Khắc tinh của tế bào ung thư
Nấm có thể bảo vệ và giúp cơ thể chống lại bệnh ung thư. Trong nấm có rất nhiều chất chống ung thư mang tên phytochemicals hay còn gọi là phytonutrients. Đây không phải là chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể nhưng theo các nghiên cứu khoa học thì nó rất có ích cho sức khỏe của con người.
Các chuyên gia Australia đã tiến hành nghiên cứu trên 2.018 phụ nữ tuổi từ 20 đến 87 ở Trung Quốc, phân nửa trong số này là bệnh nhân ung thư vú. Họ nhận thấy những người ăn ít nhất 10g nấm tươi/ngày có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn 2/3 so với những người không ăn nấm. Nguy cơ mắc bệnh giảm 50% ở những người ăn ít nhất 4g nấm khô/ngày. Trong khi đó, những người ăn nấm và uống trà xanh mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh chỉ bằng 11-18% so với người không ăn nấm và không uống trà.
Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện này không chứng tỏ việc ăn nấm sẽ chặn đứng bệnh ung thư và cần phải tiến hành thêm các nghiên cứu khác để xác nhận kết quả này. Tuy nhiên, những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trên động vật cho thấy nấm có đặc tính kháng khối u và có thể kích thích khả năng phòng vệ của hệ miễn dịch.
Những nghiên cứu khác về sinh vật học cũng cho thấy rằng trong nấm có nhiều chất miễn dịch có khả năng ngăn ngừa nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.
Thực phẩm ăn kiêng
Nấm là loại thực vật mọc hoang dã với 2.500 loại khác nhau. Đây là loại thức ăn mang hàm lượng calo thấp, mỗi chén nấm như vậy chỉ chứa khoảng 18 calo, và 90% còn lại là nước. Vì thế, thật sai lầm nếu như bạn loại nấm ra khỏi thực đơn ăn kiêng của mình. Quan trọng nhất là tất cả các loại nấm đều có chất chống lão hoá mang tên L-ergothionrine. Đây là chất chống lão hóa chỉ có ở nấm. Đặc trưng của của chất này là không mất tác dụng trong quá trình chế biến thành món ăn chín.
Nấm còn có lượng khoáng chất potassium cao, có khả năng ngăn chặn chứng cao huyết áp nguy hiểm ở người. Thực sự thì ăn 5 cái nấm, cơ thể sẽ nhận được lượng chất potassium như một trái cam.
Với hơn 90% là nước, nếu bạn cho nấm vào món ăn như món hầm sẽ làm cho chúng ta có cảm giác đầy bụng hơn mà không cần bổ sung thêm calo.
Dù nấm là thực phẩm ăn kiêng rất tốt, nhưng bạn nên thận trọng khi sử dụng chúng để chế biến thức ăn kiêng dành cho trẻ em, vì cơ thể trẻ không sản sinh đủ lượng enzym cần thiết để xử lý lượng protein trong nấm. Chính vì thế mà trẻ em rất dễ bị ngộ độc khi ăn nấm.
“Hoàng hậu của thực vật”
Đó chính là biệt danh mà con người dành cho nấm hương với mùi vị thơm ngon và hàm lượng chất dinh dưỡng chứa trong nó.
Loại nấm này không chỉ có mùi thơm ngon đặc biệt mà còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người. Theo các nhà dinh dưỡng học, cứ 100g nấm hương có chứa 12-14g protein, 60g hydrate carbon, 124mg calcium, 25mg sắt, 415g phosphorus, các vitamin B1, B2, C và các loại đường…
Nếu ăn nấm hương thường xuyên có thể giúp giảm lượng cholesterol trong máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tràn dịch màng não, bệnh béo phì, các chứng bệnh về tim mạch và bệnh tiểu đường… Ngoài ra, nấm hương còn có tác dụng phòng chống cảm lạnh, khống chế sự phát triển của virus trong cơ thể con người.
Lương Anh