Đường ven biển Vĩnh Hy. |
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Thuận định hướng phát triển theo mô hình kinh tế xanh và sạch, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như năng lượng, du lịch, giáo dục - đào tạo và sử dụng năng lượng sạch... hướng tới mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm năng lượng sạch và là nguồn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
Và trên thực tế, nhờ tận dụng tốt tiềm năng sẵn có, kết hợp với cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhiều dự án đã được triển khai thành công, tạo nên diện mạo mới cho vùng đất ven biển. Trong đó, có những dự án có quy mô lớn tạo sức lan tỏa, dự kiến sẽ là nguồn lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển như: Nhà máy điện mặt trời Phước Minh kết hợp với hạ tầng truyền tải có công suất 450MW với tổng vốn đầu tư 11.482,9 tỷ đồng; Nhà máy điện gió Trung Nam có công suất 151,95MW, với tổng vốn đầu tư là 5.719 tỷ đồng; Nhà máy năng lượng tái tạo Bim 2 có công suất 250MW với tổng vốn đầu tư 4.779 tỷ đồng; Dự án SunBay Park Hotel & Resort với tổng vốn đầu tư 4.779 tỷ đồng, dự án Khu du lịch Mũi Dinh EcoPark với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 400 tỷ đồng...
Về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hiện trên địa bàn Ninh Thuận có 34 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động đầu tư, với tổng vốn 1.141,52 triệu USD, tương đương 25.030,9 tỷ đồng. Trong đó, có thể kể tới đóng góp đáng kể của các dự án đầu tư của doanh nghiệp ASEAN trong sự phát triển của địa phương. 5 doanh nghiệp ASEAN từ Thái Lan, Singapore, Malaysia, với tổng vốn đầu tư 240,4 triệu USD, tương đương 5.457,2 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, sản xuất điện từ năng lượng gió và mặt trời, đều là các dự án đầy hứa hẹn và đi đúng mục tiêu phát triển của Tỉnh.
Thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Ninh Thuận có vị trí địa lý quan trọng trên ngã ba nối liền vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Là miền đất giàu đẹp, phong phú về lịch sử văn hóa, hội tụ đầy đủ các điều kiện về tài nguyên du lịch thiên nhiên và nhân văn đang được quy hoạch theo hướng phát triển bền vững, lại nằm ở tâm điểm “tam giác du lịch” Nha Trang - Đà Lạt - Phan Thiết, với những điểm đến nổi tiếng như bãi biển Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy... Ninh Thuận có nhiều thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp không khói. Hiện mũi nhọn du lịch và bất động sản là điểm sáng thu hút đầu tư vào Ninh Thuận. Trước đại dịch Covid-19, lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng đều qua các năm. Sự phát triển lĩnh vực này đã có những tác động tích cực đến kinh tế-xã hội địa phương và ngược lại.
Ninh Thuận hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm năng lượng sạch và là nguồn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. |
Ninh Thuận đã được Chính phủ đồng ý chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết nối, liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như đường sắt cao tốc Bắc Nam, cảng hàng hóa Quốc tế Cà Ná là một trong cảng biển miền Trung được quy hoạch phát triển thành cảng nước sâu, có quy mô công suất hàng hóa qua cảng 25 triệu tấn/năm… Hệ thống cảng biển có thể là nơi trú đậu cho khoảng 2.000 tàu thuyền đánh cá, có khả năng tiếp nhận tàu có qui mô công suất đến 500 CV.
Mạng lưới giao thông đường bộ, đường không thuận lợi, tuyến đường ven biển dài 105,8 km từ Bình Tiên đến Cà Ná đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang lại ý nghĩa quan trọng đối với Ninh Thuận và lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế. Sân bay quốc tế Cam Ranh và cảng hàng hóa Ba Ngòi, Khánh Hòa (một trong 10 cảng biển lớn của cả nước cách Ninh Thuận chỉ trên 45 km) là điểm cộng về giao thông khi đến với Ninh Thuận.
Ninh Thuận áp dụng chính sách đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn. Theo đó, áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung của Nhà nước đối với thuê đất, cấp đất và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế Xuất nhập khẩu.
Là vùng thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn, các dự án đầu tư ở Ninh Thuận được ưu đãi chi phí thuê đất, thuê mặt nước và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đơn giá thuê đất, thuê mặt nước của mỗi dự án được ổn định trong 5 năm. Thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư; trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.
Ninh Thuận đang tận dụng tối ưu các lợi thế nhằm tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa với các địa phương và các nước trong khu vực, đặc biệt là ASEAN. Nhằm giữ vững mục tiêu phát triển bền vững, Ninh Thuận chú trọng và nghiêm túc với hướng phát triển của mình, mời gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh và sạch như Phát triển năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, thủy điện tích năng, điện khí); nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến (nông sản, thủy sản...); du lịch – dịch vụ, công nghiệp phụ trợ (xây dựng các nhà máy sản xuất thiết bị điện gió, điện mặt trời)....