Kong: Skull Island, bom tấn Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam sẽ công chiếu toàn cầu vào 10/3. Đằng sau quá trình quay phim có nhiều điều thú vị ít biết. Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch bật mí những điều này.
Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch. (Nguồn: TTVH) |
Thưa ông, có phải ngay từ đầu đoàn làm phim Kong: Skull Island biết được Việt Nam và chọn nước ta làm địa điểm quay ?
Đây hoàn toàn không phải một sự may mắn mà là những quan hệ đối tác của chúng tôi từ rất lâu năm rồi. Các hãng phim lớn có những đại diện ở khắp nơi trên thế giới để đi tìm bối cảnh cho họ. Họ lập thành những quyển catalogue có hình ảnh bối cảnh, tính toán những ưu điểm và hạn chế của bối cảnh đó v.v...
Đạo diễn phim Kong nói rằng ông đã đi rất nhiều nơi và không nơi nào khiến ông ưng ý. Cho đến khi đề án của chúng ta chuyển cho họ, ông ấy quyết định sang Việt Nam. Khi đặt chân đến Quảng Bình và Ninh Bình, ông ấy nói rằng: "Ồ trên trái đất lại có nơi đẹp đến thế này sao ?!".
Nhưng cũng phải nói rằng đây là một dự án quá lớn, và chúng ta không có sẵn những khung hành lang pháp lý để đón nhận.
Ông vừa nói rằng để một đoàn làm phim vào được Việt Nam và thực hiện trọn vẹn những cảnh quay của họ cần có sự phối hợp của rất nhiều Bộ, Ban, ngành. Và chúng ta thì đang thiếu những khung hành lang pháp lý cho sự hợp tác đó. Vậy trong tương lai Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch có đề xuất kế hoạch gì để kiến tạo khung hành lang pháp lý đó?
Hollywood có rất nhiều ông lớn trong ngành điện ảnh, hàng năm làm ra rất nhiều bộ phim. Họ nắm rất vững tình hình trên thế giới, ở đâu có những chính sách tốt thì họ sẽ ưu tiên đến đó để quay. Tôi ví dụ như chính sách hoàn thuế. Nếu một đoàn phim họ mang vào 10 triệu USD để quay thì khi xuất cảnh họ được hoàn lại 25%. Tức là nếu nhà sản xuất chọn được địa điểm tốt và có phương án thông minh là lập tức họ tiết kiệm được 2,5 triệu USD. Không lí do gì mà những nhà đầu tư lại từ chối cơ hội đó. Điều này thì chúng ta đang thiếu! Chúng ta chưa có những chính sách hoàn thuế như vậy riêng cho lĩnh vực phim ảnh.
Thứ hai, vì luật của chúng ta rất chi tiết nên một dự án lớn như thế này đụng đến rất nhiều Bộ, Ban, ngành. Ví dụ như họ muốn mang máy nổ vào để quay, mà chúng ta qui máy nổ vào dạng hàng second-hand không được phép nhập vào Việt Nam. Cuối cùng chúng ta phải nhập vào theo cơ chế đặc biệt phục vụ đoàn phim!
Hay ví dụ như cái xuồng. Nếu nó là đạo cụ thì không được có máy, nếu có máy thì lại thành phương tiện di chuyển, và để nhập vào phải có giấy phép của Bộ Giao thông Vận tải. Tương tự như thế rất nhiều thứ khác nữa như máy bộ đàm, pin.
Tôi nhớ nhất chuyện một chai nước. Nếu không có nước thì nó là đạo cụ, không sao. Nhưng nếu có nước thì muốn nhập vào nước ta lại phải qua cơ quan kiểm dịch thực phẩm! Chúng tôi đùa đoàn phim là thôi bỏ chai đó đi, ở Việt Nam sẵn có. Nhưng họ bảo không được vì chai nước đó đã được xuất hiện trong một cảnh ở nước ngoài, vào phim phải quay đúng chai nước đó vì trên thân nó có hình hài gì đó không thể thay đổi được.
Rồi trong phim có rất nhiều cảnh cháy nổ, thuộc lĩnh vực Bộ Quốc phòng quản lý. Hoặc chúng tôi cũng bảo họ là Việt Nam có sẵn máy bay trực thăng có thể thuê để quay. Nhưng rồi cuối cùng họ vẫn phải mang máy bay của họ vào bằng những container rất lớn. Việc này khiến Hải quan rất vất vả. Rồi cuối cùng là công tác an ninh.
Dự án này khó chính vì nó liên quan tới rất nhiều Bộ, Ban, ngành. Rất may là chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ cũng như sự hợp tác của các Bộ, Ban, ngành và các địa phương nên dự án đã thành công. Nhưng để Việt Nam có thể trở thành phim trường của thế giới thì chúng ta còn phải đi một chặng đường rất dài nữa. Ngoài các Bộ, Ban, ngành ủng hộ thì nhân sự phục vụ hỗ trợ đoàn phim của chúng ta cũng đang thiếu và cần được đào tạo cẩn thận. Ở Thái Lan, có một đội ngũ được đào tạo chuyên nghiệp chỉ để đi ghi hình bối cảnh, chế tác đạo cụ và phục vụ đoàn phim.
Tôi nói chuyện với đoàn phim, họ nói rằng họ có thể thuê người Việt làm mô hình, nhưng do là lần đầu tiên quay ở Việt Nam nên họ không thể mạo hiểm, và họ vẫn phải mang đồ của họ vào rất tốn kém. Một nhà sản xuất khác nói với tôi là với công việc này ở Thái họ có thể có 7 đơn vị đáp ứng được. Nhưng ở ta thì chỉ có 1 và cũng phải tìm kiếm rất khó khăn mới có được.
Không phải chúng ta không giỏi mà là vì chúng ta chưa bao giờ làm! Thế nên chúng ta phải trở nên giỏi hơn nữa, không chỉ việc tạo đều kiện ở khu vực nhà nước mà các lực lượng hỗ trợ đoàn phim cũng phải chuyên nghiệp hơn.
Dàn diễn viên "Kong: Skull Island" trong một cảnh quay tại Việt Nam. |
Kong: Skull Island chỉ mở ra một con đường, trong tương lai Việt Nam sẽ còn đón tiếp nhiều đoàn phim nữa vào quay. Ông có thể tiết lộ thêm về điều này ?
Sau khi bộ phim Kong đóng máy, đã có một vài hãng phim của Hollywood gửi giấy mời chúng tôi (Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch) sang Mỹ để giới thiệu thêm cho họ những cảnh đẹp của chúng ta. Cục Điện ảnh cũng đang xúc tiến những chương trình giới thiệu Việt Nam như một điểm quay tiềm năng, và không có một lời tiếp thị nào tốt hơn là sự thành công của đoàn phim Kong tại đây. Hiện tại, cũng có 1 - 2 đoàn phim của Hollywood liên hệ với chúng tôi đặt vấn đề được thực hiện phim tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi.