📞

Những giáo viên “đầu bạc” ở Thái Lan

14:55 | 03/10/2018
Không phải ngẫu nhiên việc dạy và học tiếng Việt ở Thái Lan đã trở thành điểm sáng của người Việt Nam ở nước ngoài. Bởi, nơi đó có những cựu giáo viên dù tuổi đã cao vẫn trăn trở với việc lưu giữ văn hóa truyền thống và giảng dạy tiếng mẹ đẻ cho con em mình...

Là cộng đồng có số lượng đông đảo và lịch sử hình thành lâu đời, người Việt tại xứ sở Chùa Vàng luôn có truyền thống hướng về quê hương, đất nước, điển hình là phong trào dạy và học tiếng Việt. Những năm gần đây, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) luôn tổ chức hoạt động tri ân bằng những chuyến về thăm quê hương cho các cựu giáo viên có nhiều năm giảng dạy ở Thái Lan. Trong chuyến thăm lần thứ tư này, 81 thầy cô đến từ nhiều tỉnh thành của Thái Lan đã đoàn tụ tại quê hương để thực hiện những hoạt động ý nghĩa....

Các cựu giáo viên Việt Nam tại Thái Lan chụp ảnh lưu niệm trong chuyến về thăm Quê hương lần thứ 4. (Ảnh: Hà Anh)

“Tiếng Việt còn, người Việt còn”

Đó chính là lời dạy của ông cha ta mà các thầy cô giảng dạy tiếng Việt ở Thái Lan luôn ghi tâm và truyền dạy cho học trò của mình. Qua nhiều thế hệ, các thầy cô không chỉ xây dựng một phong trào lớn mạnh mà còn không ngừng nỗ lực giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ trẻ kiều bào. Tại buổi gặp mặt tối 25/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam – Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định các thầy cô đã đóng góp lớn vào quá trình xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.

Dành những tỉnh cảm tốt đẹp nhất cho kiều bào Thái Lan, qua những chuyến đi thăm tại nhiều địa bàn, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam nhận thấy rõ những nỗ lực của các cựu giáo viên dù đầu đã điểm bạc vẫn không quản công việc riêng tư, dùng tất cả tâm huyết của mình để truyền bá tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ sau.

“Chúng ta đã có một thế hệ cộng đồng người Việt gắn bó với quê hương đất nước, nói được tiếng Việt, giữ được văn hóa tiếng Việt và ngày càng phát triển tại Thái Lan. Cộng đồng người Việt đã tạo được nét riêng cùng với truyền thống văn hóa đặc sắc tại Thái Lan. Chúng tôi vui mừng vì luôn nhận được những đánh giá cao từ phía bạn khẳng định cộng đồng người Việt là một trong những cộng đồng thành công, đoàn kết, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Dù đã về Việt Nam nhiều lần, nhưng mỗi lần thầy giáo Nguyễn Văn An lại chứng kiến nhiều đổi thay của quê hương và luôn nhận được tình cảm ấm áp từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Thầy cũng như nhiều cựu giáo viên luôn tự nhủ mình phải là một hạt nhân tốt trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình và tích cực làm cầu nối cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Hành trình ý nghĩa tại quê hương

Trong tim những cựu giáo viên tiếng Việt tại Thái Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... luôn nắm giữ một tình cảm đặc biệt và trở thành những biểu tượng cao đẹp trong các bài giảng về Việt Nam. Trong chuyến thăm lần này, các thầy cô đã tới Làng Sen - Khu di tích Kim Liên và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An, thắp hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa – Đảo Yến (Quảng Bình). Ngày 26/9 tại Hà Nội, đoàn đã viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan ngôi nhà ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Là thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên tại Thái Lan, cô giáo Nguyễn Thị Kim Khánh tâm sự: “Ngay từ khi còn bé, tình yêu quê hương, đất nước Việt Nam và nơi chôn nhau cắt rốn đã thấm vào da thịt chúng tôi và trở thành một lẽ sống, lý tưởng sống trong mọi suy nghĩ và hành động. Cũng rất dễ hiểu vì sao mà trên 40 năm ấy, tuy cuộc sống gia đình còn khó khăn, nhiều anh chị em vẫn quyết tâm cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp chung của cộng đồng”.

Sinh ra và lớn lên ở Thái Lan, nhưng trong lòng thầy giáo Trần Quang Hiển - Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tỉnh Loei cũng luôn hướng về quê hương Tổ quốc và tự hào là người con Việt Nam. “Tôi vẫn vừa học và vừa dạy lại tiếng Việt cho lớp trẻ cũng được 10 năm. Lần này được gặp lại anh em bạn bè từng có thời gian cùng dạy tiếng Việt với nhau  ngay tại quê hương, tôi rất xúc động”, thầy Hiển nói.

Với rất nhiều cựu giáo viên khác, mỗi lần về quê hương là mỗi lần được trở về với người mẹ hiền mang tên Tổ quốc. Qua chuyến thăm, họ đã được tiếp thêm năng lượng, tiếp thêm nghị lực để tiếp tục phát huy tinh thần tự nguyện, đóng góp công sức cho cộng đồng, đặc biệt phong trào dạy và học tiếng Việt cho con em kiều bào.