📞

Những dự án khổng lồ trên “Con đường tơ lụa mới"

14:55 | 29/05/2017
Với những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ xây dựng ở nước ngoài, Trung Quốc đang nuôi hy vọng làm sống lại Con đường tơ lụa hàng ngàn năm trước.

Tại diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” tổ chức tại Bắc Kinh gần đây, trước sự chứng kiến của 30 nhà lãnh đạo thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ và tốn kém mà Trung Quốc muốn thực hiện ở nước ngoài.

Được lần đầu tiên nhắc đến vào tháng 9/2013, đến nay dự án “Con đường tơ lụa mới” đã đi vào triển khai và sẽ bao gồm 5 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, nhằm kết nối về mặt thương mại và văn hóa giữa phương Đông - phương Tây.

Đường xe lửa cao tốc Trung Quốc - châu Âu

Một trong những dự án đầu tiên được nhắm đến là việc xây dựng hệ thống đường xe lửa cao tốc từ Trung Quốc sang châu Âu. Hiện tại, Trung Quốc có khoảng 20 đường tàu chở hàng kết nối trực tiếp với các thành phố châu Âu như London, Madrid, Rotterdam và Warsaw, trong đó tuyến đường sắt Trung Quốc - Madrid đã hoạt động được hơn 1 năm là đường tàu dài nhất thế giới.

Trung Quốc muốn làm sống lại Con đường tơ lụa 2.000 năm trước đây bằng đường xe lửa cao tốc. (Nguồn: Getty)

Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình vừa công bố một đợt đầu tư mới nhất trị giá 70 tỷ USD cho dự án tàu cao tốc Trung Quốc - châu Âu. Mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc là tối ưu hóa mạng lưới đường sắt này để thay thế vận tải đường biển.

Ngoài ra, tuyến đường cao tốc dài 7.000 km Bắc Kinh – Moscow cũng sẽ được nâng cấp để rút ngắn thời gian đi xuống còn 30 tiếng. Theo các chuyên gia, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025, với tổng chi phí lên tới 242 tỷ USD.

Mạng lưới tàu cao tốc ở châu Á

Tại châu Á, Trung Quốc đang sở hữu hai dự án tàu cao tốc mang tầm vóc thế giới.

Mạng lưới tàu liên Á của Bắc Kinh sẽ kết nối thành phố Côn Minh (Trung Quốc) với Vientiane (Lào) và mạng lưới đường sắt của Myanmar. Nếu thuận lợi, Trung Quốc sẽ tiếp tục kế hoạch kết nối đường sắt với Thái Lan, Campuchia và Việt Nam nhằm tạo thành một mạng lưới tàu liên Á, nối liền với các nước Đông Nam Á còn lại. Đây là một dự án vô cùng tốn kém khi chỉ riêng tàu cao tốc từ Côn Minh đến Vientiane đã tiêu tốn tới 7 tỷ USD.

Trong khi đó, với chi phí 5,9 tỷ USD, tuyến đường sắt Jakarta - Bandung sẽ là đường tàu cao tốc đầu tiên ở Indonesia và sẽ giúp kết nối giữa thủ đô đất nước này với một trong những trung tâm kinh tế chính trên đảo Java.

Mô hình triển lãm dự án đướng sắt Jakarta - Bandung của Indonesia do Trung Quốc xây dựng. (Nguồn: Getty) 

Hành lang Trung Quốc - Pakistan

Một dự án đầy tham vọng khác của chính quyền Bắc Kinh trong chiến lược “Con đường tơ lụa mới” là Hành lang Trung Quốc - Pakistan. Dự án nhằm mục đích kết nối khu vực phía Tây của Trung Quốc với Biển Arab và Ấn Độ Dương.

Theo kế hoạch, hành lang kinh tế 3.000 km này sẽ kéo dài từ cảng Gwadar (Pakistan) đến thành phố Kasgar (Trung Quốc). Ước tính, dự án sẽ có trị giá lên tới 55 tỷ USD, bao gồm việc hiện đại hóa đường bộ, đường sắt, đường ống dẫn và các dự án cơ sở hạ tầng khác.

Việc thực hiện dự án này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc tiếp cận với biển mà không phải chở hàng qua eo biển Malacca, nơi thường xuyên có cướp biển hoạt động và thời tiết không thuận lợi.

Cảng Colombo

Không chỉ tập trung phát triển các dự án trên bộ, các hải cảng cũng được Chính phủ Trung Quốc đặc biệt chú trọng.

Vì vậy, Bắc Kinh đã không ngại bỏ ra 1,4 tỷ USD để xây dựng cảng Colombo, nằm trong khu vực thủ đô của Sri Lanka. Mặc dù quá trình thi công từng bị gián đoạn do Chính phủ Sri Lanka đang có xu hướng xích lại gần hơn với Ấn Độ, nhưng những khúc mắc giữa hai bên đã được giải quyết trong những quốc đàm phán gần đây.

Chính phủ Sri Lanka trao dự án xây cảng Colombo cho một công ty Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Các dự án ở châu Phi

Cuối cùng, Trung Quốc cũng không quên đầu tư vào "lục địa đen" khi xây dựng tuyến đường sắt nối liền giữa thủ đô Nairobi (Kenya) và thành phố Mombasa trên bờ biển. Dự án này là một phần của mạng lưới giao thông trong tương lai ở Đông Phi, kết nối các thành phố của Kenya với thủ đô của Uganda, Nam Sudan, Rwanda và Burundi.

Bắc Kinh cũng đang tiến hành xây dựng một mạng lưới đường sắt khác kết nối giữa các thành phố tại châu Phi có đông người Trung Quốc với các thủ đô châu Phi khác. Trung Quốc đã khánh thành đường tàu nối thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với thủ đô của Djibouti nằm trên Biển Đỏ, nơi các công ty Trung Quốc đang xây dựng một trung tâm dịch vụ hậu cần hàng hải lớn với chi phí lên tới 13,8 tỷ USD.

Việc theo đuổi hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho thấy Trung Quốc đang mong muốn biến quốc gia này thành trung tâm giao thương của thế giới, qua đó đóng một vai trò cốt lõi trong hệ thống chính trị và kinh tế toàn cầu.

(theo BBC)