Nhỏ Bình thường Lớn

Những thách thức đối với Tân Thủ tướng Iceland

Ngay tại lễ nhậm chức hôm 1/2, tân Thủ tướng Iceland Johanna Sigurdardottir đã khẳng định, chống khủng hoảng tài chính, kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới.
Tân Thủ tướng Iceland Johanna Sigurdardottir. (Ảnh: Reuters)

Nữ Thủ tướng thứ 2 trong lịch sử Iceland tuyên bố, sẽ sớm đưa quốc đảo này thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế đang diễn ra khá trầm trọng tại quốc gia từng là một trong những nước giàu nhất châu Âu.

Từng được coi là một trong những nước thịnh vượng nhất thế giới, nhưng "cơn bão kinh tế đã quật ngã" chính phủ của Thủ tướng Geir Haarde (26/1) và đây là chính phủ đầu tiên trên thế giới bị sụp đổ vì cuộc khủng hoảng tài chính. Do đó, thách thức đối với tân Thủ tướng Johanna Sigurdardottir không những rất lớn và nó càng khó khăn hơn khi bà là nguyên thủ quốc gia đồng tính đầu tiên trên thế giới điều hành một nội các mới.

Theo bà Johanna Sigurdardottir, Iceland cần phải cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung cho việc khôi phục kinh tế và bảo vệ người dân để sớm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tân Thủ tướng cũng khẳng định, chính phủ mới sẽ tôn trọng những thỏa thuận, cũng như hợp tác chặt với Quỹ Tiền tệ quốc tế, đồng thời đi sâu vào việc quản lý kinh tế, tiến hành nhiều dự án nhanh, có hiệu quả.

Ngoài ra, bà Johanna Sigurdardottir cũng sẽ tập trung vào việc phát triển bền vững, nữ quyền, bình đẳng và công lý bởi tân chính phủ sẽ hoạt động dựa trên những giá trị xã hội mới.

Tuy không sinh ra trong một gia đình giàu có hoặc có truyền thống làm chính trị như các chính trị gia khác, thậm chí chỉ có bằng đại học của Trường Đại học Thương mại Iceland, nhưng bà Johanna Sigurdardottir vẫn được dư luận đánh giá là người hiểu biết sâu rộng về nền chính trị Iceland.

Tân Thủ tướng Johanna Sigurdardottir nổi tiếng với cuộc đấu tranh để Iceland có được một hệ thống y tế và sự bình đẳng hơn cho những người gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhiều người tuyên bố, không ai quan tâm đến việc bà Johanna Sigurdardottir là một người đồng tính, họ chỉ muốn tìm được người xứng đáng với chức vụ và công việc mà thôi.

Tuy nhiên cũng có người cho rằng, mặc dù là một chính trị gia có hơn 30 năm kinh nghiệm tham chính (là thành viên Quốc hội từ năm 1978) và được coi là một trong những chính trị gia thành công nhất Iceland, nhưng việc một cựu tiếp viên hàng không (làm 11 năm cho hãng IcelandAir) đứng đầu chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế gần như bị suy sụp cũng khiến một số người quan ngại.

Theo giới truyền thông, tuy có 2 con với người chồng đầu tiên, nhưng bà Johanna Sigurdardottir, 66 tuổi vẫn công khai sống chung với nữ nhà báo kiêm biên kịch gia Jonina Leosdottir, 54 tuổi, cách đây 6 năm. Nhưng việc này không ảnh hưởng tới uy tín trên chính trường của nữ chính trị gia đi lên từ phong trào công đoàn, thậm chí bà Johanna Sigurdardottir còn là thành viên duy nhất trong nội các của cựu Thủ tướng Geir Haarde nhận được tỷ lệ ủng hộ tăng so với năm 2007 (theo kết quả thăm dò hồi tháng 11/2008).

Sau khi nhận được sự ủng hộ của đảng Xã hội và đảng Xanh cùng sự bổ nhiệm của Tổng thống Olafur Ragnar Grimsson, bà Johanna Sigurdardottir đã trở thành tân Thủ tướng. Hiện bà Johanna Sigurdardottir đang cùng với Chủ tịch đảng Xanh Steingrimur Sigfusson điều hành chính phủ lâm thời cho tới khi Iceland tiến hành bầu cử trước thời hạn, dự kiến diễn ra chậm nhất vào tháng 5 tới. Nếu thành công trong cương vị mới, bà Johanna Sigurdardottir sẽ tiếp tục đắc cử làm Thủ tướng.

Theo giới truyền thông, Iceland rơi vào tình trạng bất ổn chính trị kể từ tháng 10/2008 khi nước này bị cuộc khủng hoảng tài chính "nhấn chìm" bởi đồng nội tệ bị phá giá (rơi tự do) trong khi thị trường chứng khoán sụp đổ cùng với việc phá sản của nhiều ngân hàng hàng đầu, lạm phát tăng vọt...

Mặc dù IMF từng cho Iceland vay 2,1 tỷ USD (24/10/2008) để giúp nước này thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, khôi phục niềm tin trong hệ thống ngân hàng và bình ổn tiền tệ, nhưng bất thành. Sự bất ổn về kinh tế lập tức dẫn tới những bất ổn về chính trị - nhiều cuộc biểu tình diễn ra, thậm chí xảy ra bạo động và lần đầu tiên trong 50 năm qua, cảnh sát Iceland đã phải dùng hơi cay để duy trì trật tự.

Tuyên bố nhậm chức của bà Johanna Sigurdardottir diễn ra đúng thời điểm Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 bế mạc sau 5 ngày nhóm họp (từ 28/1 đến 1/2) tại Thụy Sỹ. Mặc dù đã bế mạc nhưng Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 vẫn không đưa ra được giải pháp rõ ràng cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Tuy nhiên, tuyệt đại đa số đại biểu đến từ 96 nước trên thế giới tham dự Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 đều cam kết phối hợp, hợp tác để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo cùng các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo trước xu thế trở lại của chủ nghĩa bảo hộ - các nước sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách ưu tiên đối với những công ty trong nước khi ngừng nhập khẩu sản phẩm của nước ngoài.

Tất cả các nguyên thủ quốc gia tham dự Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 đều phản đối chính sách bảo hộ mậu dịch. Theo ông Pascal Lamy, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), điều khó khăn nhất đối với các Bộ trưởng Thương mại là phải kiềm chế để chính sách bảo hộ mậu dịch không đi quá xa.

Giới chuyên môn cảnh báo, gia tăng bảo hộ mậu dịch sẽ làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế. Giới kinh tế cho rằng, một nền kinh tế thế giới mở cửa sẽ khuyến khích cạnh tranh và làm hạ giá cả, đồng thời khuyến khích các công ty quốc gia phát triển bằng cách xuất hàng ra thị trường nước ngoài.

Theo CAND Online