Sophia. Mái vòm Soltanieh màu ngọc lam có thể được nhìn thấy từ mọi nơi trong thành phố. Thiết kế mái vòm hình bát giác này được thực hiện bởi Tể tướng Fazlullah Hamdani, Nhà Ilkhanid. Công trình này được xây dựng bởi kiến trúc sư có tên Seyed Ali Shah cùng với 3.000 công nhân trong 10 năm. Sau khi hoàn thành xây dựng, người ta phải mất 3 năm để trang trí tòa nhà. Đây có thể được coi là công trình tráng lệ nhất theo phong cách kiến trúc của Iran. (Ảnh: Sadegh Miri)
Vườn Mahan Shahzadeh (khu vườn của Hoàng tử Mahan) nằm cách thị trấn Mahan thuộc tỉnh Kerman 6 km. Vườn được xây dựng vào năm 1850, đến năm 1870, nó được tu sửa và mở rộng, được tô điểm bởi những đài phun nước với dòng nước chảy nhờ độ nghiêng tự nhiên của đất. (Ảnh: Sadegh Miri)
Nhà tắm Kordasht là một trong những công trình lịch sử của làng Kordasht, quận Trung tâm, hạt Jolafa, tỉnh Đông Azrbaijan. Phần nhà tắm trong ảnh được xây dựng vào khoảng giữa triều đại Safavid, khi Shah Abbas trị vì (hoàng đế thứ V của triều đại Safavid, là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất của triều đại này). Công trình được tu bổ, tôn tạo vào thời Qajar. Abbas Mirza, Tổng tư lệnh quân đội Qajar trong cuộc chiến với Nga đã đóng quân tại đây. Nhà tắm này thuộc về Nhà Kholafa, sau được Cơ quan Di sản văn hóa tỉnh Đông Azrbaijan mua lại. Từ đó nơi đây trở thành địa điểm thăm quan của Tỉnh. (Ảnh: Sadegh Miri)
Cung điện Cẩm thạch là cung điện hoàng gia, tọa lạc ở trung tâm thành phố Tehran, Iran. Cung điện được xây dựng vào khoảng năm 1934 và 1937 theo lệnh của Reza Shah – triều đại Palavi. Địa điểm này là nơi ở của Reza Shah cùng gia đình cho đến khi ông bị lưu đày vào năm 1941. Phong cách kiến trúc của cung điện là sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc Phương Tây với phong cách kiến trúc truyền thống của Iran. (Ảnh: Sadegh Miri)
Thánh đường Hồi giáo Saveh là một trong những thánh đường Hồi giáo đầu tiên được xây dựng tại Saveh cũng như tại Iran vào thế kỷ thứ XII. (Ảnh: Sadegh Miri)
Khác biệt hẳn với vẻ lộng lẫy, nguy nga của các cung điện, đền đài tại Tehran hay Shiraz, thành phố Yazd nhỏ bé tôn thờ sự linh thiêng của lửa. Thành phố này cách Isfahan gần 270 km. Khu phố này là một "mê cung" với nhiều con phố hẹp và hẻm có mái che. Điều đặc biệt ở khu vực này là các công trình hàng trăm năm tuổi làm từ đất sét, gạch bùn và gạch không nung giúp cách nhiệt, chống lại nắng nóng thiêu đốt. Các tòa tháp cao giống như ống khói mọc lên từ những ngôi nhà gạch nung mang đến làn gió dễ chịu cho cư dân của một trong những thành phố nóng nhất Trái Đất. Nhìn từ trên cao, Yazd như một sa bàn khổng lồ đắp bằng đất sét đã tôi qua lò lửa, tôn lên màu nâu vàng đất nung đặc trưng với đền thờ Ateshkadeh xây từ năm 470 trước Công nguyên, bên trong còn nguyên vẹn ngọn lửa thiêng theo truyền thuyết vẫn luôn cháy từ khi ngôi đền được dựng lên cho đến nay. (Ảnh: Sadegh Miri)
Bazaar Tabriz (Chợ Tabriz) từ xa xưa từng là một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất trên Con đường tơ lụa. Nơi đây từng được Macro Polo nhắc đến trong hành trình của mình. (Ảnh: Sadegh Miri)
Kashan được biết đến là tổ hợp của nhiều ngôi nhà lịch sử, một số trong đó đã được chuyển đổi thành khách sạn boutique sang trọng, nhưng đẹp nhất được cho là Dinh thự Boroujerdi (Borujerdi House) có mái vòm lớn như che khuất đường chân trời của Kashan. Được xây dựng vào năm 1857 bởi kiến trúc sư Ustad Ali Maryam cho vợ của một thương gia giàu có, ngôi nhà có nội thất và ngoại thất cực kỳ hoàn hảo. Kiệt tác của thời đại Qajar này được trang trí bằng các loại phù điêu, chạm khắc và các bức bích họa được vẽ bởi họa sĩ hoàng gia Kamal ol-Molk, được cho là đã mất tới 18 năm để hoàn thành. (Ảnh: Sadegh Miri)
Thánh đường Hồi giáo Sheikh Lotfollah được xây dựng từ năm 1603 đến năm 1619, dưới triều vua Shah Abbas. Nhà thờ này được xem là một phần của quần thể phức hợp xung quah quảng trường Naqsh-e Jahan, nằm giữa trung tâm Isfahan, Iran. Một trong những điểm nổi bật tại Sheikh Lotfollah là các bức tranh và gạch trang trí nội thất được thực hiện bởi họa sĩ Iran nổi tiếng Reza Abbasi. Trong ảnh: Họa tiết trang trí trên mái vòm Thánh đường Hồi giáo Sheikh Lotfollah. (Ảnh: Sadegh Miri)
Ngoài những danh thắng trên, Iran còn có nhiều công trình mang đậm phong cách Ba Tư, là điểm đến lý tưởng của những du khách yêu quý câu chuyện "Nghìn lẻ một đêm". Trong ảnh: Khung cửa sổ của một ngôi nhà cổ tại làng Abyaneh, tỉnh Isfahan, Iran. (Ảnh: Sadegh Miri)
Trần của một toà nhà mang đậm kiến trúc Ba Tư. (Ảnh: Sadegh Miri)
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.