Vụ thảm sát ở Niger cho thấy những thách thức an ninh to lớn mà tân Tổng thống Mohamed Bazoum (ảnh) phải đối mặt. (Nguồn: AFP) |
Người phát ngôn của chính phủ Niger Zakaria Abdourahamane nhấn mạnh: "Khi coi dân thường là mục tiêu một cách có hệ thống, các phần tử cướp có vũ trang đã tiến thêm một bước gây tội ác kinh hoàng và tàn bạo”.
Ông Abdourahamane nêu rõ, chính phủ Niger kịch liệt lên án những hành động tàn bạo của những kẻ "không biết đến đức tin và luật pháp". Chính phủ Niger cũng đã tuyên bố quốc tang trong ba ngày, bắt đầu từ ngày 23/3.
Người phát ngôn này cho biết, chính phủ nước này sẽ tăng cường các biện pháp an ninh trong khu vực cũng như triển khai cuộc điều tra nhằm xác định và truy tìm thủ phạm vụ thảm sát để có thể sớm đưa những đối tượng này ra trước pháp luật.
Vụ tấn công xảy ra đêm 21/3, các tay súng sử dụng xe gắn máy đã tiến vào các làng Intazayene, Bakorat và Wistane thuộc vùng Tahoua gần biên giới với Mali, đốt cháy nhiều nhà dân và xả súng vào người dân địa phương.
Sự gia tăng số người thiệt mạng lên 137 người, từ mức ước tính 60 người trước đó, sẽ khiến cuộc tấn công ngày 21/3 trở thành vụ thảm sát đẫm máu nhất do các phần tử thánh chiến thực hiện ở Niger, cho thấy những thách thức an ninh to lớn mà tân Tổng thống Mohamed Bazoum phải đối mặt.
Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới - theo bảng xếp hạng phát triển của Liên hợp quốc, Niger cũng đang phải đối mặt với các cuộc nổi dậy thánh chiến tràn sang từ các nước láng giềng Mali và Nigeria.
Bạo lực thánh chiến đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, khoảng nửa triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đồng thời gây ra những thiệt hại nặng nề cho đất nước từng là thuộc địa của Pháp này.