📞
PGS. TS. tâm lý Huỳnh Văn Sơn:

Những phát biểu mang nặng tính hàn lâm trong Lễ Khai giảng sẽ chẳng thể tác động tích cực đến trẻ

Nguyệt Anh 10:24 | 05/09/2019
TGVN. PGS. TS. Chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, ngày khai trường với kiểu thể hiện dài dòng, lê thê, phát biểu mang tính hàn lâm chẳng thể tác động tích cực đến những rung cảm giáo dục của trẻ...   

Hôm nay (5/9), khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên trong cả nước khai giảng năm học mới với chủ trương ngắn gọn, trang nghiêm, hướng đến học sinh. Tuy nhiên, thực tế, những năm gần đây, ngày khai trường vẫn khá lê thê, dài dòng, nhiều thủ tục với "trống giong cờ mở". Để khai giảng thực sự mang ý nghĩa cho sự mở đầu vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ?

Thực tế cho thấy ngày khai giảng có những màu sắc khác nhau và chúng ta cần có cái nhìn mang tính đa chiều. Có những ngày khai giảng vẫn ấn tượng mà chính tôi cũng đã tham gia. Tuy nhiên, không thể phủ nhận có biểu hiện ngày khai giảng chưa phải là ngày bắt đầu đi học của một năm học, chưa phải là ngày khai trường đúng nghĩa do học sinh đã đi học trước đó.

Đồng thời, lễ khai giảng ở một số trường vẫn chưa đúng nghĩa ngày hội khai trường, ngày của những niềm hân hoan, của những cảm xúc tươi mới cho một ngày đầu năm học mới. Vẫn còn đó biểu hiện: phần lễ dài dòng, hình thức; hay việc tổ chức ngày hội có quá nhiều thủ tục như phát biểu lê thê, diễn văn mang tính nặng nề...

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn. (Ảnh: NVCC)

Vì đâu ngày khai giảng được tổ chức mang tính hình thức, phô trương, không đem lại ý nghĩa thực sự của giáo dục, thưa ông?

Tôi nghĩ, cần khẳng định lại vấn đề hình thức, phô trương này xuất hiện không phải là tất cả. Và việc này cần xem xét để đánh giá công bằng và khách quan.

Tuy nhiên, tính hình thức nếu có là xuất phát từ nhu cầu của một số đối tượng đang có diễn tiến tư duy mang tính chủ quan. Nếu chúng ta muốn tổ chức một sự kiện mang tính hiệu quả, cần dựa vào ý kiến và mong đợi của nhiều bên có liên quan, mà rõ nhất là chủ thể: học sinh. Bởi học sinh là người cần được nhiều niềm vui, cần có cơ hội để trải nghiệm với những cung bậc cảm xúc và hơn hết là tích cực nhận thức những giá trị của ngày hội: ngày khai trường, ngày mở đầu chính thức cho năm học mới, ngày của những ước mơ được ươm mầm.

Còn biểu hiện phô trương xuất phát từ những thói quen thích nổi bật của ban tổ chức, của một số cá nhân nhất định. Cũng cần xem xét trong bối cảnh chung của xã hội khi hiện nay nhiều sự kiện thích nổi bật, một số cá nhân thích gây ấn tượng, thích vượt trội trong sự so sánh nên cứ thi đua mãi.

Ý nghĩa thực sự của giáo dục cũng không thể chủ quan, cần xem xét bởi phần lễ và phần hội. Tuy nhiên, nếu có phần lễ, cũng cần vừa sức với trẻ. Đồng thời, phần hội cũng cần dựa trên cảm xúc, niềm vui và những cơ hội trẻ được cảm nhận. Với kiểu thể hiện dài dòng, lê thê hay nhiều khách mời cùng bài giới thiệu kéo mãi không hết, kiểu phát biểu mang nặng tính hàn lâm, hệ thống câu từ lạnh lùng và khách sáo sẽ chẳng thể tác động tích cực đến những rung cảm giáo dục trong sự tương tác đúng nghĩa: chạm đến nhận thức và rung động.

Thực tế, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Có cần lễ khai giảng nữa không khi hiện nay đó không còn là ngày đầu tiên đến trường?”. Còn ý kiến của cá nhân ông?

Tôi lại muốn chúng ta đặt câu hỏi ngược lại: “Tại sao không?”. Đừng nghĩ là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường không có sức mạnh của nó với tất cả những tác động và ảnh hưởng sâu sắc. Đừng quên rằng, nhiều bậc cha mẹ vẫn còn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình cho cả một năm học khi ngày 5/9 đến thật sự. Không nên có tư duy cái gì làm chưa đúng mong đợi là phủ nhận “sạch trơn”. Chúng ta cần có cái nhìn mới: điều chỉnh và hoàn thiện dần.

Tôi cho rằng, cần định hướng đúng ý nghĩa của ngày khai giảng. Cần xem xét lịch khai giảng sao cho phù hợp và tránh hình thức. Làm thế nghĩa là cần cân chỉnh ngày bắt đầu học cũng như không nên mặc định ngày 5/9 là ngày khai giảng theo kiểu tất cả phải đều, phải cùng “đồng chất đồng màu”.

Hơn thế nữa, cũng cần cân nhắc các định hướng từ xã hội; định hướng truyền thông, bởi khi điều chỉnh các học kỳ học tập, các biên chế của từng học kỳ, của các loại hình trường lớp thì vấn đề khai giảng sẽ dần dần đi vào đúng ý nghĩa giáo dục của nó với người tham gia.

Khai giảng với những hoạt động hướng đến học sinh mới thực sự chạm đến từng đứa trẻ. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Vậy theo ông, làm sao để kịch bản cho ngày khai trường thực sự chạm đến từng đứa trẻ, để các em thực sự là chủ nhân của buổi lễ?

Tôi cho rằng, đây là mong đợi, là khát khao và mỗi người chúng ta cần phải cố gắng hết lòng. Ngay trong gia đình, ngay trong cách giáo dục con cái, từng lời nói, từng hành vi và từng câu chữ đều có thể tác động đến trẻ nhưng đạt đến mức chạm đến từng con người, từng trái tim chẳng thể dễ dàng.

Cần khẳng định, nếu ngày khai trường hướng đến trẻ, vì trẻ thì cần xác định đúng mục tiêu, tính chất và cả phương thức. Theo tôi, trên bình diện chung: cần xác định đúng trọng điểm phần hội, để học sinh được vui, được trải nghiệm những xúc cảm đúng nghĩa, tươi mới nhằm tạo ra động lực đến trường và học tập. Ngày khai trường với các nghi lễ, hoạt động phải dành tất cả cho học sinh, tôn trọng mong đợi và cảm xúc của học sinh để có một ngày hội thực sự thân thiện, tích cực, ấn tượng từ những rung cảm đích thực.

Trên bình diện cụ thể, cần chú ý kịch bản thật nhẹ nhàng và có những tương tác đích thực dành cho học sinh. Ngoài ra, nội dung phải hướng về học sinh với hình thức thể hiện sao cho nhẹ nhàng, gần gũi và thật sự dựa trên nhận thức, cảm xúc của học sinh

Cùng với đó, cần xác định, nếu trẻ em thực sự là chủ nhân của buổi lễ, cần quan sát, lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu, mong đợi và những cảm xúc của trẻ để sự tác động nếu có phải tích cực, phù hợp.

Thứ nữa, nếu học sinh thực sự là chủ nhân của buổi lễ, mọi hoạt động cần có ý kiến hay cần được bản thân trẻ phản hồi, tham gia, lựa chọn.

Ngoài ra, cũng cần nhận thấy nếu muốn ngày khai trường tích cực và có hiệu ứng cần xuất phát từ những cơ sở giáo dục cũng như mang tính đặc trưng. Nên có những điểm nhấn trong kịch bản của ngày khai trường và quan trọng nhất là phải hướng đến học sinh nhiều hơn. Từ lời dẫn, tiết mục văn nghệ, trò chơi, trang phục hãy vì trẻ, do trẻ và hướng đến việc trẻ muốn, thích tham gia cũng như làm cho trẻ cảm thấy mình thực sự hiểu và trưởng thành hơn qua ngày khai giảng.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)