Với bắn súng, môn thể thao đòi hỏi sự tập trung cao độ của VĐV thì bất kỳ sự phân tán nào từ bên ngoài chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới kết quả thi đấu. Trong trường thi đấu bắn súng, mọi tiếng động lớn đều được hạn chế tối đa. Các phóng viên cũng phải tác nghiệp hết sức nhẹ nhàng, tránh làm phiền các tay súng.
Cũng vì thế, HLV Nguyễn Thị Nhung chọn một góc kín đáo nhất trên khán đài yên lặng ngồi theo dõi các học trò thi đấu. Mỗi lần kết quả bắn hiện lên trên bảng điện tử, bà Nhung chỉ ngước nhìn và không bộc lộ cảm xúc trên khuôn mặt. HLV Nhung tâm sự: “Từ gần một tuần nay sang Thái Lan, chưa một đêm nào tôi ngủ được. Tâm lý của VĐV bắn súng rất quan trọng và tôi không bao giờ cảm thấy hoàn toàn yên tâm vì điều đó”.
Căng thẳng và kịch tính nhất là các trận chung kết nội dung cá nhân. Bà Nhung từng công khai cấm các phóng viên chụp ảnh quay phim học trò của mình khi họ thi đấu nội dung này vì nó ảnh hưởng tới tâm lý.
Ngay sau ngày ra quân thắng lợi với ba chiếc HC vàng là chuỗi hai ngày thất bát của bắn súng VN. HLV Nhung chỉ thực sự thở phào nhẹ nhõm sau khi các học trò thi đấu hết ngày cuối cùng. Đoàn bắn súng đã vượt chỉ tiêu một HC vàng và toàn đội được xả trại đi liên hoan và mua sắm vào buổi tối và sáng hôm sau.
Trong khi đó, ngược với bắn súng, ở những môn võ thuật, HLV không chỉ là người điều chỉnh chiến thuật cho VĐV theo từng diễn biến của trận đấu mà còn làm nhiệm vụ truyền nhiệt lên sàn đấu. Họ hò hét, “ra tay” như thể mình đang thi đấu.
Trong ngày vàng của môn wushu, HLV Dương Văn Thường đã bị khản giọng vì phải chỉ đạo động viên các học trò thi đấu trong 4 trận chung kết liên tiếp. Các VĐV wushu đã lập nên kỳ tích khi giành cả 4 chiếc HC vàng tán thủ. Không chỉ HLV mà toàn bộ BHL, lãnh đội cũng như các đồng đội cũng đứng ngồi không yên cổ vũ cho các võ sĩ của nội dung đối kháng.
HLV Bùi Tuyết Oanh của môn aerobic sport từng thất vọng và rơi nước mắt khi thấy cảnh hai học trò trẻ tuổi bị chủ nhà xử ép. Hai VĐV Nguyễn Bá Đông và Trần Thị Thu Hà bằng điểm với đối thủ Thái Lan nhưng chịu xếp thứ hai vì quy định “khó hiểu” của BTC. Tuy vậy sau đó, bà Oanh cũng là người mừng nhất khi BTC quyết định thay đổi và trao HC vàng cho cả hai cặp VĐV VN và Thái Lan.
Không được vui như bà Oanh, HLV Trần Văn Sức của đội vật rất bức xúc cho học trò Lê Duy Hợi (VĐV của quân đội này dính vào vụ bê bối xin HC vàng của chủ nhà Thái Lan và mất oan uổng ngôi quán quân). HLV Sức cho biết: “Duy Hợi đã chăm chỉ tập luyện trong nhiều năm nay và rất tin tưởng vào khả năng bảo vệ chức vô địch mà anh từng làm được ở hai kỳ SEA Games trước đó”. Cuối cùng, cả HLV Sức và học trò đành bất lực trước chiêu xin HC vàng của đoàn chủ nhà.
Vị HLV được quan tâm nhiều nhất và cũng tạo nên cú sốc lớn nhất là ông Riedl. Người thày của các cầu thủ U23 nam chịu rất nhiều áp lực trong các trận đấu với Singapore, Malaysia, Lào và Myanmar. Ông thày người Áo từng tuyên bố: “Tôi đến vỡ tim nếu đội cứ đá như thế này” sau trận thắng Lào với tỷ số mong manh 2-1. Sau đó, ở trận bán kết thua Myanmar trên chấm phạt đền, HLV Riedl ngồi trong phòng họp báo với khuôn mặt thất thần. Ngay tối hôm đó, ông viết đơn từ chức và ra đi trong nước mắt.
Ngược lại với đồng nghiệp, HLV người Trung Quốc Trần Vân Phát đặc biệt kín đáo với báo chí. Trong các buổi tập hay sau trận đấu, ông Phát luôn từ chối bất cứ cuộc phỏng vấn nào. Thời điểm mà nhà cầm quân này nói nhiều nhất là sau trận bán kết, tuyển VN vượt qua Myanmar để lọt vào chung kết gặp Thái Lan. Ông chứng tỏ mình không ít nói chút nào khi trả lời đầy đủ tất cả các câu hỏi của nhà báo.
Hồng Quân (từ Korat)