📞

Nội chiến Syria và câu chuyện về cuộc ly tán chưa kết thúc của năm anh em ruột

Minh Nhật 14:06 | 26/10/2019
TGVN. Lần cuối cùng, Rami, Kareem, Farid, Samir và Hassan bên nhau là vào tháng 8/2012, bên trong một hầm tránh bom ở miền Nam Syria.        
Hành trình chạy trốn khỏi Syria của năm anh em Rami, Kareem, Farid, Samir và Hassan. (Nguồn: The Guardian)

Vào tháng Ramadan, hàng đêm, tiếng pháo cùng các cuộc không kích dồn dập tấn công các khu dân cư. Vài ngày sau, quân đội Chính phủ Syria tấn công khu phố - nơi năm anh em nhà Farid sinh sống. Họ đã cùng nhau chạy trốn khỏi Syria... và điểm đến là năm quốc gia, đối mặt với năm số phận khác nhau.

“Chúng tôi không nghĩ rằng đó là lần cuối cùng ở bên nhau. Mặc các cuộc không kích, ném bom, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, kết cục sẽ như thế này”, Farid – hiện đang ở Jordan tâm sự.

Rami vẫn sẵn sàng rời đi từ Lebanon

Rami nhớ lại năm 2012, khi còn là cậu học sinh, quân lính Syria tiến vào khu phố, các anh em khác của Rami đã chạy về phía Nam và đến Jordan. “Tôi nghĩ mình không thể học hoặc làm việc ở Jordan. Tôi ở lại và hy vọng khi tình hình dịu xuống, tôi có thể tiếp tục đi học và có được bằng tốt nghiệp”, Rami nói.

Năm 2015, Lực lượng Quân đội Tự do Syria tái chiếm khu phố và Rami trở về nhà. Trong 3 năm đó, anh đã làm việc tại các tổ chức nhân đạo cung cấp thực phẩm và thuốc men. Cũng như bao người đàn ông Syria khác, Rami có nghĩa vụ phục vụ trong quân đội quốc gia. Tuy nhiên, tháng 6/2018, nơi Rami sống bị chiếm đóng. Lúc này, anh quyết định chạy trốn đến Beirut, Lebanon.

Lebanon vào một buổi tháng 7, anh trai của Rami là Hassan đi làm và không trở về nhà. Rami đoán rằng Hassan đã bị chính quyền nước này bắt giữ. Gọi điện đến văn phòng cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc, Rami nhận được câu trả lời không có hồ sơ liên quan đến việc Hassan bị bắt và khuyên anh nên gọi cho Hội Chữ thập đỏ.

Vài tuần sau, Ramin nhận được một cuộc gọi từ Syria. Hassan dường như đã kiệt sức, anh vừa được thả sau nhiều tuần bị cơ quan tình báo quân sự đáng sợ của Syria giam giữ.

Cách đó vài tháng, Chính phủ Lebanon đã nỗ lực phá hủy nhiều ngôi nhà bên trong các trại tị nạn, đột kích vào các doanh nghiệp nhằm phát hiện và loại bỏ những người Syria làm việc bất hợp pháp. Nỗ lực của Chính phủ Lebanon đã khiến ít nhất 2.700 người bị trục xuất khỏi nước này, trong đó, có ít nhất 7 người được xác định đã buộc phải trở lại Syria. Hassan là một trong số 7 người đó.

Kể từ khi Hassan bị bắt, Rami hiếm khi rời khỏi nhà. Rami lo sợ mình sẽ không thể trở về nhà sau khi ra ngoài và gia đình anh sẽ không có cách nào để biết anh đang ở đâu. “Hàng tuần, tôi đều hỏi thông tin từ cơ quan của Liên hợp quốc rằng, tôi có thể ra đi từ Lebanon không. Nếu có thể, tôi sẽ lựa chọn đường tàu biển. Tôi đã không còn sợ nữa”, Rami nói.

Kareem được chấp nhận định cư tại Thụy Điển

Khi chưa xảy ra chiến tranh, Kareem chuyên vẽ các biển hiệu, áp phích quảng cáo bằng chữ Arab, với nét chữ đẹp, thanh thoát, anh khá nổi tiếng. Năm 2011, khi các cuộc biểu tình nổ ra, hòa mình cùng những người biểu tình kêu gọi chấm dứt chế độ, Kareem quay các đoạn video bình luận, phỏng vấn về các cuộc biểu tình, tình hình bạo lực... và gửi đến các đài truyền hình ở vùng Vịnh. “Họ có thể biết và thu thập các tài liệu liên quan qua hình ảnh của tôi và của cả những người mà tôi biết”, Kareem nói.

Sau đó, Kareem đưa gia đình đến Jordan, nhưng bản thân ở lại Dara’a, Syria để tiếp tục thực hiện các cảnh quay khác. Năm 2015, từ Amman, Kareem xin tị nạn ở châu Âu. 6 tháng sau, Kareem được chấp thuận tị nạn và định cư tại Vimmerby (Thụy Điển) với vợ và 3 con. Họ có thêm một cô con gái thứ tư.

Tại Vimmerby, Kareem phải làm việc kiếm tiền và gửi cho những người anh em của mình ở Jordan, Syria và Lebanon. “Tôi lo lắng về những mối nguy hiểm mà họ phải đối mặt, đặc biệt là Hassan”, Kareem nói.

Farid ở Jordan và Samir ở Đức

Tại biên giới Israel, trong căn biệt thực đang xây dở với hai bể bơi, cầu thang lát đá cẩm thạch, phía sau sân có những hàng cây cọ, Farid nằm ngủ bên cạnh con trai trên tấm thảm mỏng trải dưới sàn nhà. Farid được thuê đến để xây căn biệt thự này.

Năm 2013, Farid cùng 1.500 người khác đi bộ 6 giờ đồng hồ, rời khỏi Syria, dưới làn đạn không kích. Dường như, tất cả họ đã bị lạc khỏi nhau. “Không thể nhìn thấy ai ở bên cạnh. Chúng tôi không dám sử dụng điện thoại di động, thậm chí không dám châm thuốc”.

Năm 2015, Farid, Kareem và Samir đã ở Jordan cùng nhau. Họ suy nghĩ có nên theo làn sóng cùng hàng nghìn người Syria khác đến châu Âu hay không. “Nó quá nguy hiểm”, Farid nói. “ Vậy lựa chọn khác là gì?”, Samir nhấn mạnh.

Kinh tế Jordan ì ạch, các cuộc biểu tình nổ ra, chi phí sinh hoạt tăng nhanh. Nước này nới lỏng một số quy định làm việc cho những người tị nạn Syria và khẳng định sẽ không trục suất bất cứ ai nếu họ không muốn.

Cuối cùng, Samir đã kiếm đủ tiền để mua vé máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, anh trả cho một kẻ buôn lậu 1.200 USD để có một chỗ ngồi trên một con thuyền đến Hy Lạp. “Chúng tôi ngồi xếp chồng lên nhau, hầu hết không thể di chuyển và cầu nguyện sẽ không xảy ra bất cứ chuyện gì. Cuối cùng, Samir đã đến đư Frankfurt, Đức. Samir (39 tuổi) tâm sự, “con trai tôi đã 6 tuổi và chưa biết đọc chữ”.

Còn Farid đã cố gắng thử một vài lần để có có cơ hội định cư hợp pháp ở châu Âu, nhưng có lẽ may mắn vẫn chưa mỉm cười. Hiện Farid vẫn sống tại Jordan.

Hassan ở lại Syria

Hassan còn ở lại Syria và làm việc trong cửa hàng nội thất của bạn bè, vài ngày mỗi tuần. Hassan có thể giữ một chút hoa hồng từ những gì anh bán được.

Tháng 4/2019, bốn anh em của Hassan đã có đủ tiền để đưa anh đến Lebanon. Hassan ở Lebanon chưa đầy ba tháng thì bị bắt trong một cuộc truy quét các lao động bất hợp pháp. Hassan bị đưa đi.

Kareem là người đầu tiên biết về việc Hassan bị giam giữ. Để có được thông tin về nơi Hassan bị giam giữ, các anh em của Hassan phải trả 5.000 USD và 20.000 USD là giá để Hassan có thể được thả, nhưng bị trục suất trở về Syria.

Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại, Hassan lảng tránh về tình trạng của mình và cảnh báo cho các anh em khác rằng, “Hãy trốn đi, đừng để lực lượng an ninh đưa đi”.

(theo The Guardian)