📞

Nới lỏng Zero Covid, Trung Quốc nỗ lực tìm lại hào quang tăng trưởng

Mạc Luyện 07:00 | 22/12/2022
Một số biện pháp được đề xuất tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc từ 15-16/12 đã báo hiệu những điều chỉnh lớn về chính sách của Trung Quốc.

Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc đã kết thúc vào ngày 16/12 sau 2 ngày làm việc. Hội nghị đã đưa ra nhận định nghiêm túc về tình hình kinh tế hiện tại và đặt mục tiêu chính cho năm 2023 là tăng trưởng ổn định.

Các quan chức nước này đặc biệt nhấn mạnh, việc nâng cao kỳ vọng tâm lý xã hội và thúc đẩy niềm tin vào sự phát triển, tăng cường mức độ điều tiết chính sách vĩ mô, tập trung kích cầu nội địa, thúc đẩy tiêu dùng.

Chính phủ Trung Quốc sẽ dốc toàn lực để kích thích nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng có thể sẽ được đặt ở mức trên 5%. (Nguồn: Reuters)

Báo hiệu những điều chỉnh lớn về chính sách

Mặc dù chưa có những biện pháp kích thích kinh tế triệt để nhưng một số biện pháp được đề xuất tại phiên họp như hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, ủng hộ phát triển kinh tế nền tảng số, thúc đẩy ngành bất động sản chuyển dịch suôn sẻ sang mô hình phát triển mới... đều báo hiệu những điều chỉnh lớn về chính sách của Trung Quốc.

Hội nghị năm nay được rút ngắn một ngày so với các năm trước. Mọi người đang kỳ vọng năm 2023, chính phủ nước này sẽ dốc toàn lực để kích thích nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng có thể sẽ được đặt ở mức trên 5%.

Hội nghị công tác kinh tế trung ương được tổ chức vào tháng 12 hàng năm là cuộc họp cấp cao nhất để chính quyền trung ương đề ra chính sách kinh tế cho năm tiếp theo. Hội nghị năm nay cũng trùng với quá trình chuyển đổi 5 năm một lần của ekip phụ trách tài chính trung ương từ cũ sang mới và thời điểm quan trọng khi chính sách phòng chống dịch bệnh của đại lục đang chuyển từ giai đoạn Zero Covid sang giai đoạn bình thường hóa, do đó càng thu hút nhiều sự chú ý hơn.

Theo số liệu kinh tế do Tổng Cục thống kê quốc gia công bố vào tháng 11, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chỉ đạt 2,2% và tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2021, cả mức tăng nhẹ và mức giảm lớn đều vượt quá kỳ vọng của thị trường. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,7%, trong đó 31 thành phố lớn và thị trấn đã tăng lên 6,7%, tăng 0,7% điểm phần trăm từ tháng 10 và là mức cao nhất kể từ tháng Năm.

Trong ba quý I-III/2022, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% và tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến chỉ đạt khoảng 3%, cách xa mục tiêu 5,5% mà chính phủ đặt ra.

Hội nghị công tác kinh tế trung ương thừa nhận, ba áp lực như nhu cầu giảm, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu xuất hiện vào năm 2021 vẫn còn tương đối lớn và nền tảng cho sự phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc.

Tìm bước tăng trưởng đột phá

Hội nghị công tác kinh tế trung ương đề xuất công tác kinh tế năm 2023 nên bắt đầu bằng việc cải thiện kỳ vọng tâm lý xã hội và khơi gợi niềm tin phát triển, chứng minh rằng niềm tin quan trọng hơn vàng và tiền. Về chính sách vĩ mô, hội nghị đề xuất chính sách tài khóa cần được “củng cố và nâng cao hiệu quả” để duy trì cường độ chi tiêu cần thiết, chính sách tiền tệ cần “chính xác và mạnh mẽ” để duy trì thanh khoản hợp lý và đủ, nhấn mạnh việc nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trong năm tới sẽ được tăng cường hơn nữa.

Tuy nhiên, cuộc họp vẫn nhấn mạnh đảm bảo tài chính liên tục và rủi ro nợ chính quyền địa phương có thể kiểm soát được, dự báo sẽ không có “kích thích mạnh” hay “xả nước lớn”.

Thúc đẩy tiêu dùng và mở rộng nhu cầu trong nước được đặt lên hàng đầu để tăng trưởng ổn định. Trước thềm hội nghị, Quốc vụ viện (Chính phủ) đã công bố “Đề cương quy hoạch chiến lược để mở rộng nhu cầu trong nước (2022-2035) vào ngày 14/12, chỉ ra rằng, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng năm 2021 là 44.100 tỷ NDT (6.3200 tỷ USD). Như vậy, “cỗ xe” tiêu dùng đã đóng góp 65,4% vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và trở thành động lực thúc đẩy hàng đầu của nền kinh tế.

Mặt khác, “cỗ xe” xuất khẩu đã trở nên yếu đi. Trong tháng 11/2022, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ tính bằng USD giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu giảm 10,6%. Còn xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chỉ tăng 5,18%.

Sự suy yếu của nhu cầu toàn cầu là nguyên nhân chính và việc Mỹ liên tục gây sức ép với Trung Quốc về công nghệ và chuỗi cung ứng cũng là một thách thức. Việc mở rộng nhu cầu trong nước có thể thúc đẩy nền kinh tế trong ngắn hạn và cũng có thể phòng ngừa áp lực bên ngoài trong dài hạn.

Làm thế nào để kích cầu trong nước? Bên cạnh đề xuất tăng thu nhập của cư dân thành thị và nông thôn thông qua nhiều kênh, Hội nghị công tác kinh tế trung ương chỉ ra 3 cơ hội kinh doanh lớn ở mảng cung ứng ô tô, lương hưu và nhà ở.

Việc sản xuất và tiêu thụ xe ô tô sử dụng năng lượng mới ở Trung Quốc đứng trong top đầu thế giới. Trong bối cảnh dân số già và tỷ lệ sinh giảm, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng rất lớn.

Về nhà ở, hội nghị nhắc lại rằng không nên dùng nhà ở để đầu cơ, đề xuất rõ cần đáp ứng nhu cầu tài chính hợp lý của ngành, hỗ trợ nhu cầu nhà ở. Hội nghị lần đầu tiên đề xuất ngăn ngừa và tháo gỡ rủi ro một cách hiệu quả cho các công ty bất động sản hàng đầu, thúc đẩy ngành bất động sản chuyển đổi suôn sẻ sang một mô hình phát triển mới.

Hội nghị đã đặt chính sách bất động sản trong khuôn khổ phòng ngừa rủi ro lớn về kinh tế và tài chính, khiến thị trường bất động sản nước này hy vọng vào một sự “hạ cánh mềm”, đồng thời cũng khiến mọi người mong chờ một chính sách bất động sản mới với “mô hình phát triển mới” được đưa ra vào năm 2023.

Cuộc họp của Bộ Chính trị vào đầu tháng 12 đã nhấn mạnh cần khơi dậy niềm tin thị trường và kích thích sức sống kinh doanh của toàn xã hội, giai điệu của ủng hộ doanh nghiệp đã được thiết lập. Trước những nghi ngờ về việc “doanh nghiệp nhà nước tiến lên trong khi doanh nghiệp tư nhân lùi bước”, Hội nghị đã nhấn mạnh việc kiên trì nguyên tắc “hai kiên định” (tức là kiên định củng cố và phát triển kinh tế khu vực công, kiên định khuyến khích, hỗ trợ và định hướng phát triển khu vực kinh tế ngoài nhà nước).

Hội nghị nhấn mạnh sự tập trung vào vấn đề thứ hai, đề xuất “đảm bảo doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân được đối xử bình đẳng về thể chế và pháp luật”. Chính phủ sẽ khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển và lớn mạnh, bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp tư nhân, quyền và lợi ích của doanh nhân theo quy định của pháp luật, cán bộ các cấp phải tháo gỡ vướng mắc, làm những việc thiết thực cho doanh nghiệp tư nhân.

Ở Trung Quốc Đại lục, kinh tế tư nhân chiếm hơn 90% các thực thể thị trường, đóng góp hơn 50% doanh thu thuế, hơn 60% GDP, hơn 70% đổi mới công nghệ và hơn 80% việc làm ở thành thị. Tuy nhiên, mấu chốt của tín hiệu tích cực này từ Hội nghị công tác kinh tế trung ương phụ thuộc vào cách triển khai của mỗi địa phương.

Tháo dỡ rào cản về các quy định

Hội nghị năm nay đề xuất phải phát triển mạnh mẽ nền kinh tế kỹ thuật số và nâng cao mức độ giám sát bình thường hóa. Hỗ trợ các công ty nền tảng thể hiện tài năng của họ trong dẫn dắt sự phát triển, tạo việc làm và cạnh tranh quốc tế. Điều này dường như có nghĩa là những quy định khắt khe đối với nền kinh tế nền tảng đã kết thúc, mang lại lợi ích cho các công ty sử dụng nền tảng Internet.

Cùng với việc chính phủ điều chỉnh chính sách phòng chống dịch bệnh, hội nghị lần này cũng nhấn mạnh rằng cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nhân nước ngoài đến Trung Quốc tham gia đàm phán thương mại và đầu tư.

Gần đây, với sự tối ưu hóa và điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc, ngày càng có nhiều tỉnh và thành phố cử các đoàn khách thuê chuyến bay ra nước ngoài tham gia triển lãm và thu hút đầu tư, thu hút khách hàng và đơn đặt hàng.

(theo Minh báo)