Uớc mong của Daniel Nguyễn Hoài Tiến – người đã quyết định xin thị thực dài hạn 5 năm để triển khai những dự án đem lại lợi ích cho người nông dân và người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Mơ ngày được nhập quốc tịch Việt Nam
Quê gốc Quảng Bình, Daniel Nguyễn Hoài Tiến sinh ra tại quận Cam, California (Mỹ). Tuy nhiên, ngay từ nhỏ anh thậm chí không được dạy tiếng Việt cho đến khi vào Đại học California. Sau tốt nghiệp, chàng trai trẻ đã đến thành phố New Orleans để lập nghiệp. Anh làm nhiều việc liên quan đến các lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và phát triển kinh tế cộng đồng. Trong nhiều năm, anh đã giúp sinh kế cho rất nhiều dân chài gốc Việt bị mất việc sau trận bão Katrina và vụ tràn dầu trên vịnh Mexico. Anh còn sáng lập hợp tác xã nông nghiệp (VEGGI), chuyên sản xuất rau sạch, làm đậu phụ, sữa đậu nành… cung cấp cho hàng chục chuỗi nhà hàng, siêu thị, khu chợ trời ở California.
Daniel Nguyễn Hoài Tiến thực hiện các dự án giúp đỡ bà con vùng sâu vùng xa. (Nguồn: Veggi Farmer's Cooperative) |
Vì những đóng góp thiết thực cho cộng đồng người Việt ở Mỹ, năm 2012, anh được mời về Việt Nam để tư vấn định hướng phát triển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng dân tộc thiểu số. Tại quê hương, anh đã miệt mài học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt và khám phá cuộc sống ở Việt Nam. Năm 2014, anh trở lại Việt Nam và tiếp tục chọn đến vùng sâu vùng xa.
Daniel đã hướng dẫn bà con dân tộc cách chăn nuôi, trồng trọt để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao đời sống cho bà con dân tộc Hmông, Dao, Thái, Tày...
Hiện nay, Daniel Nguyễn Hoài Tiến đang ấp ủ một dự án về sản xuất một loại rượu whisky từ hạt ngô của Việt Nam, hoàn thiện sản phẩm rượu dân tộc Dao Đỏ làm từ hạt thóc. Gắn bó với Việt Nam đã ba năm, nhưng anh vẫn chưa dám nhận mình là người Việt Nam bởi chưa được pháp luật công nhận. Hơn ai hết, Daniel mong muốn sớm nhập quốc tịch Việt Nam để tự hào là một người Việt Nam thực sự.
Không chỉ Ngày Quốc tổ trên toàn cầu...
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến đang sinh sống tại Áo |
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến đang sinh sống tại Áo là đồng sáng lập dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”. Chị cũng là người đưa ra ý tưởng “Chiến lược phối hợp tổ chức Ngày Việt Nam và ngày Giỗ tổ Hùng Vương trên toàn cầu”. Năm 2018, chị đã cùng cộng đồng người Việt tổ chức thành công “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” lần thứ I tại Cộng hòa Czech, Nga, Hungary và Đức.
Tháng 10/2018, Bích Yến đã gửi dự án này đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm cấp cao của ông đến Áo và châu Âu. Thủ tướng đã đánh giá cao ý nghĩa của dự án này, đồng thời đã chỉ thị Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài, cùng các cơ quan chức năng phối hợp hỗ trợ, triển khai rộng dự án.
Bích Yến mong muốn trong năm nay, dự án được triển khai thành công tại châu Á, trọng điểm ở Lào, Campuchia, Thái Lan và Hàn Quốc... Đây là một dự án phi lợi nhuận nên theo chị, kinh phí cho các hoạt động như việc đúc mẫu tượng, may mẫu quần áo tế lễ, xây dựng kịch bản chung… cần dựa vào nguồn huy động từ bà con, doanh nghiệp, các tổ chức Hội đoàn kiều bào trong và ngoài nước.
Mới đây, trở về Hà Nội tham dự chương trình Xuân Quê hương, Bích Yến tâm sự chị có một kỷ niệm rất sâu sắc đối với Hà Nội. Đó là năm 2010 khi Thành phố Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chị đã tham gia làm một tờ báo phát hành 50 nghìn bản bằng tiếng Đức và 10 nghìn bản bằng tiếng Anh để chào mừng Hà Nội. Là một nhà báo, chị ý thức được công việc kết nối của mình trên truyền thông giữa Việt Nam và quốc tế, đặc biệt là Hà Nội với các thủ đô khác.
Chị kể, vào năm 2012, khi Tổng thống Áo Heinz Fischer đến thăm Việt Nam, chị đã phỏng vấn ông. Chị hỏi: “Thủ đô của Áo đã nhiều lần là thành phố đáng sống nhất của hành tinh và thủ đô Hà Nội sẽ học được gì?”. Ông nói rằng: “Mỗi thành phố có một cách quy hoạch riêng và chúng tôi tin Hà Nội là một điểm đến hòa bình”. Bích Yến tin mỗi người Việt Nam và mỗi kiều bào đều có thể góp sức mình để kết nối Hà Nội với các thủ đô khác trên thế giới.
Những “mỏ vàng lộ thiên”
Ăn Tết tại Việt Nam không còn xa vời với kiều bào, nhưng vẫn còn những người rất lâu mới được trải nghiệm cảm giác ấy như ông Hạnh Lê – người đã sinh sống ở Mỹ nhiều năm. “Tôi được thừa hưởng hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, nhưng trong tôi luôn mang trong mình dòng máu Việt nên tôi mong muốn có đóng góp tích cực cho quê hương. Tôi đang xúc tiến một số dự án đầu tư về quê hương và cảm thấy thật ấm áp, gần gũi với sự quan tâm tiếp đón của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ”, ông Hạnh Lê nói.
Sau 10 năm trở lại quê hương, bà Trần Thị Sâm - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội người Việt Nam tại Pháp, lãnh đạo phong trào Việt kiều tại Marseille trong kháng chiến chống Mỹ ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của Việt Nam - điều mà bà không thể tưởng tượng được khi ở Pháp.
Người phụ nữ 85 tuổi ấy vẫn còn nhớ khi tham gia hoạt động của kiều bào từ khi mới định cư tại Pháp năm 1958. Ngôi nhà của bà từng là nơi hội họp và đón tiếp rất nhiều phái đoàn Việt Nam, cả thời chiến và thời bình. Giờ đây, tuổi đã cao nhưng bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện trong nước và công tác cộng đồng người Việt tại Pháp.
Với Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Czech, nguồn lực trí thức kiều bào có thể được ví như một “mỏ vàng lộ thiên” của quốc gia. Theo ông, bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều mong muốn được đóng góp hết sức mình cho sự phát triển của quê hương. Vì vậy, họ luôn hy vọng Nhà nước và Chính phủ sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để “mỏ vàng lộ thiên” ấy được phát huy giá trị.