Đã hàng thế kỷ trôi qua, những bong bóng khủng hoảng kinh tế - tài chính được lặp đi lặp lại nhiều lần, từ “hội chứng hoa tulip” trong thế kỷ XVII đến “cuộc khủng hoảng thế chấp độc hại” năm 2007 - 2008, khiến hàng ngàn người bị mất nhà cửa.
Bình luận về hiện tượng này, ông Markus K. Brunnermeier - giáo sư kinh tế Đại học Princeton tại Mỹ, giải thích: “Những cuộc khủng hoảng thường xảy ra khi giá của một sản phẩm được đẩy lên rất cao, ngay cả khi người ta không nghiên cứu kỹ càng về nó. Bong bóng thường xuất hiện trong những giai đoạn đổi mới, có thể là những biến đổi về trong giới công nghệ và tài chính như tàu hỏa, internet. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với một bong bóng mới là tiền ảo Bitcoin”.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách vĩ mô Ann Pettifor tại London, “những bong bóng khủng hoảng kinh tế lớn như dot com hoặc có thể là Bitcoin dễ xảy ra vì chu kỳ hoạt động kinh tế và giá cả phát triển theo cấp số nhân. Trong khi đó, các thể chế và quy định tài chính bị suy yếu, khiến cho những ảo tưởng về giá trị của chúng ngày càng trở nên sâu rộng và có thể dẫn tới những bong bóng khủng hoảng kinh tế”. Sau đây là 5 bong bóng khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Hội chứng hoa tulip
Vào thế kỷ XVII, có thời điểm mọi người đổ xô đi mua hoa tulip nhiều màu đến từ Hà Lan. Giá cả của những bông hoa này cao đến mức cắt cổ, khiến mọi người bắt đầu bán nhà để có thể mua được chúng. Thậm chí, ngay cả những bông hoa chưa thu hoạch cũng có một thị trường của riêng mình.
Chỉ trong giai đoạn 1636 - 1637, giá hoa Tulip đã tăng một cách chóng mặt, để rồi tụt dốc một cách không phanh, tạo nên bong bóng tài chính đầu tiên trên thế giới. (Nguồn: Richard Cayne) |
Tuy nhiên, sự leo thang về giá cả đã kết thúc vào một ngày của năm 1637 chỉ vì một tin đồn dịch bệnh phát tán từ loài hoa này. Những người đã mua hoa bắt đầu rao bán một cách tuyệt vọng, tạo ra một sự sụt giảm mạnh về giá cả.
Sự hoảng loạn về tài chính lan rộng ra chủ nhân của những vườn tulip và chỉ trong chốc lát, nền kinh tế Hà Lan vốn quá phụ thuộc vào sản phẩm này đã sụp đổ.
Bong bóng của Công ty Nam hải
Vào đầu thế kỷ XVIII, Công ty Nam hải của Anh đã có độc quyền thương mại với các thuộc địa của Tây Ban Nha ở châu Mỹ Latin. Công ty này đã thiết lập tuyến thương mại đầu tiên tới khu vực Mỹ Latin vào năm 1717 và bắt đầu thổi phồng những thành tích về hoạt động thương mại đó.
Điều này khiến giá trị cổ phiếu của Công ty tăng vọt, từ 128 lên 1.000 bảng Anh chỉ trong vòng nửa năm. Mọi người đều muốn mua cổ phiếu của công ty. Ngay cả Nghị viện Anh cũng cho phép công ty có thêm vốn tín dụng để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trong thế kỷ XVIII, Công ty Nam hải của Anh đã phát tán những tin đồn phóng đại tạo ra một bong bóng khủng hoảng kinh tế. (Nguồn: Getty) |
Sự gia tăng nhanh chóng giá cổ phiếu đã gây ra cơn khát đầu cơ điên cuồng trên khắp nước Anh. Việc mua chứng khoán còn được mở rộng sang các công ty khác mà thu nhập thực tế không được chứng minh.
Nhưng khi nguồn lực kinh tế của những người tiết kiệm nhỏ bắt đầu cạn kiệt thì tình hình trở nên khó khăn. Tình huống càng trở nên phức tạp hơn khi các nhà đầu tư bắt đầu mua chứng khoán với số tiền vay mượn từ chính Công ty Nam hải.
Khi đến hạn trả nợ, nhiều nhà đầu tư đã không có đủ tiền và bắt đầu bán cổ phiếu của họ. Giá cổ phiếu sụt giảm thảm hại, đẩy nhiều ngân hàng vào tình trạng phá sản và nền kinh tế Anh vào thế lụn bại.
Cuộc khủng hoảng năm 1929
Sự sụp đổ lớn nhất trong lịch sử tài chính của Phố Wall đã được báo trước với cao trào đầu cơ xuất hiện trong những năm 1920, khi hàng nghìn người đổ xô đầu tư vào thị trường chứng khoán. Nhiều người đã vay nợ để mua thêm cổ phiếu, tạo ra một bong bóng không thể kiểm soát.
Năm 1929 diễn ra sự sụp đổ tài chính tồi tệ nhất của Phố Wall. (Nguồn: Getty) |
Cho đến ngày 24/10/1929, cú sốc đầu tiên xảy ra, khi bảng niêm yết giá chứng khoán sụp đổ trong nháy mắt, khiến sự hoảng loạn tài chính lan ra khắp đường phố New York. Ngày “Thứ Hai đen tối” ập xuống, chấm dứt cơn sốt đầu cơ, vốn đã mang lại nhiều lợi nhuận cho những người đầu tư vào sàn chứng khoán. Các ngân hàng phá sản, các công ty đóng cửa và hàng trăm nghìn người trắng tay.
Cuộc khủng hoảng này đã ghi dấu ấn mãi mãi trong lịch sử, khi nó không chỉ tàn phá nền kinh tế Mỹ, mở ra thời kỳ Đại Suy thoái tại quốc gia này mà còn tác động đến toàn thế giới.
Sự sụp đổ của các công ty “dot com”
Quá trình phát triển chóng mặt của internet vào cuối những năm 1990 đã dẫn tới cái gọi bong bóng “dot com”. Giá trị của một số công ty công nghệ được đánh giá quá cao so với thu nhập thực tế của họ. Một số doanh nhân đã trở thành triệu phú, còn các nhà đầu tư đổ xô đi mua chứng khoán mà họ cho là sẽ tiếp tục tăng giá trị. Nhiều công ty dot com được định giá tới hàng tỷ USD, trong khi chỉ số chứng khoán Nasdaq Composite của các công ty này tăng theo cấp số nhân.
Mặc dù ông Alan Greenspan, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang đã " cảnh báo về sự gia tăng giá cả bất hợp lý, nhưng cơn sốt đầu tư vẫn tiếp tục và chỉ hạ nhiệt vào cuối tháng 10/2002, khi các báo cáo chỉ ra rằng nhiều công ty đang làm ăn không có lãi. Giá trị các cổ phiếu dần chạm đáy và chẳng bao lâu sau đã khiến nước Mỹ một lần nữa rơi vào suy thoái, khiến kinh tế toàn cầu lao đao.
Các công ty công nghệ được đánh giá quá cao trên thị trường. (Nguồn: Getty) |
Cuộc khủng hoảng thế chấp độc hại
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây nhất đã bùng phát vào cuối thập niên vừa qua. “Cuộc khủng hoảng thế chấp độc hại” này xảy ra khi các ngân hàng Mỹ cho vay thế chấp mua nhà lãi suất cao với những người không có khả năng thanh toán tài chính. Sau đó, số ngân hàng này đã tập trung đầu tư vào lĩnh vực không có nhiều lợi nhuận, cũng như bán lại nhiều lần trên thị trường tài chính.
Bong bóng tài chính bùng nổ khi các khoản nợ tín dụng không thể được chi trả, giá nhà đất chạm đáy, trong khi hàng triệu người mất nhà cửa. Thị trường chứng khoán sụp đổ, thất nghiệp tăng cao, hệ thống ngân hàng lao đao, mà đỉnh điểm là việc ngân hàng Lehman Brothers đệ đơn phá sản vào năm 2008.
Đáng chú ý, mặc dù bắt nguồn gốc từ Mỹ, nhưng cuộc khủng hoảng đã nhanh chóng lan sang các quốc gia khác, tạo thành một thảm họa tài chính đối với những nền kinh tế không thể tự bảo vệ được mình. “Căn bệnh” này đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế thế giới và khiến nhiều nước một lần nữa rơi vào suy thoái.