Chợ đầu mối Tân Phát Địa, ổ dịch Covid-19 mới tại Bắc Kinh. (Nguồn: DW) |
Phần lớn các quốc gia trên thế giới bắt đầu từng bước mở cửa lại sau nhiều tháng áp đặt những lệnh giãn cách xã hội, nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, khiến nền kinh tế thế giới bị tê liệt. Tuy nhiên, vui chưa thấy đâu thì tin buồn đã liên tục ập đến, những ổ dịch lớn trên thế giới sau một thời gian yên ắng đã bắt đầu xuất hiện thêm những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Giờ đây, thế giới đang bị bao trùm trong nỗi sợ hãi mang tên “làn sóng thứ hai”.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng, làn sóng dịch Covid-19 thứ hai xảy ra, đại dịch chưa từng có này sẽ "hồi sinh" với cường độ mạnh mẽ hơn, tiếp tục lây nhiễm rộng rãi. Hậu quả là các hệ thống y tế công cộng vốn đã bị “trọng thương” do làn sóng thứ nhất gây ra sẽ chính thức sụp đổ, đồng thời các chính phủ buộc phải ban bố tình trạng cách ly xã hội, tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế thế giới.
Nỗi sợ hãi này ngày càng có thể trở thành hiện thực khi số lượng các ca nhiễm Covid-19 mới ở các “ổ dịch” trên thế giới tại Mỹ, châu Âu và châu Á những ngày gần đây đang liên tục tăng mạnh.
Tại Trung Quốc, nơi được coi là khởi nguồn của virus SARS-CoV-2 đang chứng kiến một ổ dịch mới, bùng phát ngay tại thủ đô Bắc Kinh. Số liệu của Ủy ban Y tế thành phố Bắc Kinh cho thấy, trong các ngày 11-15/6, Bắc Kinh ghi nhận 106 trường hợp mắc Covid-19, chủ yếu có liên quan đến khu chợ đầu mối Tân Phát Địa. Do đó, ngày 16/6, Bắc Kinh cảnh báo, tình hình ở đây "hết sức nghiêm trọng", buộc chính quyền phải tiến hành xét nghiệm quy mô lớn và áp đặt phong tỏa nhiều khu vực.
Còn tại tâm dịch lớn nhất thế giới, trong tháng 5 vừa qua, Mỹ đã chứng kiến số lượng các ca nhiễm mới giảm đáng kể và dần hướng đến hoạt động bình thường trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, nhiều bang như Alaska, Arizona, Arkansas, California, Florida, North Carolina, Oklahoma và South Carolina đã báo cáo số ca nhiễm mới tăng đột biến kể từ cuối tuần trước.
Tại Anh, Giáo sư y khoa John Bell tại Đại học Oxford cho biết, quốc gia này sẽ khó tránh khỏi “làn sóng thứ hai” và các ca nhiễm Covid-19 mới sẽ tiếp tục tăng lên.
Ngày 15/6, Iran cảnh báo có thể sẽ tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để đảm bảo giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh sau khi quốc gia này ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận hơn 100 ca tử vong vì Covid-19.
Tất cả những lo lắng trên đa phần đều dựa trên lý thuyết. Thế nhưng, nếu các quốc gia không có sự toàn tâm toàn ý, hợp tác sâu rộng từ chính phủ đến ý thức người dân thì nguy cơ “làn sóng thứ hai” sẽ trở thành thật và Covid-19 sẽ tiếp tục là “cơn ác mộng” của thế giới cho đến khi nào có vaccine hoặc thuốc có thể chữa khỏi được căn bệnh quái ác này.