Trước Giáng sinh, người dân tại Catalonia (Tây Ban Nha) sẽ trang trí một khúc gỗ nhỏ như một nhân vật hoạt hình với chiếc mũ xinh xắn và miệng cười thật tươi. Khúc gỗ sinh động này xuất hiện trong mỗi gia đình vào khoảng hai tuần trước lễ Giáng sinh và được chăm sóc một cách đặc biệt với khẩu phần ăn hàng ngày, gồm bánh kẹo và hoa quả. Vào đêm Giáng sinh, các thành viên trong gia đình sẽ dùng chiếc gậy đánh vào nhân vật bằng gỗ này và cùng nhau ngân nga bài hát mừng Giáng sinh truyền thống. (Nguồn: USA Today)
Ở Australia, xe trượt tuyết của ông già Noel được kéo bởi tám con kangaroo trắng. Một trong những sự kiện nổi bật không thể thiếu trong những ngày này là “Đêm đốt nến hát Thánh Ca mùa Giáng sinh”. Sự kiện này được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Melbourne vào năm 1937 và được duy trì cho đến ngày nay. Hàng ngàn người tụ tập cùng hát vang những bài Thánh Ca với ngọn nến trong tay, truyền đi thông điệp “hòa bình trên khắp trái đất và niềm vui đến mọi nhà.” Ngày Giáng sinh ở Australia còn là ngày truyền thống của việc tặng quà và các sự kiện thể thao, như thi bóng chày và đua thuyền buồm. (Nguồn: Daily Mail)
Venezuela bắt đầu đón giáng sinh từ ngày 16/12 bằng một nghi lễ sáng sớm có tên Misa de Aguinaldo, mọi người đến dự bằng cách trượt patin. Các đường phố bị chặn cho tới 8h sáng để đảm bảo an toàn cho các tay trượt patin. Ngoài ra, trước khi đi ngủ đêm hôm trước, những đứa trẻ trong thị trấn còn buộc một sợi dây vào ngón chân cái rồi buộc đầu sợi dây vào cửa sổ. Những người đi lễ về ngang qua sẽ giật sợi dây để đánh thức bọn trẻ. (Nguồn: Business Insider)
Theo truyền thống tại Hà Lan, trong ba tuần trước ngày 25/12, cứ mỗi tối trẻ em lại đặt guốc gỗ trước lò sưởi. Phụ tá của Sinterklaus (Ông già Noel) là quỷ lùn mặt đen Piet (Zwarte Piet) sẽ leo xuống theo đường ống khói để đổ đầy kẹo và đồ chơi vào guốc gỗ cho những đứa trẻ ngoan, trong khi Sinterklaus cùng chú ngựa trắng sẽ đợi trên mái nhà. Ngoài ra, người ta tin rằng, những đứa trẻ hư sẽ bị bắt mang đến Tây Ban Nha để trừng phạt. Vào ngày này, trẻ em, người lớn hóa trang và vẽ mặt đen thành quỷ lùn Piet đi khắp các đường phố để phân phát kẹo. (Nguồn: Business Insider)
Giáng sinh đối với người Thụy Điển, cũng giống một số nước khác, là thời gian đặc biệt dành cho gia đình và bạn bè thân thiết. Hằng năm, vào ba giờ chiều ngày giáng sinh, các gia đình ngồi quây quần trước tivi để xem “Vịt Donald và những người bạn” và một số bộ phim hoạt hình ngộ nghĩnh khác. Chương trình tivi này có tên “From All of Us to All of You” (Từ tất cả chúng tôi đến tất cả các bạn), hay tiếng địa phương gọi là Kalle Anka, được chiếu vào đúng ba giờ chiều ngày 24/12 kể từ năm 1959. Người Thụy Điển xem đi xem lại chương trình này mỗi năm nhưng chưa bao giờ thấy chán mà luôn háo hức chờ đợi. Mỗi khi đài truyền hình định ngừng chiếu, công chúng lại phản đối rất dữ dội. (Nguồn: Daily Mail)
Là một đất nước theo Thiên chúa giáo, người Ba Lan luôn chờ cho đến khi ngôi sao đầu tiên phát sáng trên bầu trời trong ngày Giáng sinh. Ai nhìn thấy nó đầu tiên có thể ngồi vào bàn và bắt đầu bữa tối. Bữa ăn này thường có đến 12 món, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và thường bắt đầu với món súp củ cải đỏ hoặc rau bắp cải, sau đó là cá hoặc gà tây. Gia đình người Ba Lan thường mời khách đến dự bữa ăn đêm Giáng sinh. Số lượng đĩa dọn ra bàn phải luôn là số lẻ 5, 7 hay 9… và số người tham gia phải luôn bằng số đĩa được dọn trên bàn. Chủ nhà sẽ bẻ chiếc bánh oplatek, là chiếc bánh quế mỏng có in quang cảnh Chúa ra đời chia cho tất cả mọi người trên bàn ăn. (Nguồn: Aupindia)
Người dân ở đất nước Phần Lan có tục lệ đi tắm hơi trước khi ông già Noel đến. Trong đêm Noel, mọi thành viên trong gia đình quây quần bên bữa tối với các món ăn truyền thống gồm có thịt heo bỏ lò, khoai tây nghiền, cá hồi, cháo đặc và gà tây. “Joulupukki” - ông già Noel Phần Lan, luôn ghé thăm mọi nhà bằng cửa chính. Vào dịp này, hầu hết mọi người đều đến nhà thờ, sau đó đi thăm mộ những người thân trong gia đình, để tưởng nhớ những người đã khuất.
Tại Ấn Độ, chỉ khoảng 2,3 % dân số theo đạo Thiên chúa, nhưng bởi dân số hơn 1 tỉ người nên số người theo đạo lên tới 25 triệu. Cũng như mọi nơi khác trên thế giới, Giáng sinh là thời gian sum vầy và tặng quà nhưng chỉ có điều, người Ấn Độ không trang trí cây thông. Thay vào đó, họ trang trí cây chuối hoặc xoài. Người dân thậm chí còn sử dụng lá của những cây này để trang trí nhà của họ. (Nguồn: USA Today)
Tại Slovakia, trong đêm Giáng sinh người đàn ông lớn tuổi nhất gia đình sẽ múc một thìa bánh pudding loska rồi hất nó lên trần nhà. Miếng bánh pudding này càng dính chặt trên trần thì gia đình sẽ càng nhận được nhiều may mắn trong năm mới.