📞

Những "quân bài" mà bà Clinton và ông Trump chuẩn bị cho cuộc tranh luận thứ hai

18:00 | 08/10/2016
Cuộc tranh luận thứ hai giữa bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hoà dự kiến sẽ diễn ra vào tối 9/10 (giờ địa phương) tại thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ.
Cuộc tranh luận thứ hai giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump sẽ diễn ra vào ngày 9/10. (Nguồn: AP)

Sau khi có màn trình diễn khá nhạt nhòa và để đối thủ áp đảo trong cuộc tranh luận đầu tiên, sức ép đang dồn lên vai ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Cử tri Cộng hòa đang hy vọng ông Trump sẽ có màn phản công ấn tượng trong lần "thượng đài" thứ hai.

Khác với cuộc tranh luận đầu tiên, màn tranh luận thứ hai sẽ được tiến hành dưới hình thức tiếp xúc cử tri với các chủ đề thảo luận mở. Khán giả tham dự cuộc tranh luận, hầu hết là các cử tri còn do dự chưa quyết định bỏ phiếu cho ai, sẽ được phép đặt câu hỏi và mỗi ứng cử viên có 2 phút để trả lời.

Bà Hillary đang chiếm ưu thế

Sau khi “hạ đo ván” đối thủ trong màn “so găng” đầu tiên, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton được đánh giá là có lợi thế hơn. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy bà đang có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn so với ông Trump trong cuộc bầu cử vào ngày 8/11 tới. Theo kết quả thăm dò chung do Reuters/Ipsos thực hiện ngày 6/10, bà Clinton nhận được 42% ý kiến ủng hộ so với 36% của tỷ phú Trump. Cuộc thăm dò của CNN/ORC cũng cho thấy bà Clinton dẫn trước đối thủ với tỷ lệ 51%-45%.

Hầu hết các thống kê trước khi diễn ra cuộc tranh luận thứ hai đều cho thấy ưu thế nghiêng về phía ứng cử viên Clinton.

Theo số liệu của trang mạng Realclearpolitics, 2/3 số bang đã thể hiện rõ xu thế bỏ phiếu cho ứng cử viên nào và “người thắng, kẻ thua” trong cuộc bầu cử năm nay sẽ được quyết định bởi 147 phiếu đại cử tri tại 11 “bang chiến địa”.

Kết quả thăm dò cho thấy, bà Clinton hiện có trong tay 226 phiếu đại cử tri, so với 165 phiếu đại cử tri của ông Trump và bà chỉ cần giành thêm 44 phiếu đại cử tri nữa là có đủ 270 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri để trở thành chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng.

Chuẩn bị cho cuộc tranh luận này, bà Clinton có những "quân bài" nặng ký khiến ứng cử viên Trump rơi vào thế bất lợi như cáo buộc ông Trump vi phạm luật pháp do một công ty thuộc quyền sở hữu của tỷ phú này lén lút đầu tư tại Cuba hồi năm 1998, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba. Mới đây, trên trang mạng cá nhân, bà Clinton khẳng định: "ông Trump đã vi phạm luật pháp và hành động phá hoại lợi ích quốc gia của Mỹ".

Bà Clinton đưa ra cáo buộc này sau khi tờ báo Newsweek của Mỹ cho đăng tải nội dung phỏng vấn các cựu nhân viên quản lý của ông Trump, các hồ sơ lưu hành nội bộ và tài liệu của tòa án, trong đó cho thấy Tập đoàn Khách sạn và Nghỉ dưỡng Trump, một công ty thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Trump, đã đầu tư ít nhất 68.000 USD tại Cuba vào năm 1998, thời điểm mọi khoản đầu tư dù nhỏ nhất vào Cuba cũng phải được Chính phủ Mỹ chấp thuận.

Công ty này không trực tiếp chi tiền, thay vào đó với kinh nghiệm của ông Trump, công ty này “rót" tiền vào Cuba thông qua một công tư vấn của Mỹ có tên là "Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Seven Arrows" trên danh nghĩa hoạt động từ thiện. Một cựu nhân viên quản lý của ông Trump, người đề nghị giấu tên, đã thừa nhận công ty này không có giấy phép đầu tư của Chính phủ Mỹ vào thời điểm đó.

Ứng cử viên Clinton cũng chỉ trích hoạt động kinh doanh tệ hại của ông Trump cũng như khoảng thời gian mà ông này trốn nộp thuế sau khi tờ The New York Times công bố một báo cáo thuế cho thấy ông trùm bất động sản Trump có thể đã lách luận để trốn đóng thuế cá nhân trong gần 20 năm qua.

Hơn nữa, cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng đang nhận được sự hậu thuẫn lớn trong nội bộ đảng Dân chủ. Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama một lần nữa khẳng định ông Trump không thích hợp làm người đứng đầu nước Mỹ do thiếu kinh nghiệm và thường xuyên có những hành động gây tranh cãi.

Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama cũng đăng đàn với tuyên bố như “xát muối vào lòng” đại diện của đảng Cộng hòa khi nói rằng “bầu cử Tổng thống Mỹ không phải là một chương trình truyền hình thực tế và Nhà Trắng cần một người trưởng thành, chứ không phải một doanh nhân với những phát ngôn gây sốc”.

Thờ cơ để ông Trump xoay chuyển?

Ở bên kia chiến tuyến, ứng cử viên của đảng Cộng hòa Trump bước vào cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai với áp lực nặng nề. Ba tháng kể từ ngày kết thúc chiến dịch bầu cử sơ bộ, dường như ông Trump vẫn chưa tập hợp được sự đoàn kết trong nội bộ đảng Cộng hòa và điều đó đang khiến ông cô đơn trên đường đua vào Nhà Trắng. Hơn 30 cựu nghị sĩ Cộng hòa đã ký một lá thư ngỏ chính thức tuyên bố phản đối ông Trump đại diện cho đảng này và để ngỏ khả năng bỏ phiếu cho bà Clinton.

Ngoài ra, việc cuộc tranh luận diễn ra theo thể thức gặp gỡ cử tri cũng là một thách thức mới đối với tỷ phú bất động sản này, người vốn chỉ quen với ánh sáng đèn truyền hình mà lại thiếu kinh nghiệm trong các cuộc khẩu chiến mang đậm chất chính trị.

Theo giới phân tích, ưu tiên hàng đầu của ứng cử viên Trump là tránh để bị cuốn vào “lối chơi” của đối phương như trong cuộc tranh luận đầu tiên. Nếu không muốn lần thứ hai “nếm trái đắng”, ông Trump cần phải kiềm chế hơn, hạn chế công kích đối phương và tránh những cử chỉ thừa thãi trong cuộc tranh luận. Quan trọng nhất, đại diện của đảng Cộng hòa cần phải có một màn thể hiện ấn tượng với những lập luận sắc sảo, quyết đoán và sự am hiểu đường lối đối nội, đối ngoại của một tổng thống Mỹ tương lai.

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù ưu thế hiện tại đang nghiêng về ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton, tuy nhiên, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã chứng kiến không ít bất ngờ và cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ hai cũng là một cơ hội để ứng cử viên của đảng Cộng hòa Trump có bước phản công, thuyết phục các cử tri dao động và đưa cuộc đua trở về thế cân bằng trước khi diễn ra cuộc quyết đấu cuối cùng vào ngày 19/10 tới ở thành phố Las Vegas.

(theo VOA, CNN, Reuters)