“Chỉ có tê tê là nhất thôi”
Theo học Đại học Lâm nghiệp, có cơ hội nghiên cứu nhiều tài liệu về bảo tồn, Thái đến với tê tê rất tình cờ khi xin thực tập tại Cúc Phương. Anh kể: “Ở đây, tôi được gặp nhà nghiên cứu người Đức Tilo Nadler, cũng là người thành lập Trung tâm cứu hộ linh trưởng ở Việt Nam. Niềm đam mê ngày càng ngấm sâu hơn. Sau khi ra trường, tôi xin về trung tâm bảo tồn thú ăn thịt và tê tê tại Vườn quốc gia Cúc Phương”.
Khi đó, dự án cứu hộ và phục hồi tê tê từ hoạt động buôn bán trái phép lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam và các nước trong khu vực. Ban đầu nhận dự án, Thái là người đi bắt kiến, chăm sóc và theo dõi các cá thể tê tê, từ đó, cải thiện công tác cứu hộ và chăm sóc loài này. Gắn bó với công việc này đã được 11 năm, dành phần lớn thời gian bảo tồn tê tê, thậm chí khi nói chuyện cũng luôn nhắc tới chúng, mọi người đã gắn cho anh biệt danh: “mê tê tê hơn vợ”.
Nguyễn Văn Thái trình bày về thách thức đối với bảo tồn tê tê ở Việt Nam tại một hội thảo quốc tế. |
Có đợt, hai tháng liền, cả ngày lẫn đêm, anh phải quan sát và ghi chép lại tỉ mỉ các hoạt động, tập tính của tê tê. Thái kể trong hai tháng đó, anh không về nhà, đôi khi quên ăn, nhiều đêm thức trắng nên hai mắt thâm quầng, người gầy rộc đến mức vợ không nhận ra. Anh dành trọn tình yêu cho tê tê nên đến giờ thi thoảng vợ anh vẫn nhắc: “Chỉ có tê tê là nhất thôi”.
Tình yêu thương loài động vật hiền lành này chính là động lực để Thái tiếp tục công việc bảo tồn vất vả của mình. Anh bảo, tê tê giúp chúng ta kiểm soát các loài kiến, mối nhưng lại không nhận được sự đối xử công bằng. Mặc dù chưa có minh chứng khoa học nào chứng tỏ tác dụng chữa bệnh của vẩy tê tê, rất nhiều người vẫn tin và sử dụng một cách mù quáng, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của hai loài tê tê ở Việt Nam (tê tê vàng và tê tê java). Thái tự nhủ sẽ cố gắng không để loài tê tê bị tuyệt chủng ở Việt Nam như loài tê giác trước đó.
Làm ở trung tâm một thời gian, chàng trai sinh năm 1980 nhận được học bổng du học một năm tại Anh, chuyên sâu về bảo tồn và cứu hộ động vật. Sau đó, Thái tiếp tục học thạc sỹ theo chương trình Học bổng phát triển của Chính phủ Australia tại Đại học Quốc gia Australia. Khóa học hai năm đã mang lại cho anh nhiều kiến thức cả về lĩnh vực kinh tế, và môi trường, đồng thời giúp anh có cái nhìn sâu rộng hơn, mở hơn. Thái chia sẻ: “Đến nay, tôi cứ nghĩ phải làm thế nào để bảo vệ loài động này, không quan tâm đến những cái khác, nhưng giờ, tôi biết có rất nhiều lựa chọn khác nhau, và phải tìm ra lựa chọn nào tốt nhất”.
Nguyễn Văn Thái nâng niu một con tê tê vừa được cứu hộ. |
Hiện, Thái là Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận mang tên: “Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã - Save Vietnams Wildlife” với 20 nhân viên cả người Việt và người nước ngoài. Anh rất nhiệt tình tham gia các hoạt động cải thiện công tác bảo tồn loài và tìm kiếm tài trợ cho các chương trình.
Bên cạnh đó, Thái còn giảng dạy, tập huấn cho sinh viên, kiểm lâm viên về kỹ năng bảo tồn, nghiên cứu và kỹ năng xử lý động vật sau khi tịch thu. Hình ảnh Nguyễn Văn Thái trìu mến nâng niu con tê tê đã được đưa lên trang bìa cuốn “Wildlife Heroes”, giới thiệu 40 nhà nghiên cứu, bảo tồn động vật hàng đầu thế giới, của hai tác giả người Mỹ xuất bản năm 2012. Kể đến đây, Thái bỗng nhiên trầm ngâm: “Thật lòng tôi không cần sự nổi tiếng, mà chỉ muốn làm những điều tốt nhất cho loài động vật này”.
“Rất khó vẹn cả đôi đường”
Đôi lúc Thái cảm thấy xấu hổ về việc con người chúng ta đối xử với ĐVHD như một món ăn hay vị thuốc mà không nhìn thấy những vẻ đẹp tự nhiên, những trải nghiệm thú vị và giá trị sinh thái của chúng. Anh bộc bạch: “Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, khi mà y học đã phát triển rất cao. Việc sử dụng những sản phẩm ĐVHD làm thuốc là không bền vững và không có nhiều giá trị y học. Chúng ta hãy đối xử với ĐVHD một cách công bằng”.
|
Thái cũng có cơ hội làm việc với nhiều người nước ngoài. Họ bỏ công việc, một cuộc sống tốt đẹp ở quốc gia họ và sang Việt Nam để giúp bảo tồn ĐVHD. Anh cứ băn khoăn tại sao họ làm được mà người Việt thì không? Điều này càng thôi thúc anh phải có trách nhiệm giúp nước mình bảo tồn các loài ĐVHD. Thái tâm sự: “Trong nghề của tôi, có những người dành 30 năm chỉ để nghiên cứu một con vật. Tôi ngưỡng mộ những con người ấy và được truyền niềm đam mê, nhiệt huyết từ họ”.
Để ý mỗi khi nhắc đến ĐVHD, về công việc thường nhật của mình, đôi mắt anh lại nhìn xa xăm: “Loài động vật này không hề gây hại cho con người nhưng chúng luôn bị con người tìm bắt”.
Trăn trở lớn nhất của Thái là thay đổi nhận thức của người Việt về giá trị của ĐVHD. Anh cho rằng: “Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa, mọi người hãy thức tỉnh trước khi những loài động vật này biến mất, tuyệt chủng”.
Ngừng giây lát, gương mặt anh giãn ra rồi mỉm cười: “Rất may hiện nay nhiều người đã quan tâm đến vấn đề bảo tồn hơn, biết trân trọng tự nhiên hơn, nhất là sau khi mất loài tê giác vào năm 2010”.
Thái cứ miệt mài kể và thi thoảng nở nụ cười hiền. Khi được hỏi về chuyện dành quá nhiều thời gian cho loài động vật này, thời gian chăm sóc gia đình ở đâu? Thái cười rồi nói, trong 2 năm qua, gần như ngày nào anh cũng đi sớm về muộn, đi công tác liên miên, rất ít thời gian cho vợ con. Anh đành phải phó mặc toàn bộ việc chăm sóc và dạy con cho vợ. Rất may mắn, vợ anh luôn ủng hộ, tự hào về công việc của chồng. Thái bộc bạch, khi con đau ốm, áp lực lại đè nặng lên vai vợ vừa phải làm mẹ vừa phải làm cha. Dù vợ không phàn nàn về lịch làm việc kín mít của anh, không yêu cầu anh phải dành nhiều thời gian cho gia đình, tự trong lòng mình, anh cảm thấy có lỗi với vợ con lắm. Nhưng rồi anh lại tự nhủ: “Rất khó vẹn cả đôi đường”.
Dù rất muốn, nhưng anh không áp đặt hai con (7 tuổi và 2 tuổi) phải có cùng đam mê, chí hướng với mình. Anh luôn dạy các con về thiên nhiên, về ĐVHD và truyền tình yêu đó cho con. Anh dạy con phải sống có trách nhiệm với xã hội, phải đối xử công bằng với tất cả ĐVHD.
“Tôi muốn con nhìn ĐVHD với những vẻ đẹp về văn hoá và thưởng thức giá trị thiên nhiên chứ không phải ở giá trị sử dụng”, Nguyễn Văn Thái chia sẻ.