📞

Niềm thương tiếc và tình cảm đặc biệt của người Việt Nam tại Nhật Bản đối với ông Abe Shinzo

Tuấn Hà 11:42 | 27/09/2022
Báo Thế giới & Việt Nam đã phỏng vấn một số người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản về cảm xúc trước lễ tang của Thủ tướng Abe Shinzo.
Người dân thể hiện niềm tiếc thương trước di ảnh cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 27/9. (Nguồn: Reuters)

Sáng ngày 27/9, rất đông người dân Nhật Bản đã xếp hàng tại công viên cạnh nhà thi đấu Nippon Budokan, thủ đô Tokyo, để đặt hoa tưởng niệm cố Thủ tướng Abe Shinzo. Không khí tương đối trầm lắng. Đông đảo cảnh sát được huy động nhằm đảm bảo an ninh cho tang lễ.

Trong ngày hôm nay, dự kiến khoảng 4.300 đại biểu tham dự lễ Quốc tang của cố Thủ tướng Abe, trong đó có ít nhất 48 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và cựu lãnh đạo từ nhiều quốc gia khác nhau. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam tham dự buổi lễ.

Một số người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản đã chia sẻ cảm xúc với Báo Thế giới & Việt Nam trước sự kiện đặc biệt này.

Vũ Hồng Khương (24 tuổi, sinh viên tại Osaka) cho biết Quốc tang cố Thủ tướng Abe Shinzo là một sự kiện trọng đại ở xứ sở hoa anh đào. Nhà lãnh đạo kỳ cựu của Nhật Bản cũng để lại ấn tượng tích cực đối với cá nhân Khương và nhiều người Việt Nam lao động, học tập và sinh sống tại Nhật Bản.

“Khi sinh thời, ông Abe Shinzo đã có nhiều chính sách mở cửa, giúp cho người lao động Việt Nam sang Nhật Bản dễ dàng hơn”, Khương nói.

Trong đại dịch Covid-19, chính quyền cố Thủ tướng Abe Shinzo đã tích cực hỗ trợ người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam, chi phí sinh hoạt. Theo Khương, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản có nhiều bước tiến quan trọng và hiện đang ở giai đoạn phát triển rất tốt. Cá nhân Khương từ khi sang đất nước Phù Tang đã được các bạn bè người Nhật giúp đỡ trong quá trình hoà nhập vào xã hội Nhật.

Đối với người Việt Nam ở Nhật Bản, cố Thủ tướng Abe Shinzo đã có nhiều chính sách mở cửa, giúp cho người lao động Việt Nam sang Nhật Bản dễ dàng hơn.

Nguyễn Việt Hải (30 tuổi, nhân viên công ty thương mại tại Tokyo) cho hay, cả Nhật Bản đều ngỡ ngàng trước sự ra đi của cố Thủ tướng Abe Shinzo, bởi lẽ Nhật Bản vốn an toàn và các vụ ám sát chính trị hiếm khi xảy ra. Vì thế, người dân Nhật cảm thấy thương xót cho sự ra đi của ông.

Bày tỏ quan điểm cá nhân, Hải ấn tượng với sự gần gũi của ông Abe đối với người dân. Thi thoảng có dịp xem một số chương trình giải trí trên truyền hình ở Nhật, Hải thấy bất ngờ khi ông Abe xuất hiện với tư cách khách mời.

Và điều thú vị hơn là sự xuất hiện của ông Abe tại lễ bế mạc Olympic 2016 tại Rio De Janeiro nhằm quảng bá cho Olympic 2020 Tokyo. Hải chia sẻ: “Một chính trị gia như ông Abe lại xuất hiện cùng bộ đồ của nhân vật trong Mario, trò chơi điện tử Mario đặc trưng của người Nhật khiến cho nhiều người dân cảm thấy thân thiện, gần gũi hơn”.

Thủ tướng Abe Shinzo đóng vai "Mario" tại lễ bế mạc Olympic Rio 2016 nhằm quảng bá cho Olympic 2020 Tokyo. (Nguồn: AP)

Về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Hải cho rằng quan hệ hai nước, dù là trong lĩnh vực ngoại giao lẫn kinh tế đều tiếp tục phát triển. Khi Hải tới Osaka du học năm 2010, chưa có nhiều bạn học biết đến Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm sinh sống, Hải thấy càng có nhiều người Nhật Bản biết đến Việt Nam hơn, và quan tâm thúc đẩy hợp tác kinh doanh và du lịch với Việt Nam.

“Một chính trị gia như ông Abe lại xuất hiện cùng bộ đồ của nhân vật trong Mario, trò chơi điện tử Mario đặc trưng của người Nhật khiến cho nhiều người dân cảm thấy thân thiện, gần gũi hơn”.

Theo Bùi Linh (27 tuổi, nhân viên công ty tại Osaka), nhiều người Việt Nam tại Nhật Bản yêu quý và kính trọng ông Abe. Cá nhân Linh thấy rằng chính sách kinh tế của ông Abe đã thúc đẩy nhiều người nước ngoài đến Nhật Bản làm việc. Với Việt Nam, Nhật Bản đã có nhiều chương trình hỗ trợ ODA. Khi còn tại nhiệm, ông Abe đã nhiều lần sang thăm Việt Nam, đặt nền móng cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.