Chuyến thăm của Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on tới Việt Nam từ 6-7/10 sẽ bàn về hợp tác trong lĩnh vục nông nghiệp, trong đó có giá gạo xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN) |
Nikkei Asia dẫn lời các quan chức Chính phủ Thái Lan cho biết Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on sẽ thăm Việt Nam từ ngày 6-7/10 để hội đàm với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có có giá gạo xuất khẩu.
Các quan chức Thái Lan cho biết trước đó, vào đầu tháng Chín, Việt Nam và Thái Lan đã nhất trí nâng giá gạo xuất khẩu với lý do những người trồng lúa ở hai nước không thể trang trải chi phí sản xuất tăng cao do chi phí phân bón, hóa chất nông nghiệp và nhiên liệu đều tăng cao.
Theo dự kiến, mỗi nước sẽ lập ra các nhóm công tác của mình để nghiên cứu các biện pháp cụ thể.
Theo Nikkei Asia, giá gạo tương đối ổn định so với giá lúa mỳ, vốn tăng mạnh kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, kể từ ngày 16/9, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã áp đặt mức thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại gạo xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), trong tháng Tám, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đứng ở mức khoảng 385 USD/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái lên khoảng 446 USD/tấn.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, giá gạo xuất khẩu đã bắt đầu tăng sau khi Ấn Độ bắt đầu áp dụng mức thuế trên.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng gạo xuất khẩu toàn cầu lên tới 51,63 triệu tấn trong năm 2021, trong đó Ấn Độ chiếm khoảng 41%, còn Việt Nam và Thái Lan mỗi nước chiếm khoảng 12%. Trong khi đó, Trung Quốc và Philippines là hai nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Nhật Bản cũng sử dụng gạo nhập khẩu để chế biến một số loại thực phẩm.