Mô hình trồng Thanh long ruột đỏ của hộ nông dân Nguyễn Văn Thanh, xóm 7, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn được Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ vốn sản xuất đã phát huy hiệu quả, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. (Ảnh: Vũ Sinh) |
Nối tiếp những thành công của nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Ninh Bình tiếp tục thực hiện các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Nếu như trước đây, Ninh Bình được xem như một tỉnh có xuất phát điểm thấp, tỷ trọng nông, lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn cao thì trong những nhiệm kỳ gần đây, những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng bộ tỉnh đã đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Minh chứng rõ nhất thể hiện ở việc kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2015 - 2020 tăng bình quân 8,03%/năm, vượt mục tiêu Đại hội, cao hơn bình quân chung của cả nước.
GRDP bình quân đạt 64,8 triệu đồng/người/năm, gấp 1,57 lần so với năm 2015. Tổng thu ngân sách cả nhiệm kỳ đạt 58.841 tỷ đồng, gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước, riêng năm 2019 đạt 16.519 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp bình quân 22,03%/năm, vượt mục tiêu Đại hội (16,0%/năm); nông nghiệp chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thức sản xuất tiên tiến, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 135 triệu đồng/ha; hình thành các vùng, cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị.
Đáng chú ý nhất, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đến hết năm 2020, Ninh Bình có 106/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện toàn tỉnh có ba huyện: Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 8 xã và 100 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Du lịch tiếp tục phát triển năng động, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Tính riêng năm 2019, tỉnh Ninh Bình đón 7,65 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 3.600 tỷ đồng.
Đi đôi với phát triển kinh tế, an sinh xã hội luôn được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%, hộ cận nghèo 3%; bình quân giải quyết việc làm cho trên 20.500 người/năm. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 95,1%; nhiều năm gần đây, Ninh Bình xếp thứ 3 cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia, cũng là tỉnh xếp thứ 3 cả nước về phổ cập giáo dục xóa mù chữ.
Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân nâng lên; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Trong nhiệm kỳ, công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai toàn diện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác chính trị tư tưởng được tăng cường, chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương; triển khai sâu rộng Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) cùng với thực hiện quy định về nêu gương và chủ đề công tác năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, phát triển đảng viên, nhất là ở doanh nghiệp ngoài nhà nước, vùng đông đồng bào có đạo; bình quân kết nạp trên 2.000 đảng viên/năm.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đánh giá, thành quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 rất đáng trân trọng và tự hào, tạo bước đi vững chắc trên chặng đường đổi mới. Thành quả đó là kết tinh của quá trình liên tục, kế thừa, không ngừng sáng tạo, nỗ lực bứt phá vươn lên; là biểu hiện sinh động của sức mạnh đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, cất cánh của tỉnh Ninh Bình trong tương lai.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đang tới, thời cơ, vận hội cùng những thách thức đang mở ra với đất nước và quê hương. Tình hình chính trị, xã hội ổn định; những thành quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong những năm qua đã tạo ra thế và lực mới.
Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế của tỉnh Ninh Bình còn nhỏ, năng suất lao động và sức cạnh tranh hàng hóa còn thấp; huy động vốn cho đầu tư phát triển khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; việc giải quyết mối quan hệ giữa quản lý bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, văn hóa với phát triển kinh tế, giữa yêu cầu phát triển nhanh và bền vững với chất lượng nguồn nhân lực đang đặt ra những vấn đề mới; thiên tai, bão lụt, dịch bệnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, đặc biệt dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực, kéo dài trong những năm đầu của nhiệm kỳ.
Những khó khăn, hạn chế đó đòi hỏi Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh Ninh Bình nỗ lực, quyết tâm hơn nữa; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết của toàn dân, khơi dậy ý chí, khát vọng, giá trị lịch sử, văn hóa, con người Cố đô Hoa Lư; ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn mới.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đề ra các mục tiêu chủ yếu như: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng bình quân 8,5%/năm. Cơ cấu kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) đến năm 2025: Công nghiệp - xây dựng 49%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 8,5%; dịch vụ 42,5%. Đồng thời, cơ cấu kinh tế GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2025 đạt 105 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt 19.000 tỷ đồng trở lên; số đảng viên kết nạp bình quân hằng năm đạt 1.600 đảng viên trở lên...
Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đề ra 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới bao gồm: Xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, chất lượng; nhất là hạ tầng du lịch.
Tỉnh cũng đề ra giải pháp kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng hệ thống đô thị theo hướng đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; phát huy vai trò kinh tế ven biển dựa trên tiềm năng lợi thế, với trọng tâm là dịch vụ, du lịch sinh thái ven biển; phát triển khu công nghiệp ven biển theo quy hoạch, tạo điểm nhấn về vùng kinh tế năng động gắn với quản lý đô thị và trung tâm du lịch sinh thái ven biển Kim Sơn.
Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, có số thu ngân sách lớn; phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm chủ lực theo vùng sinh thái, đặc trưng phục vụ du lịch.
Tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu; tập trung đầu tư và thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược cho phát triển du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng tới xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, coi trọng văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh; bảo tồn phát huy giá trị di sản.
Ninh Bình tập trung phát triển giáo dục đào tạo theo hướng toàn diện; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tiếp tục củng cố vững chắc quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh khu vực biển, biên giới biển của tỉnh; tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong xây dựng Đảng, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; tăng cường công tác nội chính, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân...
Một nhiệm kỳ mới đang tới sẽ mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi, bên cạnh đó cũng còn không ít những khó khăn, thử thách. Nhưng với truyền thống đoàn kết, gắn bó, tinh thần lạc quan với những nguồn lực, thế mạnh, tiềm năng của mình, chắc chắn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
| Ninh Bình: Nhiều học sinh phải cách ly vì cô giáo tiếp xúc người nhiễm Covid-19 Nữ giáo viên ở Ninh Bình tiếp xúc điều dưỡng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 nhiễm Covid-19. Do đó, 68 học sinh ... |
| Ninh Bình siết chặt quản lý người về từ các vùng có dịch Covid-19 Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại một số địa phương trong cả nước, trong đó có Hà ... |