TIN LIÊN QUAN | |
Khi nọc độc có lợi cho sức khỏe | |
Kinh hoàng thú thôi miên rắn độc |
Rắn san hô xanh được biết đến là một sát thủ đáng gờm không thua gì loài rắn hổ mang. Loài rắn cực độc này sinh sống ở khu vực Đông Nam Á. Nhờ tuyến nọc độc dài khoảng 2m, chiếm một phần tư chiều dài cơ thể, loài rắn san hô xanh có thể giết chết nạn nhân gần như ngay lập tức.
“Kẻ sát nhân” nguy hiểm nhất
Gần đây, tạp chí Toxin đã đăng bài nghiên cứu mới về việc sử dụng nọc độc của loài rắn san hô xanh như một loại thuốc giảm đau cho con người. Điều này sẽ giúp mở ra phương pháp điều trị mới trong y học.
Được mệnh danh là sát thủ của những sát thủ, rắn san hô xanh có màu sắc cơ thể rực rỡ với hai màu đỏ và xanh |
Tiến sĩ Bryan Fry, công tác tại trường Đại học Queensland cho biết: “Nọc độc của hầu hết các loài rắn thường có tác dụng chậm và hoạt động như một liều thuốc an thần cực mạnh. Nó khiến nạn nhân cảm thấy buồn ngủ và chết từ từ. Tuy nhiên, nọc độc của rắn san hô xanh lại khác. Do thường săn những con mồi nguy hiểm, có thể phản công lại nên nó phải dùng loại độc có tác dụng nhanh, giết chết con mồi ngay lập tức. Cũng vì thế nó là ‘kẻ sát nhân’ nguy hiểm nhất trong số những kẻ sát nhân.”
Theo ông Fry, các nhà khoa học đã từng nghiên cứu chất độc của những động vật không xương sống như ốc nón hay bọ cạp để sử dụng trong y học. Tuy nhiên, rắn là loài động vật có xương sống, có sự tiến hóa gần giống với con người hơn, nên nọc độc của rắn có khả năng mang lại hiệu quả cao hơn.
“Nọc độc của rắn san hô xanh thường tấn công vào các kênh phân tử natri, là trung tâm truyền tải cảm giác đau đến não. Vì vậy, các nhà khoa học có thể điều chế lại loại nọc này, biến nó thành liều thuốc giảm đau sử dụng cho cơ thể con người. Nọc độc của loài rắn này thật thú vị và kỳ lạ. Đây chính là loài rắn mà tôi yêu thích”, Tiến sỹ Fry nói.
Rắn san hô xanh là loài động vật đầu tiên sở hữu loại nọc độc có tác dụng nhanh được biết đến trên thế giới. Nhưng do 80% môi trường sinh sống của loài rắn này đã bị phá hủy để trồng cọ nên khó có thể tìm thấy chúng trong môi trường tự nhiên. Thực tế, tiến sĩ Fly cũng mới chỉ nhìn thấy hai cá thể rắn san hô xanh đang sống trong môi trường hoang dã.
Hiện Tiến sĩ Fly cùng nhóm các nhà nghiên cứu đến từ các nước Trung Quốc, Mỹ và Singapore đang tiến hành nghiên cứu loài rắn ở Singapore. Ông cho biết, nhóm đang cố gắng nghiên cứu những loài họ hàng của rắn san hô xanh để tìm ra những thuộc tính khác biệt của chúng. "Nhiều người khuyên chúng tôi nên nghiên cứu trên những cá thể rắn đã chết nhưng chúng tôi vẫn cố để có thể nghiên cứu chúng trong tình trạng sức khỏe tốt nhất có thể”, ông nói.
Tuyến nọc độc của rắn san hô khi được lấy ra có chiều dài bằng 1/4 chiều dài cơ thể rắn. (Nguồn: BBC) |
Nọc độc nhiều... tác dụng
Trước đây cũng đã có một số nghiên cứu về nọc rắn cho rằng, nọc của rắn gây độc cho đối tác theo cơ chế gây loạn thần kinh, đặc biệt là cơ quan kiểm soát việc hô hấp và tuần hoàn, dẫn đến co rút cơ bắp, nôn ói, co giật và tê liệt. Tác động lên máu hay mạch máu, phá hủy tế bào máu, gây xuất huyết hoặc làm đông máu khiến nạn nhân chết do tắc mạch. Ngoài ra, nọc rắn tấn công và hủy hoại mô cơ, gây hoại tử và bộ nhiễm.
Y học đã dùng nọc rắn để chế tạo huyết thanh kháng nọc, chữa cho những người bị rắn cắn. Khoảng 400 loài rắn có nọc độc và huyết thanh chế từ loài nào chỉ chữa được cho người bị loài rắn đó cắn. Hiện gần 100 quốc gia đã chế tạo trên dưới 200 loại huyết thanh. Việt Nam đã điều chế thành công loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, lục tre, hổ chúa và chàm quạp.
Nọc rắn còn được dùng chế các thuốc giảm đau, chống viêm trong thấp khớp, đau cơ, đau dây thần kinh... dưới dạng tiêm hay thuốc mỡ.
Đặc biệt trước đây người ta cũng nghiên cứu thấy nọc rắn độc hổ mang ở Brazil có chất captopril gây hạ huyết áp rất nhanh khiến con mồi bủn rủn, tê liệt. Các nhà khoa học đã mô phỏng và chế tạo được chất này để chữa trị bệnh tăng huyết áp. Loại nọc độc làm đông máu được ứng dụng chế tạo thuốc cầm máu, chống chảy máu nội tạng.
Từ nọc độc của rắn hổ mang, các nhà khoa học đã trích ra một chất có tên là contortrastin, có khả năng khống chế tế bào ung thư, làm chậm sự lan truyền của các khối u. GS. Manjunatha Kini từ Đại học quốc gia Singapore cho biết, thuốc giảm đau điều chế từ nọc độc của hổ mang chúa có hiệu quả cao gấp 20-200 lần so với morphin.
Prince qua đời do dùng thuốc giảm đau quá liều Đây là kết luận chính thức từ bác sĩ pháp y sau khi khám nghiệm tử thi của huyền thoại nhạc pop Mỹ. |
Thuốc giảm đau không dễ... “nuốt” Nhiều bệnh nhân thường tìm đến các nhà thuốc tìm mua thuốc giảm đau để tự điều trị. Có rất nhiều loại thuốc giảm đau ... |