Biến đổi khí hậu đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên toàn cầu, gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Trong ảnh: Rạn san hô Great Barrier của Australia đang trải qua đợt tẩy trắng tồi tệ nhất từng được ghi nhận. Theo công bố của Cơ quan quản lý Công viên biển Australia đưa ra ngày 17/4, những cuộc khảo sát từ trên không do các nhà khoa học thực hiện cho thấy khoảng 730 trong số hơn 1.000 rạn san hô trải dài ở Great Barrier đã bị tẩy trắng. (Nguồn: TTXVN/The Guardian)
Sông băng Solheimajokull là địa điểm du lịch nổi tiếng của Iceland nơi tiếp đón hàng chục nghìn lượt khách du lịch mỗi năm. Những bức ảnh này, cho thấy sông băng Sólheimajökull đang rút dần ở Iceland. Trong hai thập kỷ qua, tốc độ tan chảy của sông băng được ước tính đã tăng gấp đôi do sự nóng lên toàn cầu. (Nguồn: CNN)
Một con gấu Bắc cực "da bọc xương" đang lảo đảo tìm kiếm thức ăn. Bức ảnh được chụp vào năm 2017 đã nhận được sự chú ý rộng rãi, làm dấy lên các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu. (Nguồn: CNN)
Ảnh chụp thi thể của sáu con hươu cao cổ nằm ở ngoại ô làng Eyrib ở khu bảo tồn động vật hoang dã Sabuli, Kenya, vào năm 2021. Hạn hán kéo dài ở phía Đông Bắc nước này và vùng Sừng châu Phi rộng lớn hơn đã gây ra tình trạng thiếu lương thực và nước uống cho cả động vật và cộng đồng địa phương. (Nguồn: Getty Images)
Nước đổ xuống từ một bức tường băng Nordaustlandet ở Svalbard, Na Uy, với những vệt mây màu xám phủ bên trên tạo nên một hình ảnh tuyệt đẹp, nhưng lại cho thấy tốc độ tan chảy của các sông băng trên trái đất đang tăng đột ngột do biến đổi khí hậu. Nhiếp ảnh gia người Canada Paul Nicklen đã chụp bức ảnh này vào một mùa Hè nóng bất thường tháng 8/2014 với nhiệt độ dao động trên 21 độ C. (Nguồn: CNN)
Hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa cháy rừng tại Australia. Hàng loạt vụ cháy nghiêm trọng từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020 đã thiêu rụi hơn 20% diện tích rừng ở Australia, khiến hơn 30 người thiệt mạng và gần 3 tỷ động vật chết cháy hoặc mất tích, nhiều loài động thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Cho đến nay, Đất nước này vẫn phải chống chọi với các đợt nắng nóng dữ dội và nguy cơ cháy rừng rình rập. Trong ảnh: Một con kangaroo nhảy qua ngôi nhà đang cháy ở hồ Conjola, Australia vào tháng 12/2019, vụ cháy rừng năm 2019 là một trong những vụ cháy rừng tồi tệ nhất mà đất nước này từng trải qua. (Nguồn: New York times)
Không chỉ ở hai cực của Trái đất, mực nước biển dâng cao còn ảnh hưởng đến những nơi như đảo Bhola ở Bangladesh. Tại đây, tình trạng xói mòn cùng mực nước biển dâng cao ngày càng tăng đã biến những ngôi làng thành những "hòn đảo". Trong ảnh: Người dân đứng trên phần còn lại của con đường ở đảo Bhola, Bangladesh, năm 2005. Khu vực này, ở cửa đồng bằng sông Hằng, vẫn đang bị xói mòn nhanh do nước biển dâng. Tác giả của bức ảnh năm 2005 này là cố nhiếp ảnh gia Gary Braasch (qua đời năm 2016).
Bức ảnh được đặt tên “Ngôi nhà của gấu” bởi tác giả Dmitry Kokh cho thấy những chú gấu Bắc Cực lang thang trong một khu định cư thời Liên Xô cũ bị bỏ hoang trên đảo Kolyuchin. Bức ảnh đặt ra vấn đề ngày càng nghiêm trọng của gấu Bắc Cực: chúng không còn băng để săn mồi, vì vậy xâm phạm không gian của con người và chạm trán với người dân địa phương, dẫn đến hậu quả cho cả hai bên. Với việc Bắc Cực hiện nóng lên nhanh hơn gần 4 lần so với phần còn lại của địa cầu, các lớp băng tan chảy khiến gấu Bắc Cực dần mất đi môi trường sống phù hợp. Đây là một trong những bức ảnh đoạt giải Nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã năm 2022. (Nguồn: CNN)
Những tác động của biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tấn công cả động vật lẫn con người. Một khi còn tồn tại trên trái đất, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu theo những cách tàn khốc riêng. Trong ảnh: Đàn cá chuyển hướng để nhường chỗ cho một con sư tử biển ở Galápagos - quần đảo ngoài khơi bờ biển Ecuador, nổi tiếng với đời sống sinh vật biển sôi động và là một trong những khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới. Giữa những hình ảnh tiêu cực cũng tồn tại những bức ảnh biểu thị niềm hy vọng. Hình ảnh con sư tử biển trồi lên mặt nước cho thấy cuộc sống đại dương có thể phát triển như thế nào nếu được bảo vệ đúng cách. (Nguồn: CNN)
Ảnh chụp con cá voi đầu cong gần đảo Baffin ở Canada. Con cá voi này có thể sống đến hơn 200 tuổi. Cá voi đại diện cho một trong những đồng minh lớn nhất của trái đất trong quá trình khử cacbon. Bởi cơ thể cá voi không chỉ là kho dự trữ carbon khổng lồ, mà phân của chúng còn cung cấp nhiên liệu cho thực vật phù du hấp thụ carbon dioxide từ khí quyển. Bằng cách thể hiện vẻ đẹp của hành tinh, hai nhiếp ảnh gia Paul Nicklen và Mittermeier tin rằng, những bức ảnh có thể cho mọi người thấy vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường rất đáng để đấu tranh. (Nguồn: CNN)
Đây là một bức ảnh trong loạt ảnh chủ đề “The Day May Break” của nhiếp ảnh gia Nick Brandt, khắc họa sự ảnh hưởng của tàn phá môi trường đến con người và động vật. Bức ảnh chụp Alice, Stanley cùng đứa con của họ đang trên đường di dời do lũ lụt đã phá hủy căn nhà của cả gia đình ở Kenya năm 2017. Họ được chụp ảnh tại Khu bảo tồn Ol Pejeta cùng với Najin – một trong hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng trên thế giới. Cả động vật và con người được khắc họa trong một khung hình cho thấy số phận của cả hai gắn bó sâu sắc với nhau. Con người phải di dời do hạn hán hay lũ lụt, còn động vật là nạn nhân của sự hủy hoại môi trường sống hoặc nạn buôn bán động vật hoang dã. (Nguồn: CNN)
Ảnh chụp từ trên không cho thấy những ngôi nhà tại cộng đồng El Bosque ở Nuevo Centla, bang Tabasco, Mexico, bị phá hủy do mực nước biển dâng cao gây xói mòn bờ biển do biến đổi khí hậu. Tabasco cũng là một trong những khu vực của Mexico bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt nắng nóng năm nay, với nhiệt độ lên tới 40 độ C (104 độ F). Nắng nóng và lượng mưa dưới mức bình thường cũng đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng. (Nguồn: AFP)
New Delhi ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay là 52,3 độ C khi miền Bắc Ấn Độ oi bức. Thời tiết khắc nghiệt buộc một số trường học phải đóng cửa và làm tăng nguy cơ say nắng đối với những người làm việc ngoài trời. Trong ảnh: Một người giao gas đang lau mồ hôi khi tạm nghỉ dưới bóng cây ở New Delhi. ( Nguồn: AP)
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.