📞

Những hình ảnh đau thương từ Indonesia, tâm dịch Covid-19 mới của châu Á

Kha Ninh 08:30 | 24/07/2021
'Quằn quại' trong cơn bão dịch bệnh Covid-19, âm thanh than khóc đau buồn của người thân đã 'phủ màu' ảm đạm, đau thương lên cuộc sống của nhiều gia đình ở 'xứ sở vạn đảo'.
Ngày 22/7, Bộ Y tế Indonesia ghi nhận thêm 1.449 người chết vì Covid-19, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch, và 49.509 ca nhiễm trong 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong và số ca nhiễm lên lần lượt là 79.032 và hơn 3 triệu ca. Trong ảnh: Các nhân viên chôn cất thi thể người bị nhiễm Covid-19 ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Trong tháng 7, số ca lây nhiễm Covid-19 theo ngày của Indonesia đã vượt số ca của Ấn Độ. Thậm chí, số ca tử vong mới trong ngày do virus SARS-CoV-2 tại nước này những ngày qua đã vượt qua cả Brazil, Nga và Ấn Độ, đứng đầu thế giới. Trong ảnh: Các bệnh nhân Covid-19 tại các lều điều trị Covid-19 được dựng lên ở Indonesia. (Nguồn: New York Times)
Indonesia đang có tổng số ca nhiễm cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao thứ 14 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong ảnh: Khu cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Do số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, các bệnh viện ở Indonesia bị quá tải, một số bệnh nhân có triệu chứng ở nước này phải về nhà chờ, nhiều trường hợp tử vong do không thể nhập viện. Trong ảnh: Farhan Subagja (18 tuổi) đang chăm sóc mẹ của anh, Sarinah Tato, một bệnh nhân 65 tuổi bị Covid-19, tại một căn lều tạm bên ngoài khu cấp cứu của một bệnh viện ở Bekasi, ngoại ô Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Theo Aljazeera, khi các bệnh viện quá tải, các bác sĩ buộc phải từ chối người bệnh, dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều người tử vong khi đang cách ly. Nhiều người thậm chí chưa bao giờ có cơ hội được điều trị bởi một chuyên gia y tế. Trong ảnh: Các lều cấp cứu bệnh nhân Covid-19 ở ở Bekasi, ngoại ô Jakarta, đang rơi vào tình trạng quá tải. Bệnh nhân phải trải bìa carton để ngồi truyền dịch. (Nguồn: Reuters)
Các chuyên gia dịch tễ trên toàn thế giới cảnh báo tốc độ và quy mô bùng phát dịch bệnh tại Indonesia đã tạo ra môi trường sinh sôi, nảy nở “hoàn hảo” cho một siêu biến thể tiềm tàng mới có khả năng lây nhiễm và chết chóc thậm chí còn vượt cả biến thể Delta. Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho em bé 1 tuổi. (Nguồn: Reuters)
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, Indonesi đã thực hiện nhiều biện pháp như đóng cửa các đền thờ, điểm sinh hoạt tôn giáo hoặc những nơi tập trung đông người, hạn chế hoạt động công cộng khẩn cấp, tăng cường xét nghiệm và sàng lọc... Trong ảnh: Nhân viên lái xe phun hóa chất sát khuẩn xung quanh khu phố Daan Mogot ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Các con phố nhộn nhịp ở Jakarta đã trở nên vắng lặng, ảm đạm hơn. Trong ảnh: Trung tâm Jakarta những ngày giãn cách.(Nguồn: Inside Indonesia/ ATH)
Các bệnh viện ở Indonesia bắt đầu lâm vào tình trạng thiếu nguồn cung oxy, thiếu máy thở, hàng triệu người chờ để được vào khu vực cách ly. Với tổng số trên 3 triệu người nhiễm và hơn 79.000 người tử vong, nhiều người lo ngại dịch Covid-19 tại Indonesia vẫn chưa đạt đỉnh. Trong ảnh: Các bệnh nhân Covid-19 đang được thở oxy ở lều chữa trị tại Bekasi, ngoại ô Jakarta. (Nguồn: Reuters)
Hàng nghìn người ngủ trong những hành lang, lều bạt và xe ôtô với hơi thở khóc nhọc. Họ đang cố chờ một chỗ trống trong những bệnh viện đều đã quá đông đúc. Nhiều người khác không còn hy vọng nữa, nên đành trở về nhà tự chữa trị. Trong ảnh: Người dân tự chờ đợi để được bơm oxy vào bình và mang về cho người thân mắc Covid-19 tại Jakarta.(Nguồn: Reuters)
Các nhà máy sản xuất oxy đều tăng công suất để đáp ứng nhu cầu chữa trị của người dân. Trong ảnh: Một nhà máy bơm oxy ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Người thân chờ đợi các bình oxy được bơm đầy, giữ hy vọng cứu sống người thân mắc Covid-19. Trong ảnh: Biển báo có nội dung "xin lỗi, đã hết oxy" bên ngoài một cửa hàng ở Jakarta. (Nguồn: AFP)
Tình trạng ngày càng trở nên đáng báo động khi số người trẻ tuổi tử vong do Covid-19 tăng cao. Trong ảnh: Thi thể của một phụ nữ 28 tuổi đang chờ được chuyển đến phòng xác, tại một bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Thi thể của một nạn nhân nghi tử vong do Covid-19 tại một bệnh viện ở Indonesia. Sau khi bệnh nhân qua đời, các y tá bọc thi thể trong nhiều lớp ni lông và bôi chất khử trùng để ngăn virus lây lan. (Ảnh: Joshua Irwandi/NatGeo)
Số ca tử vong tăng cao khiến các địa điểm chôn cất người đã khuất càng khan hiếm chỗ, chính phủ phải mở rộng thêm các khu chôn cất mới. Trong ảnh: Khu vực chôn cất thi thể các bệnh nhân Covid-19 ở Jakarta, Indonesia nhanh chóng bị lấp đầy từng ngày. (Nguồn: Reuters)
Tại các khu nghĩa trang của người tử vong vì Covid-19, các công nhân phải làm việc không nghỉ suốt ngày đêm để kịp hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ. (Nguồn: Reuters)
Tiếng khóc ai oán, đau buồn của những người thân đã trở nên quá quen thuộc với các thành viên của đội hỗ trợ mai táng. Trong ảnh: Anh Abdul Rahman ngồi bên cạnh ngôi mộ mới lấp của anh trai anh - Helmi, người đàn ông 33 tuổi qua đời do Covid-19. (Nguồn: Reuters)
Người thân cầu nguyện tại đám tang của anh Permadi Iskandar (31 tuổi), người đã qua đời do Covid-19 ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Tại Indonesia, tính đến thời điểm hiện tại, có 43,3 triệu người dân đã tiêm một mũi vaccine Covid-19, trong đó có 16,9 triệu người đã tiêm chủng đủ hai liều. Con số trên mới chỉ 6% dân số trong bối cảnh nước này vẫn đang khan hiếm nguồn cung vaccine. Trong ảnh: Một công nhân được tiêm vaccine Covid-19 tại Benoa Harbour, Denpasar, Bali, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Hy vọng lớn nhất giúp xử lý khủng hoảng y tế leo thang tại nước này hiện nay là vaccine. Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng cần phải bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine công bằng và cân bằng, khi vẫn còn khoảng cách khá lớn xét trên quy mô toàn quốc. Trong ảnh: Chuỗi hạt cầu nguyện của một bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Indonesia đã phê duyệt 5 loại vaccine cho chương trình tiêm chủng quốc gia, bao gồm Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Novavax. Quốc gia Đông Nam Á này đã khỏi động chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí vào ngày 13/1 với mục tiêu cung cấp vaccine Covid-19 cho ít nhất 181,5 triệu người nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Trong ảnh: Các y, bác sỹ thực hiện ca mổ lấy thai cho sản phụ mắc Covid-19 ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)

(tổng hợp)