📞

'Nở rộ' các lớp luyện thi cấp tốc đánh giá năng lực vào đại học năm 2022

Mỹ Hà 17:59 | 12/01/2022
Một số đại học lớn khẳng định không phát hành tài liệu ôn thi hoặc mở các khóa luyện thi đánh giá năng lực nhưng nhiều lớp luyện, bán tài liệu ôn thi, tổ chức thi thử… được quảng bá rầm rộ.
Các lớp luyện thi cấp tốc đánh giá năng lực vào đại học năm 2022 nở rộ.

Luyện thi cấp tốc, bán đề và thi thử

Khoảng vài tuần nay, trên nhiều diễn đàn phụ huynh học sinh và diễn đàn giáo dục, nhiều người sốt sắng với việc tìm lớp cũng như cách thức luyện thi cấp tốc chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực vào một số trường đại học (ĐH) "hot".

Chỉ cần một "cú click" chuột liên quan đến từ khóa "luyện thi đánh giá năng lực", hàng triệu kết quả được đưa ra.

Mỗi khóa luyện thi đánh giá năng lực như vậy được quảng cáo sơ sơ từ 1 triệu đến gần 3 triệu đồng, tiền tài liệu từ 500.000 đồng- 1 triệu đồng tùy số lượng môn, chưa kể tiền bán đề thi và thi thử online.

Còn tài liệu ôn thi được "bán sỉ", "bán lẻ"; các gói ôn thi được bán lẻ, bán theo "combo"… đủ loại hình.

Với tên gọi "Luyện thi vào ĐH Quốc gia Hà Nội" nhưng khi chúng tôi click vào mới thấy, đây là trang thông tin của một số sinh viên, cựu sinh viên lập ra.

Tương tự, một số website tiếng Anh hoặc cựu giáo viên cũng quảng bá thông tin luyện thi đánh giá năng lực.

Đặc biệt, một số trang đăng quảng cáo đến "cua trong lỗ cũng phải bò ra nghe": "Lộ trình toàn diện ôn thi đánh giá năng lực; ôn là đỗ; luyện kĩ năng trong thời gian ngắn; bứt tốc về đích trong 90 ngày"…

Một số trang web mời gọi học sinh tham gia khóa luyện thi bằng cách cho trước một vài đề miễn phí và yêu cầu phải trả phí mua các khóa học để có thể ôn luyện tiếp.

"Lò" luyện không thể bao quát ngân hàng đề

Được biết, năm 2021 có 4 ĐH lớn tổ chức kỳ thi riêng với tên gọi khác nhau. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức hai kỳ thi đánh giá năng lực. Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) có kỳ thi kiểm tra năng lực và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi đánh giá tư duy.

Theo một số giáo viên, đề thi đánh giá năng lực có phổ rất rộng, học sinh không thể luyện "tủ" một vài đề hay vài môn.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, một chuyên gia luyện thi ở Hà Nội cho hay, đề thi rất bao quát, thậm chí có cả Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… trong cùng một đề.

Nếu ôn thi toàn bộ tất cả các môn thì bở hơi tai còn luyện một vài môn, xác suất xuất hiện câu hỏi của mỗi môn trong đề thi khá ít.

Vì vậy, chuyên gia này khuyến cáo học sinh không có gì khác ngoài việc phải nắm toàn bộ kiến thức như lâu nay các em vẫn học, sau đó tìm hiểu thêm về dạng đề là phù hợp nhất.

GS.TS. Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban đào tạo, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội dài 195 phút, gồm 150 câu hỏi, chia làm ba phần.

Bài thi nhằm kiểm tra năng lực tư duy của học sinh, do đó sẽ cung cấp đủ thông tin để các em có thể phân tích, trả lời. Bài thi này nhằm chống lại cách học thuộc lòng cũng như học gì thi nấy kiểu ngày xưa.

Đơn vị này có ngân hàng đề rất lớn (từ 12.000 đến 15.000 câu hỏi), đảm bảo mỗi em có một đề thi riêng. Các câu hỏi trong bài thi đánh giá năng lực được xây dựng từ cơ bản đến nâng cao. Do đó, học lệch hay học tủ, thậm chí "học gạo" không phải là cách tốt nhất để đạt điểm thi cao.

Vì ngân hàng đề rất lớn nên chuyên gia này cho rằng, học sinh không nên mất thời gian đầu tư tiền bạc, thời gian vào lò luyện thi bởi các lò luyện thi không thể bao quát hết được các đề thi.

Hiện, có khoảng 50 trường đại học, cơ sở giáo dục xác nhận sẽ công nhận và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội cho kỳ tuyển sinh năm 2022.

(theo Dân trí)