Điểm tựa nơi đảo xa
Có lẽ bất kỳ ai đặt chân đến Trường Sa đều sẽ có cảm giác thân quen khi nhìn thấy mái vút cong của những ngôi chùa. Từ xưa, trên các đảo giữa Biển Đông đã có am thờ do ngư dân người Việt dựng lên để cầu Trời, khấn Phật phù hộ độ trì cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu. Hiện nay có năm ngôi chùa trên năm đảo nổi là Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Sơn Ca và Nam Yết.
Các chùa đều xây dựng theo phong cách truyền thống, mái cong có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển. Chùa Song Tử Tây, hợp với ngọn Hải đăng và tượng Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, thành một quần thể kiến trúc đặc sắc Việt Nam. Chùa Sinh Tồn, Nam Yết mang dáng vẻ ngôi chùa làng điển hình đồng bằng Bắc Bộ với khối kiến trúc liền mạch tam quan, tả vu, hữu vu, chính điện; phần điêu khắc gỗ chân phương, không rườm rà.
Thầy Giác Nghĩa kể mỗi ngày, các sư và khách viếng đều đọc kinh, khấn vái nguyện ước quốc thái dân an, cán bộ chiến sĩ và nhân dân có đủ sức khỏe hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển. Dân đảo đến thỉnh nguyện, gửi gắm ước mơ mưa thuận gió hòa, đời sống được bình an.
Thầy Thích Giác Nghĩa và phật tử tại Chùa Trường Sa Lớn. |
Trên Biển Đông rộng lớn là hàng ngàn tàu thuyền đánh cá vươn khơi dài ngày với ước mơ bội thu tôm cá. Đối với ngư dân, việc ra khơi, đánh bắt hải sản không chỉ là hoạt động kinh tế mà còn là sự tham gia khẳng định chủ quyền ở ngư trường truyền thống. Đại dương hào phóng nhưng cũng lắm hiểm họa. Ngư dân khi ghé đảo tiếp tế nhiên liệu, nghỉ ngơi hoặc cứ ngày rằm, mùng một là cập cảng, vào chùa thắp hương cầu mong sóng yên biển lặng, thu về nhiều lộc biển.
Ước mong trở lại
Chùa ở Trường Sa có nhiều nét đặc trưng, mỗi sự khác biệt đều gắn với thông điệp về hòa bình và chủ quyền đất nước. Các ngôi chùa đều quay mặt ra biển Đông theo hướng nhìn về Thủ đô Hà Nội. Gạch dùng để xây và lót sân chùa Nam Yết đều được làm bằng gạch có in hình Quốc huy. Câu đối, biển tên đều là viết bằng chữ quốc ngữ như sự khẳng định giá trị độc lập được tiếp nối. Câu đối ở các chùa thể hiện chủ quyền thiêng liêng của người Việt như "Mây lành che Đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử"; "Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam/ Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh"…
Ngoài điện thờ Phật, các chùa đều có các ban thờ anh hùng, liệt sĩ. Gần đây, các đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Bộ Ngoại giao với sự tham gia của kiều bào, đại diện các tôn giáo lớn khi thăm Trường Sa Lớn đều tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Từng chủ trì nhiều lễ cầu siêu, tri ân ở chùa Trường Sa Lớn, thầy Giác Nghĩa cho biết: "Những lễ cầu siêu mang tầm vóc rất lớn. Đây là nghi lễ tri ân người Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc hoặc gửi mình lại biển khơi trong hoàn cảnh khác nhau".
Nếu như sự hiện diện của lực lượng vũ trang là sự khẳng định chủ quyền thì sự hiện diện của người dân là minh chứng cho quyền chủ quyền của đất nước. Những ngôi chùa là nơi giữ gìn giá trị tâm linh, truyền thống văn hóa, đóng góp vào sự liên tục của lịch sử xác lập chủ quyền Việt Nam.
Thầy Giác Nghĩa trăn trở không biết quân dân, các sư thầy ngoài đảo đã chuẩn bị Tết đầy đủ chưa. Vị sư nặng lòng với Trường Sa đêm ngày cầu mong đức Phật và tổ tiên phù hộ độ trì để quân dân trên đảo luôn vững vàng. Trong lòng thầy lúc nào cũng nguyện ước khi có điều kiện sẽ quay lại để tiếp tục thực hiện phật sự trên đảo.
Nghe thầy nói, tôi lại nhớ tâm sự của bạn Hoàng Ngọc Ánh (Nghệ An) đã đóng quân ở Song Tử Tây hơn một năm: "Khi còn ở đảo, nghe tiếng chuông chùa là cách để em bớt nhớ nhà, nhớ quê. Còn khi về đất liền rồi, em lại nhớ đảo, nhớ anh em, nhớ tiếng chuông chùa".
Khi bận không nhớ thì thôi, mà đã nhớ là ước ao được quay trở lại nơi đầu sóng ngọn gió ấy!
BẢO NGUYÊN