TIN LIÊN QUAN | |
Phía sau tục kết hôn đồng giới nữ ở Tanzania (Kỳ II) | |
Phía sau tục kết hôn đồng giới nữ ở Tanzania (Kỳ I) |
Mỗi năm, vào tháng 6 - tháng của mùa cưới tại Mỹ, sẽ có khoảng 13.000 lễ cưới được cử hành. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân không lung linh như mọi người thường nghĩ. Bên cạnh những cặp đôi hạnh phúc trọn đời thì cũng có không ít người đổ vỡ trong hôn nhân.
Cuốn sách The Science of Happily Ever After được xuất bản hồi đầu năm nay của nhà tâm lý học Ty Tashiro đã chỉ ra rằng, sau khi kết hôn, chỉ có 3/10 cặp vợ chồng vẫn giữ được một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, kể từ những năm 1970, số lượng các cặp đôi ly dị bắt đầu tăng cao.
Hiếu chiến hoặc dễ bỏ cuộc
Nhà tâm lý học John Gottman và vợ mình sống ở New York và cả hai cùng làm việc tại viện nghiên cứu The Gottman Institute. Tại đây, họ giúp đỡ các cặp đôi xây dựng và duy trì cuộc sống hôn nhân bền vững.
Năm 1986, ông Gottman đã thực hiện dự án “The Love Lap” (Phòng nghiên cứu Tình yêu) cùng với đồng nghiệp của mình là Robert Levenson (Đại học Washington). Cả hai đã mời hàng ngàn cặp vợ chồng đến sống trong các "phòng thí nghiệm" để quan sát cách họ tương tác với nhau.
Khi hai người trò chuyện về cách họ gặp nhau, mâu thuẫn đang gặp phải hay những ký ức tươi đẹp từng có,… hai nhà nghiên cứu tiến hành đo các chỉ số cơ thể của họ gồm huyết áp, nhịp tim và lượng mồ hôi tiết ra... Sau đó, các cặp đôi trở về nhà và được các nhà nghiên cứu theo dõi quá trình sinh hoạt trong suốt 6 năm.
Sự hiếu chiến sẽ đẩy cả hai đi đến mất kiểm soát. (Nguồn: YCF) |
Từ những dữ liệu thu thập được, Gottman chia các cặp đôi thành hai nhóm chính là nhóm những người hạnh phúc (gồm các cặp đôi sống vui vẻ cùng nhau) và nhóm thất bại (gồm các cặp đôi hoặc đã chia tay hoặc cảm thấy không hài lòng về cuộc hôn nhân của mình).
Qua quan sát, Gottman đã nhận ra rằng, những người gặp thất bại trong hôn nhân thường có bản năng “chiến đấu đến cùng hoặc bỏ chạy”. Ngồi trò chuyện bên bạn đời nhưng cơ thể của họ lại phản ứng như khi họ đang đối mặt với một con thú dữ, nhịp tim đập nhanh, huyết áp tăng cao và cơ thể thì tiết ra nhiều mồ hôi kể cả khi đang nói về những kỷ niệm vui. Họ luôn sẵn sàng chuẩn bị tinh thần để tấn công hoặc chịu đựng sự tấn công từ đối phương, tỏ thái độ hung hăng hơn với bạn đời.
Ngược lại, những người hạnh phúc trong hôn nhân có số đo hoạt động sinh lý trong cơ thể thấp hơn. Họ điềm tĩnh và thấu hiểu lẫn nhau, luôn dành cho nhau những cử chỉ ấm áp ngay cả khi giận nhau.
Năm 1990, Gottman thực hiện một nghiên cứu tiếp theo. Ông đã chuẩn bị một "phòng thí nghiệm" với chiếc giường tuyệt đẹp và một bữa ăn lãng mạn. Sau đó, ông mời 130 cặp đôi mới cưới đến ở tại đây một ngày và quan sát họ. Gottman nhận thấy rằng, những người yêu nhau thường yêu cầu đối phương thể hiện những hành động quan tâm. Ông gọi hành động đó là “lời mời gọi”.
Có đến 87% cặp đôi hạnh phúc trong hôn nhân đáp lại lời mời gọi. Nghĩa là có đến 9/10 trường hợp đã đáp ứng nhu cầu cần được quan tâm của đối phương. Ngược lại, những người có cuộc sống hôn nhân đỗ vỡ hầu như không phản hồi gì. Họ tiếp tục công việc đang làm và thậm chí còn phàn nàn: “Đừng làm phiền em/anh, em/anh đang đọc sách”. Chỉ 33% những cặp đôi đã ly hôn có tương tác với nhau qua “lời mời gọi”, có nghĩa là chỉ 3/10 lời mời gọi được đáp lại.
Các cuộc hôn nhân chỉ chịu sự tác động từ cách các cặp đối xử với nhau, dù giàu nghèo, đồng tính hay không cũng không ảnh hưởng gì. Những người có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thường có thói quen tìm kiếm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Họ cùng nhau xây dựng sự tôn trọng và luôn đánh giá cao người bạn đời. Trong khi đó, những người gặp thất bại trong hôn nhân thường chỉ tìm kiếm những khuyết điểm, bắt bẻ những lỗi sai.
Sự khinh thường - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đổ vỡ
Hầu như những cặp đôi đổ vỡ chỉ nhìn thấy những mặt tiêu cực của nhau. Thay vì khen ngợi, phản ứng tích cực với những điều tốt mà đối phương làm, họ lại quay ra chỉ trích, khinh thường và phê phán.
Bên cạnh đó, những hành động lạnh nhạt, không quan tâm càng khiến đối phương cảm thấy như là một người vô hình, không có chút giá trị nào, khiến cho mối quan hệ tan vỡ.
Những hành động lạnh nhạt, không quan tâm càng khiến đối phương cảm thấy như là một người vô hình. (Nguồn: BSC) |
Trái lại, sự tử tế là chất keo dính chặt các cặp lại với nhau. Sự tử tế khiến cho những người trong cuộc cảm nhận được sự quan tâm, thấu hiểu và cảm thấy sự tồn tại của họ có ý nghĩa to lớn đối với đối phương.
Những người hạnh phúc trong hôn nhân thường tin rằng, sự tử tế có sẵn trong mỗi người, càng luyện tập thì nó sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn. Ngay cả khi chúng ta đang mệt mỏi, buồn bã hãy thể hiện sự quan tâm đến nhau để giữ được mối quan hệ bền chặt. Nếu không sẽ tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa vợ chồng.
Mặc dù rất khó để tỏ ra tử tế với nhau khi đang cãi vã, nhưng hãy cố giải thích tại sao bạn bị tổn thương và giận dữ. Đó là cách thể hiện sự tử tế. Những hành động khinh miệt, hung hăng, mất kiểm soát chỉ làm cho cuộc cãi vã trở nên tồi tệ hơn và phá hỏng mối quan hệ của hai người.
Hãy tỏ ra rộng lượng, bao dung
Tính tử tế thường được xây dựng qua cách cư xử của các cặp đôi trong cuộc sống hằng ngày, cách mà họ tương tác với nhau.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Buzzle) |
Sự tử tế có thể được thể hiện qua tính rộng lượng. Khi người chồng bước từ nhà vệ sinh ra mà quên đậy nắp bồn cầu, chỉ là anh ấy lỡ quên thôi, đừng nghĩ là anh ấy cố tình chọc giận bạn. Hoặc khi người chồng bỏ ra nhiều công sức để sắp xếp đặt chỗ cho bữa tối và tan làm thật sớm. Nhưng cô vợ lại đến trễ do phải ghé qua một của hiệu để chọn mua một món quà đặc biệt dành tặng cho anh trong bữa tối. Thay vì chỉ trích nhau và tạo ra thêm nhiều hiểu lầm, hãy tìm cách giải thích để xoa dịu đi cơn giận dữ.
Nhà tâm lý học Ty Tashiro đã chia sẻ rằng, thật ra mọi mối quan hệ dù đang trong tình trạng tồi tệ thì những người trong cuộc vẫn nên cố gắng hành động tích cực, đúng đắn mặc dù đôi khi nó không mang lại kết quả tốt như mong đợi.
Hãy chia sẻ niềm vui
Một cách khác để thể hiện là chia sẻ những niềm vui cùng nhau. Bên cạnh việc ở bên nhau trong những lúc khó khăn, việc cùng nhau chia sẻ niềm vui cũng giúp tạo nên mối quan hệ bền vững.
Năm 2006, nhà tâm lý học Shelly Gable và các đồng nghiệp của cô đã mời các cặp đôi trẻ đến phòng thí nghiệm của cô để thảo luận về tin vui gần đây nhất mà họ nhận được trong cuộc sống. Họ muốn tìm hiểu cách mà các cặp đôi thường phản ứng khi đối phương nhận được tin vui. Và, họ thấy rằng, có 4 kiểu phản ứng khác nhau: cố ý phá hoại cảm xúc vui vẻ, không cố tình phá hoại cảm xúc vui vẻ, chủ động chia sẻ niềm vui, chia sẻ niềm vui một cách hờ hững.
Ảnh minh họa. (Nguồn: US News) |
Giả dụ, khi cô ấy nhận được tin vui báo cô đã đậu vào trường Y khoa. Một người bạn đời không cố ý phá hoại cảm xúc vui vẻ sẽ nói: “Em sẽ không tin được tin tuyệt vời trong ngày hôm nay của anh đâu. Anh vừa mới thắng được một cái áo thun miễn phí này!”
Trong khi kiểu người chia sẻ niềm vui một cách hờ hững sẽ nói: “Thật tuyệt, em yêu à”, rồi tiếp tục nhắn tin trên điện thoại. Còn kiểu cố tình phá hoại cảm xúc vui vẻ sẽ nói: “Em có chắc là em sẽ học được không? Còn học phí thì sao? Học trường Y tốn kém lắm đấy”.
Cuối cùng, kiểu người chủ động chia sẻ niềm vui sẽ dừng mọi thứ mà anh ta đang làm và reo lên với sự chân thành nhất: “Tuyệt! Chúc mừng em! Em biết tin từ lúc nào? Họ đã gọi cho em hả? Em định sẽ đăng ký học những lớp nào trong học kỳ đầu tiên?...”
Trong bốn kiểu phản ứng, kiểu cuối cùng, chủ động chia sẻ niềm vui là kiểu thể hiện tốt nhất. Nó giúp cho các cặp vợ chồng gần gũi hơn. Sau khi phỏng vấn các cặp đôi trong phòng thí nghiệm, Gable cùng đồng nghiệp đã quan sát họ trong vòng hai tháng sau và phát hiện ra rằng, hầu hết chỉ có những cặp đôi chủ động chia sẻ niềm vui cùng nhau là vẫn còn ở bên nhau.
Có rất nhiều lý do khiến một mối quan hệ bị đổ vỡ, nhưng hầu hết đều là do cách đối xử với nhau không tử tế. Những căng thẳng trong cuộc sống như con cái, sự nghiệp, bạn bè, luật pháp và những thứ phiền phức khác... đã làm mất đi sự lãng mạn và thân mật giữa các cặp đôi. Họ ngày càng ít cố gắng nỗ lực để tạo ra một mối quan hệ tốt đẹp và để cho những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống len lỏi vào tâm trí, đẩy cả hai ngày càng xa nhau hơn. Nhưng, nếu cố gắng và cùng nhau xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tử tế và rộng lượng, họ sẽ có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc và lâu dài.
Kết hôn đang ngày càng lỗi thời? Dù nhiều người không quan tâm, nhưng một xu hướng hiện đang diễn ra tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới: Ngày càng có ... |
Xu hướng độc thân tăng nhanh ở nữ giới Mới đây, Joy Chen, một người Mỹ gốc Hoa đã xuất bản cuốn sách Do Not Marry Before Age 30 (Đừng kết hôn trước tuổi ... |
Cặp vợ chồng kết hôn 72 năm chết vẫn nắm tay nhau Một cặp vợ chồng kết hôn 72 năm chết "tay trong tay" tại bệnh viện Des Moines sau một tai nạn ô tô. |