Đây chính là món quà nhỏ mà nhóm tình nguyện của Câu lạc bộ Mặt Trời Của Bé cùng các nhà hảo tâm tại Hà Nội muốn gửi tới những em bé OVC sinh ra đã sớm gặp hoàn cảnh thiệt thòi...
Nơi ước mơ được chắp cánh
Lần đầu tiên tổ chức tại trường Tiểu học Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), các tình nguyện viên đã có mặt từ rất sớm để dành tặng cho các em nhỏ một ngày hội đúng nghĩa của Hội trại Mơ ước. Bên cạnh những món quà vật chất được gói ghém cẩn thận và tỉ mỉ, họ còn chuẩn bị cả những món quà tinh thần là các trò chơi dân gian vui chơi kết hợp nhận quà, các vở kịch vui và hướng dẫn các em tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống với chủ đề “Ứng phó với bắt nạt học đường”...
Mỗi trò chơi đều được các tình nguyện viên tích cực tham gia và khuyến khích các em đưa ra các giải pháp, thể hiện suy nghĩ dưới hình thức phát biểu hoặc vẽ tranh đáp án. Sự nhiệt tình của các tình nguyện viên đã thực sự cuốn hút và truyền cảm hứng cho những cô bé, cậu bé ở đây. Vì vậy, những rụt rè, ngại ngùng ban đầu đã dần biến mất, thay vào đó là sự hào hứng, những cái giơ tay mạnh dạn và cả những nụ cười sung sướng hiện diện trên gương mặt hồn nhiên của các em...
Niềm vui của các em nhỏ khi tham gia trò chơi cùng các tình nguyện viên. |
Có lẽ, nếu không được biết trước thì rất khó nhận ra 100 em nhỏ ở đây đang phải hàng ngày sống chung với HIV - những đứa trẻ vốn dễ bị tổn thương và chịu nhiều sự kỳ thị, phân biệt đối xử ở trường học và ngoài xã hội. Khi tới đây, được tự tin hòa nhập cũng như đón nhận sự quan tâm, khích lệ của những người xung quanh, các em được sống đúng với sự hồn nhiên, vui tươi ở độ tuổi của chính mình.
Ở một góc nơi diễn ra cuộc thi trang trí Trại Mơ ước, một cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn với cái tên dễ thương Mai Linh đang chăm chú ngồi vẽ bức tranh một khu vườn hoa. Khi hỏi về ước mơ của mình, em nói: “cháu thích làm bà chủ của một khu vườn hoa ạ”. Hoàn thành bức vẽ, cô bé phấn khởi treo lên vách chiếc trại dự thi của đội mình. Đặc biệt, trên đó còn có rất nhiều ước mơ, kể cả những ước mơ thật giản đơn, được các em nhỏ gửi gắm: có bé muốn trở thành nhà văn, kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, có bé muốn theo con đường người mẫu hay nhà thiết kế thời trang...
Quan tâm chưa khi nào đủ
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Ba Vì cho biết, 100 em nhỏ được tham gia Hội trại Mơ ước tại đây là con số khá nhỏ so với tổng số trẻ em OVC ở địa phương. Tuy nhiên, các em được lựa chọn đều là những học sinh đã nỗ lực vươn lên hoàn cảnh và có thành tích học tập tốt. Phần lớn các em đều không may nhiễm HIV từ cha, mẹ hoặc có cha mẹ qua đời vì HIV/AIDS. Có những em bố qua đời do HIV rồi mẹ bỏ đi, có những em cả bố lẫn mẹ đều nhiễm HIV nặng nên phải nhờ cậy sự chăm sóc của họ hàng...
Được biết đến là một trong những địa bàn trọng điểm về tình trạng nhiễm HIV/AIDS, nhưng số người hiểu biết về căn bệnh này ở Ba Vì hiện còn hạn chế. Sự thiếu hiểu biết khiến những người bị nhiễm bệnh phải chịu rất nhiều phân biệt đối xử, mà nạn nhân chịu thiệt thòi hơn cả là trẻ em - nhóm đối tượng không đủ sức khỏe đương đầu với căn bệnh và không đủ tiếng nói để bảo vệ những quyền xứng đáng được hưởng.
Cũng theo một số phụ huynh tại đây, việc bảo vệ trẻ em OVC tại Ba Vì còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề hòa nhập cộng đồng. Nguyên nhân là phụ huynh của các em học sinh tại nhiều trường tiểu học đã phản đối việc cho con em mình học tập chung với trẻ OVC. Dù nhiều thầy cô lên tiếng ủng hộ, nhưng một số người vẫn ngăn cản không cho các em học trong trường. Một số em chỉ được đi học 3 ngày/tuần vào các buổi chiều, thậm chí phải chịu cách ly hoàn toàn với những em học sinh bình thường khác.
Món quà từ các em nhỏ không may mắn
Hội trại Mơ ước là chương trình trao quà từ thiện thường niên của Câu lạc bộ Mặt Trời Của Bé. Thành lập vào năm 2008, hoạt động chủ yếu của nhóm tình nguyện là hỗ trợ toàn diện cho trẻ em dễ bị tổn thương, nhất là trẻ OVC về cả vật chất lẫn tinh thần. Thông qua chương trình này, nhóm mong muốn nhận được sự chung tay của cộng đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, giảm sự kì thị và phân biệt đối xử với trẻ OVC.
Chị Lại Minh Hồng - người sáng lập Câu lạc bộ cho biết, ban đầu nhóm chỉ có 6 thành viên, nhưng hiện tại đã có tới 50 tình nguyện viên, hoạt động chủ yếu tại địa bàn thành phố Hà Nội và khu vực lân cận. Theo chị Hồng, hiện nay trẻ em nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc kháng virus (ARV) nên sức khỏe được cải thiện đáng kể và tuổi thọ của các em được kéo dài. Một vài năm tới, nhiều em sẽ trở thành thanh thiếu niên nên rất cần được trang bị các kỹ năng sống. Đây cũng là lý do mà thời gian qua, nhóm tình nguyện đã tổ chức các lớp tập huấn“Kỹ năng sống cho trẻ OVC” tại các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Từ Liêm và các huyện Đông Anh, Mỹ Đức.
Chia sẻ về khoảng thời gian ở bên các em nhỏ kém may mắn, Nguyễn Kim Chi – một tình nguyện viên cho biết, dù mới tham gia Câu lạc bộ được một năm nhưng công việc đã mang lại cho cô niềm hạnh phúc vô cùng giản dị. Với cô và nhiều tình nguyện viên khác, gương mặt, nụ cười và sự tự tin của các em là món quà lớn nhất sau mỗi chương trình. Rất nhiều tình nguyện viên ở đây đã phải lén lau những giọt nước mắt xúc động khi tiếp xúc và nghe các em hào hứng nói về ước mơ được làm bác sĩ, cô giáo hay chú bộ đội… Có lẽ, trong suốt thời gian tham gia thiện nguyện, họ đã nhận được nhiều hơn cả những món quà mà họ cho đi.