Giới trẻ Australia quan tâm nhất đến vấn đề tài chính, nhà ở, môi trường và sức khỏe tâm thần. (Nguồn: Australian) |
Cuộc khảo sát được tiến hành đối với 18.800 thanh niên, trong thời gian từ tháng 4-8/2022, cho thấy một loạt thách thức mà giới trẻ Australia, đặc biệt là ở độ tuổi từ 15-19, phải đối mặt.
Cụ thể, cứ 10 thanh niên thì có 1 người lo lắng về việc có một nơi ở ổn định, 8,4% số người được hỏi bày tỏ muốn lập nghiệp ở xa. Cứ 20 thanh niên được thăm dò thì có khoảng 1 người cho biết bản thân họ hoặc gia đình không có khả năng thanh toán các hóa đơn hoặc chi phí xe hơi, trong khi 6,4% phải tìm kiếm một số hình thức hỗ trợ tài chính.
Vì vậy, theo Mission Australia, cần phải sớm xác định những người trẻ tuổi có nguy cơ vô gia cư và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Sự quan tâm của giới trẻ đối với các vấn đề môi trường cũng đã tăng lên với tỷ lệ bày tỏ quan tâm là 51%, so với mức 38% năm 2021 và 29,8% năm 2020.
Kết quả cuộc khảo sát cho biết, cứ 4 người thì có 1 người khẳng định họ “cực kỳ hoặc rất lo ngại” về biến đổi khí hậu. Mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu cũng như tần suất và mức độ ngày càng nghiêm trọng của các đợt thiên tai đang gây tổn hại cho những người trẻ tuổi ở Australia và họ muốn chính phủ hành động nhiều hơn nữa.
Tình trạng phân biệt đối xử và những yêu cầu về công bằng cũng được coi là vấn đề quan trọng đối với giới trẻ xứ sở chuột túi, với 35,9% số người được hỏi quan tâm đến điều này. 27,1% cho biết họ bị đối xử bất công trong năm qua, chủ yếu là do sự phân biệt giới tính, chủng tộc/nền tảng văn hóa hoặc sức khỏe tâm thần.
Theo Mission Australia, những người trẻ tuổi đang phải chịu đựng và chứng kiến sự phân biệt đối xử liên quan đến các vấn đề trên và điều này phải sớm được giải quyết. Khoảng 50% người được khảo sát bày tỏ lạc quan về tương lai của họ, nhưng con số đó đã giảm dần kể từ năm 2020.
Các bạn trẻ cũng phản hồi về cách họ giải quyết các vấn đề cá nhân của mình trong đại dịch Covid-19. Có ý kiến cho rằng nên có một hệ thống trường học trực tuyến tốt hơn nếu các trường học đóng cửa trở lại, bởi trước đây không có nhiều sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần đối với những người phải vật lộn trong thời gian phong tỏa.
Việc đưa các cách thức và học hỏi các hành động mới để chuẩn bị cho các đợt giãn cách trong tương lai là cần thiết nhằm đảm bảo rằng thanh thiếu niên và trẻ em được phép có một số quyền tự do và có thể giao tiếp xã hội.
Từ kết quả thăm dò, Mission Australia cho rằng, Australia cần phải làm tất cả những gì có thể để những tác động tiêu cực trong vài năm qua không gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho giới trẻ nước này.