Việt Nam xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển, coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ.
Mục tiêu nhất quán của mọi chính sách xã hội do Đảng và Nhà nước Việt Nam đề ra đều hướng trọng tâm vào con người, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội, bảo đảm những nhu cầu tối thiểu nhất của con người là ăn, ở, mặc, đi lại...
Với quan điểm đó, Việt Nam luôn nỗ lực để bảo đảm quyền con người, trong đó, giá trị cốt lõi nhất là điều kiện sống bảo đảm và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Trong đại dịch Covid-19, trước vô vàn khó khăn, điều này một lần nữa được khẳng định “không có ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhân viên ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. (Nguồn: Dân trí) |
Quyền có các điều kiện sống bảo đảm
Quyền có điều kiện sống bảo đảm lần đầu tiên được đề cập trong Khoản 1 Điều 25 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR), trong đó, mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tàn phế, góa bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ.
Trong đó quan trọng nhất là quyền có đủ lương thực, thực phẩm, quyền có nước và quyền có nhà ở là nhóm quyền quan trọng.
Quyền về điều kiện sống bảo đảm tiếp tục được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 11 Công ước quốc tề về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966 (ICESCR), trong đó nêu rằng: Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được có một mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình mình, bao gồm các khía cạnh về ăn, mặc, nhà ở, và được không ngừng cải thiện điều kiện sống.
Liên quan đến Điều 11 ICESCR, Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đã giải thích rất cụ thể về ý nghĩa và nội hàm của các quyền trong các Bình luận chung số 4 về quyền nhà ở (thông qua tại phiên họp thứ 6 năm 1991), số 7 về cưỡng chế di rời nhà ở (thông qua tại phiên họp thứ 16 năm 1997), số 12 về lương thực (thông qua tại phiên họp thứ 21 năm 1999), số 14 (thông qua tại phiên họp thứ 22 năm 2000), số 15 về nước (thông qua tại phiên họp thứ 29 năm 2002).
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân trong các văn bản pháp luật như: Hiến pháp 2013, Luật nhà ở 2014, Bộ luật Lao động 2012, Bộ luật Hình sự 2015, Luật an toàn thực phẩm 2010, các chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch…
Trong đó, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” (Điều 22, mục 1); “Mọi người có quyền sở hữu về nhà ở” (Điều 32, mục 1) và “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” (Điều 59, mục 3).
Đồng thời để có được nguồn lương thực, thực phẩm đảm bảo, Nhà nước đã ban hành Luật an toàn thực phẩm, Luật bảo vệ người tiêu dùng, các chương trình về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia ví dụ, Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030...
Và có những chế tài thích đáng nếu vi phạm quyền này của người dân. Cụ thể, Bộ luật Hình sự 2015, Điều 317 - về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo đó, những hành vi: sử dụng hóa chất trong chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc… sẽ bị phạt tiền đến phạt tù tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.
'Những chuyến xe nghĩa tình' hỗ trợ tỉnh Đồng Nai phòng chống dịch Covid-19. |
Nỗ lực bảo đảm cuộc sống cho người dân trong đại dịch
Trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Đảng và Nhà nước ta luôn có những quyết định sáng suốt để vừa ngăn ngừa dịch bệnh mà vẫn bảo đảm quyền có điều kiện sống cho người dân. Không khó để thấy những hình ảnh các nhà lãnh đạo sát sao chỉ đạo trực tiếp ở các vùng dịch trọng điểm hoặc các cuộc họp khẩn trong đêm.
Có lẽ phải từ khi đất nước giành thống nhất độc lập dân tộc đến nay, lại một lần nữa người dân Việt Nam thấy được sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng và toàn dân sát cánh bên nhau chiến thắng dịch bệnh.
Để kịp thời chia sẻ phần nào khó khăn của người dân, các địa phương trong cả nước mà nòng cốt là Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị đã vào cuộc huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Nhiều hoạt động thấm đậm tình người đã và đang được các ban ngành triển khai rộng khắp như: chuyến xe nghĩa tình, trao tặng túi an sinh, “Chuyến xe nghĩa tình - Đồng hành vượt qua đại dịch”, bếp ăn nghĩa tình, gian hàng “0 đồng”, mô hình “ATM gạo”… để gửi tặng lương thực, thực phẩm đến người dân đã kịp thời động viên, tiếp thêm nguồn lực để người dân “ở yên” góp phần cùng các địa phương chiến thắng dịch bệnh.
Cùng với đó, với tinh thần truyền thống của dân tộc ta “lá lành đùm lá rách”, trong khi đợi sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều nguồn lực xã hội đã chung sức hỗ trợ cho người nghèo, người thuộc nhóm yếu thế.
Đã có rất nhiều các điểm phát gạo, mì gói, trứng, dầu ăn, khẩu trang và cung cấp bữa ăn miễn phí, giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn, người bán vé số, nhặt ve chai… Những bữa ăn miễn phí, những đồ dùng thiết yếu đã được tổ chức để mọi người cùng nhau vượt qua cơn khó khăn trong mùa dịch này.
Từ tháng 2/2021, trước tình trạng số ca Covid-19 ngày càng tăng cao, để bảo đảm cuộc sống cho người dân trong khu cách ly, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống Covid-19. Theo văn bản này, những người đi cách ly tập trung phải thanh toán một phần chi phí tiền ăn và sinh hoạt, thực tế, những chi phí này chỉ mang tính chất chia sẻ giữa người dân và Nhà nước.
Trong số đó vẫn có những trường hợp được miễn phí tiền ăn khi đi cách ly như: Hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày cho trẻ em phải cách ly tập trung (Bộ LĐTB&XH ban hành Quyết định 623/QĐ-LĐTBXH ngày 29/5/2021 về việc hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch).
Tuy nhiên, đến Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/7/2021 bổ sung quy định: Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày (Khoản 8, Mục II).
Đối với người lao động có giao kết hợp đồng lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động để phòng dịch.
Hỗ trợ: (i) 1.855.000 đồng/người với lao động phải nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng (30 ngày), (ii) 3.710.000 đồng/người với lao động phải nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng (30 ngày) trở lên; (iii) Người lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tháng được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người (Khoản 4, 7, mục 2, Nghị quyết 68/2021/NQ-CP và Điều 14, Quyết định 23/2021/QĐ - TTg).
Đối với người lao động có ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bị ngừng việc thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa từ 14 ngày trở lên thì được hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người. Lao động nữ đang mang thai hoặc cha mẹ đang nuôi con nhỏ dưới 6 tháng thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/ người (Khoản 5, Mục II, Nghị quyết 68/2021/NQ - CP và Đ.17, Đ.18 Quyết định 23/2021/QĐ - TTg).
Đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động do dịch bệnh có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tháng liền kề trước đó mà không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hỗ trợ: 3.710.000 đồng (Khoản 6, Mục II Nghị quyết 68/2021/NQ - CPvà Đ.21, Đ.22 Quyết định 23/2021/QĐ - TTg).
Cùng với những hỗ trợ về lương thực thực phẩm nhu yếu phẩm, có những nơi, những chỗ người dân được cấp phát nước ăn, nước uống miễn phí. Điều đặc biệt hơn nữa, để bảo đảm quyền có điều kiện sống cho người dân, chia sẻ với người dân vì dịch bệnh bị mất, giảm thu nhập, chính quyền đã phối hợp cùng các đơn vị cung ứng dịch vụ điện, nước để giảm tiền nước, tiền điện sinh hoạt cho người dân.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Văn bản số 453/BC-BCT đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện đợt 4. Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 5257/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt.
Các địa phương ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm giải quyết chi trả kinh phí cho người thuộc diện thụ hưởng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. (Nguồn: TTXVN) |
Lựa chọn giải pháp tối ưu nhất trong điều kiện cực kỳ khó khăn
Đợt dịch gây hậu quả rất nghiêm trọng cả về kinh tế - xã hội, đời sống và sức khỏe nhân dân, vì vậy, các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tới đây phải rất toàn diện, hiệu quả và kịp thời, vừa có nhiệm vụ y tế, vừa có nhiệm vụ kinh tế - xã hội, vừa khắc phục những hậu quả của đại dịch, phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành công.
Chúng ta đã kế thừa những biện pháp phù hợp trước đây, đồng thời bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để đổi mới, đưa ra giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Để bảo đảm hơn nữa quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân trong đại dịch Covid-19, các cấp chính quyền và người dân cần nắm rõ một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục thông tin chính xác và kịp thời cho người dân về tình hình dịch bệnh cũng như nguồn cung hàng hóa lương thực đến cho người dân, tránh tình trạng thông tin giả, gây hoang mang trong dân chúng.Tăng cường sự kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng dịch bệnh để tạo ra thông tin giả về sự khan hiếm nguồn cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm, hoặc chèn ép, thổi giá, đội giá.
Thứ hai, thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong các cơ quan, đơn vị nhà nước và cho nhân dân để chủ động ứng phó.
Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm của người dân. Tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, địa phương đểsửa đổi, bổ sung, hoàn thiện qui định tạm thời của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thứ tư, kêu gọi sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ về tài chính, vật chất của cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội thực hiện các mục tiêu bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân trong đại dịch cũng như khắc phục những khó khăn sau dịch bệnh.
Thứ năm, Chính phủ đã thần tốc trong việc ban hành những văn bản kịp thời trong phòng chống Covid-19 nói chung và bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm cho người dân nói riêng. Nhưng trong tương lai, cần có những văn bản mang tính pháp lý cao hơn bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc bảo đảm quyền con người nói chung và bảo đảm quyền có điều kiện sống bảo đảm nói riêng cho người dân trong những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tương lai.
Qua đại dịch Covid-19, một lần nữa khẳng định được khả năng quản lý, điều hành đất nước của Đảng và Nhà nước ta. Một lần nữa khẳng định mạnh mẽ Nhà nước Việt Nam luôn coi con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững và là kim chỉ nam trong hành động của Đảng và Nhà nước ta.
*Viện Nhà nước và Pháp Luật - Viện hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
| Phương thức cầm quyền để ‘không ai bị bỏ lại phía sau’ trong đại dịch Covid-19 Bốn đợt dịch Covid-19 là bốn đợt cuồng phong, đại hồng thủy càn quét thế giới, gây khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng. Trong ... |
| Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết Dịch bệnh đặt con người trước thử thách sinh tử, thì cách tốt nhất để bảo đảm cho người dân thụ hưởng đầy đủ các ... |