Ô nhiễm không khí do nhà máy lọc dầu xả ra môi trường. (Nguồn: Shutterstock) |
Theo Báo cáo của InfluenceMap (tổ chức chuyên đánh giá các mục tiêu và chính sách về khí hậu của các doanh nghiệp, có trụ sở tại London, Anh), những thông điệp tích cực về khí hậu của năm công ty dầu khí lớn gồm BP, Chevron, ExxonMobil, Shell và TotalEnergies không phù hợp với chi tiêu của họ vào các hoạt động giảm phát thải khí carbon ra khí quyển.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các nhà khoa học ngày càng khẩn thiết cảnh báo thế giới phải cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn hậu quả thảm khốc của khủng hoảng khí hậu. Và cùng vào thời điểm báo cáo được công bố, các công ty dầu mỏ cũng nhận nhiều chỉ trích mới khi chi phí cho năng lượng tiêu dùng tăng cao đã giúp lợi nhuận thu về của các công ty này tăng theo.
Các tuyên bố “xanh”
Phân tích 3.421 tài liệu truyền thông của năm công ty trong năm 2021, InfluenceMap cho biết, 60% thông điệp của họ chứa ít nhất một tuyên bố “xanh”.
Sau khi tính toán số tiền mà cả năm công ty dự kiến chi cho các khoản đầu tư “xanh” vào năm ngoái, InfluenceMap nhận thấy trung bình chỉ 12% ngân sách chi tiêu là dành cho những hoạt động mà các công ty tự coi là tái tạo hoặc giảm carbon.
InfluenceMap đánh giá, có sự mất cân bằng đáng kể giữa thông điệp “xanh” và đầu tư của các công ty này.
Theo Giám đốc InfluenceMap, ông Faye Holder: “Trong khi các ông lớn dầu khí tuyên bố trước công chúng là ủng hộ sống xanh, thì họ vẫn tiếp tục đầu tư vào năng lượng không bền vững, chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch”.
Dựa trên số lượng nhân viên truyền thông mà các công ty tuyển dụng, InfluenceMap ước tính, các công ty này chi khoảng 750 triệu USD mỗi năm cho các hoạt động truyền thông liên quan đến khí hậu.
“Đó dường như chỉ là một trong những cách để trì hoãn hành động chống biến đổi khí hậu”, ông Holder nói.
Các công ty này đang “nhấn mạnh quá mức về các công nghệ chuyển đổi năng lượng và các chiến dịch xanh trong các thông điệp của họ với công chúng”.
Báo cáo đã đưa ra một số loại tuyên bố “xanh” khác nhau được các công ty dầu khí sử dụng trong năm 2021, trong đó phổ biến nhất là nêu bật sự ủng hộ đối với nỗ lực chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch hướng tới năng lượng tái tạo và tập trung vào việc giảm phát thải carbon.
Theo đó, một số tuyên bố “thân thiện với hành tinh” của các công ty này lại mô tả khí đốt như một giải pháp khí hậu. Thực tế thì khí tự nhiên tuy thải ra ít carbon dioxide hơn than nhưng vẫn là nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu được tạo ra từ methane - nguyên nhân góp phần gia tăng khủng hoảng khí hậu.
Trong số các công ty trên, Shell cho thấy sự “chênh lệch” lớn nhất giữa thông điệp ủng hộ chống biến đổi khí hậu với sự đầu tư vào các hoạt động giảm phát thải. Trong đó, tuyên bố “xanh” xuất hiện trong 70% thông điệp của công ty, nhưng chỉ chi tiêu 10% cho việc giảm phát thải. Theo sau là ExxonMobil với các số liệu liên quan lần lượt là 65% so với 8%.
Nhóm phân tích cũng cho biết BP, Chevron, ExxonMobil và Shell đã tìm cách thu hút các nhà lập pháp vận động chính sách khuyến khích phát triển dầu khí mới trong giai đoạn 2021-2022.
Nỗ lực giảm phát thải, nhiên liệu hóa thạch
Giá năng lượng đang tăng rất nhanh ở châu Âu do nhu cầu tăng vọt từ các nước sau đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã lưu ý, mức sản xuất dầu và khí đốt hiện nay trên toàn thế giới sẽ không đáp ứng được các tham vọng về khí hậu theo Thỏa thuận Paris.
Trong những nỗ lực bảo vệ môi trường nổi bật năm 2021 của thế giới, đáng chú ý là những chiến dịch hành động để giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tháng 5/2021, Tòa án ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết, tới năm 2030, Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Royal Dutch Shell phải cắt giảm 45% lượng khí thải carbon so với năm 2019. Theo Tạp chí National Geographic đây là một “bước ngoặt lịch sử”.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi đang từng bước chuyển đổi theo hướng tích cực, góp phần bảo vệ môi trường, cụ thể hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Với phương châm “Bảo vệ môi trường gắn với văn hóa dầu khí”, PVN cho biết sẽ triển khai đồng bộ và toàn diện các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường. Tất cả dự án dầu khí ngoài khơi đều tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế về môi trường; thực hiện đầy đủ công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường.