Nhà máy sản xuất chip của TSMC tại Đài Loan (Trung Quốc). (Nguồn: Zuma Press) |
Nhu cầu về chip và bộ vi xử lý trên thế giới tăng nóng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự ra đời của một loạt công nghệ mới như 5G, phương tiện tự lái, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Tiếp đến là cuộc cạnh tranh của các nhà sản xuất màn hình máy tính, máy tính xách tay và các thiết bị làm việc tại nhà...
Theo ước tính của Công ty tư vấn Alix Partners (Mỹ), việc thiếu hụt chip đã khiến nhiều nhà sản xuất ô tô lớn của thế giới như Daimler, General Motors hay Ford Motor phải cắt giảm sản xuất và có nguy cơ "thổi bay" 61 tỷ USD doanh thu từ ngành ô tô vào năm 2021.
Tại Đức, cuộc khủng hoảng chip cũng đang trở thành lực cản đối với sự phục hồi kinh tế. Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Mexico cũng có thể bị suy giảm do nguồn cung chip bị thiếu hụt.
Trong ngành công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đang nổi lên là 2 “gương mặt" nổi bật.
“Hàn Quốc và Đài Loan hiện là những nhà cung cấp chip chủ yếu cho toàn thế giới, giống như các nước OPEC chuyên cung cấp dầu mỏ vậy. Họ không hợp tác quy mô như OPEC nhưng họ có quyền năng giống như vậy” - ông Ahn Ki-hyun, một quan chức cấp cao của Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Hàn Quốc khẳng định.
Hàn Quốc và Đài Loan đã nhanh chóng trở thành những “gã khổng lồ” trong ngành sản xuất chip sau khi tiếp nhận công nghệ từ Mỹ. Vào những năm 1980, khi các công ty trong lĩnh vực sản xuất chip của Mỹ bắt đầu giảm sản lượng và dần chuyển sang những thiết kế tinh vi hơn do lo ngại nguy cơ về sức khỏe cho công nhân khi phải xử lý nhiều hóa chất gây ung thư.
Báo cáo của Nhóm Tư vấn Boston (BCG) và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) công bố vào tháng 9/2020, ước tính, năm 2020, tỷ lệ năng lực sản xuất toàn cầu trong ngành sản xuất chip của Mỹ chỉ chiếm 12%, trong khi Đài Loan và Hàn Quốc cùng chiếm 43%.
Nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Tập đoàn Điện tử Samsung của Hàn Quốc là hai tên tuổi dẫn đầu trong ngành bán dẫn và sản xuất chip của thế giới.
TSMC hiện cung cấp các bộ vi xử lý cho nhiều thiết bị, từ iPhone của Apple đến cho đến các thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo của Google. Ngoài ra, TSMC cũng là đối tác hàng đầu của nhiều Tập đoàn đa quốc gia như Nvidia hay Qualcomm. Tập đoàn Điện tử Samsung và "đồng hương" SK Hynix Inc. cũng đang cùng kiểm soát hơn hai phần ba thị trường chip nhớ - chuyên dùng để xử lý những dữ liệu lớn.
Để giảm bớt sự phụ thuộc vào 2 nền kinh tế này, thời gian qua, Mỹ và Trung Quốc đã đẩy nhanh các kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất chip và công nghệ bán dẫn trong nước.
Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh yêu cầu xem xét lại chuỗi cung ứng chất bán dẫn, dược phẩm và các công nghệ tiên tiến hàng đầu khác, nhằm tăng cường khả năng tự cung tự cấp của các nhà sản xuất Mỹ.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu nhiều bộ vi xử lý hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới với giá trị khoảng 300 tỷ USD/năm cũng đã đẩy mạnh đầu tư để giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối thủ địa chính trị như Mỹ.
Theo BCG, tỷ lệ năng lực sản xuất toàn cầu của Trung Quốc hiện ở mức 15%, cao hơn ba điểm phần trăm so Mỹ, nhưng không có một công ty nào của quốc gia thực sự nổi bật trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó vạch ra các mục tiêu chính trị và kinh tế chủ chốt cho giai đoạn 2021-2015 của Trung Quốc chuẩn bị được công bố tới đây có thể hé lộ những dự định mới của Bắc Kinh.
Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, cả Washington và Bắc Kinh vẫn đang phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp chip từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc – hai nền kinh tế vốn là đồng minh với Mỹ về mặt chiến lược nhưng cũng gắn bó mật thiết với Trung Quốc trên phương diện kinh tế.
“Hàn Quốc và Đài Loan thậm chí có thể quyền lực hơn cả OPEC trong ngành sản xuất chip”, Lee Kyung-mook, Giáo sư quản lý kinh doanh tại Đại học Quốc gia Seoul dự báo.