Những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời Hoàng thân Philip
Mai Trang
09:36 | 17/04/2021
Trong suốt cuộc đời của mình, Hoàng thân Philip đã tận tâm phục vụ công chúng và luôn sát cánh cùng Nữ hoàng Elizabeth II trong các sự kiện quan trọng của hoàng gia. Dưới đây là những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời người phối ngẫu hoàng gia phục vụ lâu nhất trong lịch sử nước Anh.
Hoàng thân Philip sinh ngày 10/6/1921 ở Mon Repos trên hòn đảo Corfu của Hy Lạp. Cha ông là Hoàng tử Andrew của Hy Lạp và Đan Mạch, trong khi mẹ ông là Công chúa Alice của Battenberg và là cháu gái của Nữ hoàng Victoria. Gia đình ông phải chạy trốn khỏi Hy Lạp vào năm 1922 sau khi Vua Constantine I, chú của ông, bị trục xuất khỏi chính đất nước của mình sau một cuộc nổi dậy. Hoàng thân Philip bắt đầu học ở Pháp, nhưng sau đó được gửi đến Anh, nơi ông được bà và chú nuôi dưỡng. Sau đó, ông học ở Đức và Scotland.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Hoàng thân Philip quyết định theo nghiệp quân sự. Ban đầu, ông dự định phục vụ trong Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, nhưng gia đình mẹ ông phục vụ trong Hải quân, bởi vậy ông quyết định nộp đơn vào trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia Britannia. Năm 1940, ông tốt nghiệp với tư cách là học viên xuất sắc nhất.
Hoàng thân Philip phục vụ trong lực lượng vũ trang Anh trong Thế chiến II. Ở tuổi 21, ông trở thành một trong những trung úy trẻ nhất trong Hải quân Hoàng gia Anh. Ông đã tham gia vào trận chiến đảo Crete và trận chiến mũi Matapan. Hoàng thân đã tham gia vào cuộc chiến chống quân xâm lược Sicily trong Thế chiến II của lực lượng Đồng minh vào năm 1943, giải cứu tàu khu trục khỏi một cuộc tấn công trên không trong đêm bằng cách phóng một chiếc bè có khói bay lên làm mồi nhử quân địch. Ông có mặt tại Vịnh Tokyo vào năm 1945 khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng.
Hoàng thân Philip gặp vợ tương lai vào năm 1939. Hai người trao đổi thư từ và đến năm 1946, Hoàng thân Philip, khi đó ngoài 20 tuổi, được Vua George VI cho phép kết hôn với con gái nhưng phải đợi đến khi Elizabeth 21 tuổi.
Để kết hôn với Elizabeth, Philip phải từ bỏ tước vị Hy Lạp và nhập quốc tịch Anh. Ông lấy họ Mountabatten từ gia đình của mẹ. Một ngày trước đám cưới, ông được phong làm Công tước xứ Edinburgh. Hai người kết hôn vào ngày 20/11/1947. Hôn lễ có sự tham gia của 2.000 khách mời và khoảng 200 triệu người theo dõi qua sóng radio.
Vào ngày 6/2/1952, khi hai vợ chồng đang nghỉ tại Kenya thì có tin Vua George VI qua đời do chứng huyết khối động mạch vành. Philip khi đó phải đảm nhận việc báo tin cho vợ. Một người bạn sau này kể lại rằng, Philip cảm giác như có "một nửa thế giới" đè lên người ông.
Sau khi Công chúa Elizabeth lên ngôi, Philip quyết định từ bỏ sự nghiệp quân sự để hỗ trợ vợ thực hiện các nhiệm vụ hoàng gia. Trong bức ảnh này, Công tước xứ Edinburgh điều khiển một chiếc máy bay vận tải quân sự Blackburn vài phút trước khi bình cứu hỏa phát nổ và khiến khoang lái bốc khói ngùn ngụt. Hoàng thân đã cố gắng kiểm soát máy bay bất chấp nguy hiểm và hạ cánh 10 phút sau đó.
Hoàng thân Philip và Nữ hoàng Elizabeth II có 4 người con. Con đầu lòng của họ, Thái tử Charles, sinh năm 1948, tiếp theo là Công chúa Anne năm 1950, Hoàng tử Andrew năm 1960, và Hoàng tử Edward năm 1964. Các nhà viết tiểu sử hoàng gia cho biết, có lúc Hoàng tử Philip tỏ ra khá nghiêm khắc với các con. Quan hệ giữa Hoàng thân Philip và con trai nhiều lúc khó khăn. Hồi nhỏ, Charles đã khóc sau khi bị cha khiển trách trước công chúng.
Theo các chuyên gia hoàng gia, thái độ nghiêm khắc của Hoàng thân Philip đối với con cái thường phản ánh cuộc sống của ông. Năm 1930, mẹ của ông, Công chúa Alice của Battenberg, được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và được đưa vào bệnh viện tâm thần. Philip đã trải qua thời thơ ấu xa cha mẹ và thường ở một mình, điều này khiến ông có tính tự lập từ khi còn nhỏ.
Khi làm việc tại Hoàng gia Anh, Hoàng thân Philip tập trung vào việc giúp đỡ những người trẻ tuổi. Năm 1956, ông thành lập một chương trình giải thưởng công nhận thanh thiếu niên và thanh niên đã hoàn thành một loạt các bài tập cải thiện bản thân và mong muốn thúc đẩy tinh thần đồng đội. "Nếu bạn có thể khiến những người trẻ tuổi thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào, cảm giác thành công đó sẽ lan tỏa sang rất nhiều người khác", Hoàng thân Philip nói về giải thưởng.
Hoàng thân Philip cũng dành nhiều thời gian để nâng cao nhận thức về việc bảo tồn động vật hoang dã và môi trường. Ông là Chủ tịch của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới từ năm 1961-1982 và được ca ngợi vì đã đi đầu trong các dự án khai thác rừng và các chiến dịch chống đánh bắt quá mức trên đại dương.
Ngoài ra, Hoàng thân Philip cũng tham gia vào nghệ thuật. Hoàng thân Philip là Chủ tịch của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh (BAFTA) và thường xuất hiện tại các lễ trao giải. Trong bức ảnh này, Hoàng thân Philip gặp ban nhạc The Beatles tại Lễ trao giải Carl Alan.
Trong suốt cuộc đời của mình, Hoàng thân Philip đã hỗ trợ gần 800 tổ chức ở Anh và Khối thịnh vượng chung, tập trung vào giáo dục thanh niên, thể thao và công nghiệp.
Hoàng thân Philip nổi tiếng vì không chịu khuất phục trước sự đúng đắn về chính trị, điều mà ông thường bị chỉ trích. Một số chuyên gia hoàng gia tin rằng, nhiều tuyên bố của ông, mà báo chí cho rằng không phù hợp, được thúc đẩy bởi mong muốn làm nhẹ bầu không khí và khiến mọi người thoải mái.
Hoàng thân Philip đã ngừng tham gia các sự kiện của Hoàng gia Anh từ tháng 5/2017, ở tuổi 95. Lần cuối cùng tham gia sự kiện hoàng gia của ông là tại cuộc gặp với Thủy quân lục chiến Hoàng gia. Điện Buckingham cho biết, Hoàng thân Philip đã thực hiện hơn 22.000 cuộc gặp riêng kể từ khi trở thành phu quân của Nữ hoàng vào năm 1952.
Năm 2020, Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng thân Philip kỷ niệm 73 năm ngày cưới. Đây là cuộc hôn nhân lâu nhất trong lịch sử của chế độ quân chủ Anh.
Trong những năm gần đây, Hoàng thân Philip thường xuyên phải nhập viện, nhưng mỗi lần như vậy ông đều từ chối gặp bất kỳ vị khách nào, kể cả Nữ hoàng.
Theo các chuyên gia hoàng gia, thành tựu lớn nhất của Hoàng thân Philip là sự ủng hộ vô bờ bến dành cho Nữ hoàng. Nữ hoàng Elizabeth II nói rằng, Hoàng thân Philip luôn là "sức mạnh và người dẫn đường" của bà. "Ông ấy là người khá đơn giản, luôn là sức mạnh của tôi và bên cạnh tôi suốt những năm qua. Tôi và cả gia đình, thậm chí là đất nước này và nhiều quốc gia khác đã nợ ông ấy một món nợ lớn hơn những gì ông ấy có thể đòi". Nữ hoàng Elizabeth nói vào năm 1997 trong một lễ kỷ niệm để đánh dấu kỷ niệm đám cưới vàng.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.