Chuyện chia tay GS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ được nghỉ chế độ hết sức cảm động với các bệnh nhân, cán bộ nhân viên của Viện. Hành động đó đã thức tỉnh lòng tin của người dân rằng ngành Y tế vẫn còn nhiều thầy thuốc nặng lòng với bệnh nhân. Tuy vậy, một số tờ báo cho rằng đây là sự việc hiếm trong ngành Y nói riêng và xã hội nói chung.
Tại sao lại coi là hiện tượng hiếm?
Không ai có thể kìm nén xúc động khi chia tay Giáo sư Nguyễn Anh Trí. (Nguồn: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) |
Nếu không có phẩm chất và năng lực, cộng với sự tận tâm cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, sẽ rất khó có được cuộc chia tay với những giọt nước mắt ân tình như thế. Nhưng có lẽ, tình cảm mà người bệnh dành cho giáo sư đầu ngành huyết học còn vì đóng góp của ông những năm tháng làm Viện trưởng. Ông đã đào tạo, rèn luyện được đội ngũ kế cận và các y bác sỹ của Viện với phẩm chất và trình độ chuyên môn tốt. Tình cảm mà bệnh nhân dành cho ông cũng chính là dành cho tập thể cán bộ y bác sỹ của Viện. Điều này mang ý nghĩa lớn lao hơn nhiều, nhất là trong lúc dư luận cũng còn "lăn tăn" mỗi khi phải vào viện hoặc đi khám chữa bệnh, thì hình ảnh buổi chia tay tại Viện Huyết học - Truyền máu TƯ có thể là bài học cho nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe nhân dân phải suy nghĩ. Điều đó cũng góp phần thay đổi hình ảnh không mấy thiện cảm của khá nhiều người đối với y bác sỹ hiện nay và để người ta phải "ngẫm" trong xã hội vẫn còn rất nhiều những "lương y như mẹ hiền" như thế.
Cũng có những cơ quan, khi lãnh đạo được lên chức thì không ít kẻ đón người đưa chào hỏi xoắn xuýt, "nghe nhạc hiệu đoán chương trình". Nhưng khi thủ trưởng nghỉ hưu, dường như tình đồng nghiệp trở nên nhạt nhẽo và để lại một khoảng trống về tình người.
Một cơ quan có được điều này hẳn người Viện trưởng đã phải truyền cho đội ngũ nhân viên của mình tinh thần, trái tim đồng cảm, thái độ tận tình với người bệnh cũng như thực hiện tốt trách nhiệm và y đức. Ở đây có bài học về lãnh đạo một tổ chức phải luôn bằng phẩm chất, tấm gương và tài năng đích thực. Đồng thời, phải có sự hòa quyện giữa nói và làm thật tâm chứ không phải sự "phô diễn" bóng bẩy của người đứng đầu. Nhân dân và dư luận hết sức khách quan khi nhìn nhận, đánh giá một con người vì sự thật chỉ có một.
Thiết nghĩ, ngành Y tế đã đổi mới rồi cần đổi mới mạnh hơn, tìm kiếm và tuyển chọn những tài năng chuyên môn, những người có đạo đức uy tín trong ngành để đưa vào các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các bệnh viện. Cán bộ lãnh đạo, quản lý tốt, tôi tin rằng nhân viên trong bệnh viện sẽ soi vào đó mà tốt lên, những người không xứng đáng sẽ tự bị đào thải ra khỏi ngành. Thiết nghĩ, lựa chọn đào tạo cán bộ quản lý bệnh viện nên là bước đột phá để giúp cho các bệnh viện thực hiện tốt sứ mệnh của mình.
Tôi lại nhớ Albert Einstein nói thế này: "Đừng cố gắng làm một người thành công mà hãy cố gắng làm một người có giá trị". Nhưng GS. Nguyễn Anh Trí có cả giá trị và sự thành công ở trong trái tim của nhân dân.
TS. Hoàng Ngọc Vinh
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD&ĐT)