Nếu các triệu chứng hậu Covid-19 xấu dần đi hoặc không được cải thiện theo thời gian, việc thăm khám bởi nhân viên y tế là cần thiết.(Nguồn: Dân trí) |
Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19.
Tài liệu được biên soạn bởi các chuyên gia chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng và có sự tham vấn với chính những người bị Covid-19 đã bình phục trên cơ sở tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới. Các lời khuyên đều dựa trên bằng chứng.
Covid-19 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe và các triệu chứng lâu dài ảnh hưởng đến các sinh hoạt thường ngày. Trong một số trường hợp, những triệu chứng này có thể tồn tại quá 12 tuần và nay được gọi là các tình trạng sau mắc Covid-19, đồng thời cũng được biết đến như Covid-19 kéo dài, hay hội chứng sau mắc Covid-19. Các triệu chứng thông thường được cải thiện theo thời gian. Nếu các triệu chứng này xấu dần đi hoặc không được cải thiện theo thời gian, việc thăm khám bởi nhân viên y tế là cần thiết.
Theo tài liệu này, những biến chứng y khoa có thể xuất hiện trong quá trình phục hồi sau mắc Covid-19 và cần sự thăm khám y tế khẩn cấp. Bạn cần liên hệ ngay với nhân viên y tế nếu bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào sau đây:
- Bạn thấy khó thở khi hoạt động nhẹ mà tình trạng này không cải thiện khi thực hiện bất kỳ tư thế làm giảm khó thở nào.
- Có sự thay đổi tình trạng khó thở khi bạn nghỉ ngơi mà không thấy đỡ hơn khi thực hiện các kỹ thuật vận động và tập thể dục.
- Bạn thấy đau ngực, tim đập nhanh hoặc chóng mặt khi ở một số tư thế hoặc trong quá trình tập luyện hay hoạt động thể lực.
- Tình trạng lẫn lộn ngày càng xấu đi hoặc bạn cảm thấy khó nói hay khó hiểu lời nói.
- Bạn thấy thay đổi cảm giác và vận động trên mặt, tay hay chân, đặc biệt là các dấu hiệu này chỉ có ở một bên cơ thể, và/hoặc tình trạng lo âu hay tâm trạng xấu đi, hay bạn có ý nghĩ muốn làm hại bản thân.
Tập thể dục giúp cải thiện sức mạnh và sức bền của các cơ. Tuy nhiên, việc tập thể dục cần đảm bảo an toàn và cần được theo dõi cùng với các dấu hiệu nhiễm Covid-19 khác.
Đôi khi bạn có cảm giác rất mệt hoặc các triệu chứng khác như kiểu "kiệt sức" hoặc "mệt lả" sau khi gắng sức dù rất ít. Khoa học gọi chứng này là "mệt mỏi sau gắng sức". Triệu chứng này điển hình sẽ xuất hiện khoảng vài giờ sau khi gắng sức cả về thể chất và tinh thần. Bình thường cần 24 giờ trở lên để phục hồi cơ thể, phục hồi năng lượng, độ tập trung, giấc ngủ, trí nhớ.
Nếu bạn gặp tình trạng "mệt mỏi sau gắng sức", bạn tránh tập thể dục hoặc các hoạt động gắng sức khiến bạn gặp tình trạng mệt mỏi, mà chỉ cần đảm bảo đủ năng lượng. Nếu không có hiện tượng mệt mỏi gắng sức, bạn có thể nâng cao các mức độ nặng của bài tập thể dục một cách từ từ. Bạn có thể dùng thang điểm đo lường mức độ mệt mỏi (Borg - CR 10) để tăng mức độ vận động của mình.
Thang này là công cụ khách quan để đánh giá mức độ nặng mà bạn cảm giác được khi tập, từ 0 (không gắng sức) tới 10 (gắng sức nhiều nhất).
Tùy người và tùy thời điểm mà cũng với cùng một hoạt động, điểm Borg - CR 10 có khác nhau. Ví dụ, với việc đi bộ, bạn có thể đánh giá 1 điểm (cực nhẹ) nhưng có người khác đánh giá 4 điểm (có chút gắng sức) hoặc ngay chính bạn vào một ngày khác bạn cũng có thể cho điểm khác. Bạn sẽ viết những hoạt động hàng ngày của mình ra và đánh giá điểm Borg - CR 10 để theo dõi tình trạng của mình và hướng dẫn để mình tăng dần mức độ vận động của mình.
| Những triệu chứng nhận biết căn bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ nhỏ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa chia sẻ những triệu chứng ... |
| Những lưu ý khi ho khan hậu Covid-19 Dù các triệu chứng ho khan hậu Covid-19 không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng người bệnh cần theo dõi để có kế ... |