Từ trái qua: GS.TS Nguyễn Trí Dũng, ông Hà Thủy Nguyên, ông Trần Bá Phúc. |
Hòa giải dân tộc
GS.TS Nguyễn Trí Dũng (Việt kiều Nhật) đã rất cảm động trước sự thay đổi được ví là “thần kỳ Thánh Gióng” của Việt Nam từ sau năm 1975, nhưng để Việt Nam tiến nhanh, tiến xa đất nước vẫn cần nhiều kỳ tích Thánh Gióng hơn nữa.
Từ ước vọng ấy, ông Dũng thẳng thắn đưa ra những mặt còn hạn chế của công tác cộng đồng hiện nay và nêu quan điểm cần nâng cao, phát huy tính tự chủ, sáng tạo của lực lượng hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Theo ông, muốn hòa giải dân tộc cần nâng cao lòng tự hào dân tộc, đặc biệt trong thế hệ trẻ kiều bào ở nước ngoài và phải tập hợp được đông đảo kiều bào trong ngôi nhà thống nhất.
“Tôi có ước mơ Chính phủ mạnh dạn đứng ra tạo điều kiện cho mọi thành phần kiều bào chưa tương đồng ý kiến ngồi lại nói chuyện và đối thoại với nhau, giống như những đứa con trong một gia đình. Đó có thể một hội nghị hòa giải được tư tưởng chống đối nhà nước và làm sao để mỗi người Việt Nam đều có giấc mơ này và biến nó trở thành sức mạnh chung”.
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia cho biết, công tác cộng đồng tại các địa bàn ở Australia khó khăn do có nhiều thành phần kiều bào khác nhau. Tuy nhiên, sau sự kiện giàn khoan Trung Quốc vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ông đã nhận thấy sức mạnh lớn của cộng đồng người Việt. Vì vậy, ông Phúc tin rằng khi đất nước gặp khó khăn hay lâm nguy thì tinh thần đoàn kết của người Việt sẽ chiến thắng tất cả: “Bà con cần được phổ biến thông tin, tham gia nhiều hoạt động tại Việt Nam để tự hào, thấy mình là một phần của dân tộc. Nhà nước nên có thêm nhiều lớp học tập chính trị, công tác cộng đồng và tổ chức thường xuyên hơn các Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài để lắng nghe ý kiến kiều bào nhiều hơn và trực tiếp hơn”.
Ông cũng trăn trở: “Thông tin chính thống về đất nước và người Việt ở trong nước đối với kiều bào còn hạn chế, thậm chí có nhiều thông tin một chiều có thể sẽ làm hỏng thế hệ tương lai của cộng đồng ở nước ngoài”.
Sự nghiệp trồng người và cống hiến chất xám
Sinh sống tại New Zealand, ông Hà Thủy Nguyên chia sẻ rằng, người Việt Nam ở đây không nhiều, chỉ khoảng hơn 4000 người sinh sống ở nhiều nơi, phần lớn cách xa trụ sở Đại sứ quán Việt Nam. Khi nói về ước mơ Việt, ông Nguyên đã nhấn mạnh đến sự nghiệp trồng người: “Bác Hồ đã nói về lợi ích trồng cây và trồng người. Tôi cho rằng, tất cả người Việt Nam chúng ta đang trồng cây không chỉ trong nước mà ở khắp thế giới. Những hạt giống đã xanh tốt rồi đấy nhưng có giữ được nguyên chất Việt Nam hay không hay bị lai tạp hết rồi. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm biện pháp để gìn giữ những giá trị Việt này”.
Về vấn đề tận dụng nguồn tri thức kiều bào, bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam ở Hungary cho rằng, sự đóng góp của kiều bào những năm gần đây có sự chuyển biến lớn. Gần như tất cả các hoạt động lớn của đất nước, kiều bào đều được tham gia. Tuy nhiên, để mời được các chuyên gia, trí thức về làm việc trong nước thì điều kiện về cơ sở vật chất là chưa khả thi. Dù vậy, trong điều kiện thực tế hiện nay vẫn cần phải tìm mọi cách để có thể phát huy tiềm năng chất xám này.
“Ý tưởng của tôi là nên tổ chức một cuộc trưng cầu lấy ý kiến của tất cả các trí thức, chuyên gia Việt kiều nhưng cần đi sâu vào từng vấn đề cụ thể. Ví dụ như việc sửa đổi kỳ thi tốt nghiệp quốc gia vừa qua nên có ý kiến của các tầng lớp trí thức kiều bào, hay như qua lần kiều bào được hỏi về ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi hiểu biết cặn kẽ hơn nhiều mặt về tình hình Việt Nam”, bà Thiện nói.
Những ngôi nhà Việt thực sự
Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Mỹ David Huy Hồ cho biết: “Có rất nhiều việc chúng ta có thể làm được như xây dựng các trung tâm cộng đồng để quảng bá về Việt Nam, ngôi nhà Việt Nam thực sự cho mọi tầng lớp kiều bào. Còn khá nhiều người Việt Nam ở Mỹ hiện nay muốn tham gia các hoạt động cộng đồng và chuyên môn nhưng không có cơ hội. Vì vậy, phải tìm cách mở rộng cánh cửa đó cho những người Việt Nam sống ở ngoại quốc”.
Là chuyên gia nghiên cứu chiến lược đã về hợp tác với các nhà khoa học trong nước 30 năm qua, ông Nguyễn Trí Dũng cũng rất đồng tình với ý tưởng này. Hiện nay Việt kiều có mặt ở hàng trăm quốc gia nên không thể tổ chức những buổi họp mặt, hội thảo thường xuyên được. Theo ông, nên bắt đầu từ câu lạc bộ khoa học kỹ thuật Việt kiều, rồi tổ chức một mạng lưới, làm nhịp cầu nối anh em trí thức Việt kiều. Chính mối liên kết này sẽ là một điểm tựa rất quan trọng để phát huy nguồn trí thức kiều bào.
Ông Dũng cho biết thêm: “Tại TP. Hồ Chí Minh, tôi thành lập một trung tâm tư vấn liên kết Việt - Nhật đó là địa điểm để chúng tôi quy tụ những nhà khoa học của thế giới, Việt kiều ở nước ngoài và anh em trí thức trong nước”.
Bên cạnh những ngôi nhà chung Việt Nam, ông Trần Bá Phúc cũng mong ước một ngày gần nhất, Nhà nước sẽ có chính sách cấp lại quốc tịch cho những người khó khăn mất giấy tờ, giúp họ được về nước, mua nhà ở và tham gia nhiều hoạt động tại Việt Nam. Có lẽ, những quy định trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi liên quan đến các điều kiện mua nhà ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ thỏa mãn giấc mơ chính đáng này của họ.
HẢI THANH