Nga muốn thảo luận với Liên hợp quốc về thỏa thuận ngũ cốc. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 24/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay, thỏa thuận giữa Moscow và Liên hợp quốc (LHQ) về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga không được thực hiện và có “rất nhiều chi tiết” cần được thảo luận giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.
Bà Zakharova nói với các phóng viên: “Đó là một thoả thuận bao gồm hai phần và cả hai phần phải được thực hiện và thực hiện như nhau”.
Nga đã cảnh báo rằng họ sẽ không cho phép thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc Ukraine an toàn đi qua Biển Đen có hiệu lực sau ngày 18/5 bởi vì các yêu cầu để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga không được đáp ứng.
Trước đó cùng ngày, người đứng đầu Liên minh ngũ cốc Nga Arkady Zlochevsky cho biết, thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen chưa mang lại điều gì tích cực cho Nga hoặc giúp thúc đẩy cung ứng nông sản cho thị trường toàn cầu.
Ông Zlochevsky cho biết Nga có thể xuất khẩu 60 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay, trong đó có 50 triệu tấn lúa mì.
Hồi tuần trước, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev bày tỏ hy vọng nước này có thể thu hoạch 123 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 78 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2023, giảm khoảng 20% so với sản lượng kỷ lục trong năm 2022.
Moscow đã nhiều lần yêu cầu rằng những trở ngại chính với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga phải được tháo gỡ, cụ thể là kết nối lại Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Các yêu cầu khác bao gồm nối lại việc cung ứng máy móc và phụ tùng máy móc nông nghiệp, dỡ bỏ các hạn chế với bảo hiểm và tái bảo hiểm, tiếp cận các cảng, nối lại đường ống dẫn khí amoniac Togliatti-Odesa và ngừng phong tỏa tài sản cũng như tài khoản của các công ty Nga liên quan đến thực phẩm và xuất khẩu phân bón.
Gần đây, Moscow tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vào ngày 18/5 tới nếu những biện pháp hạn chế của phương Tây nhằm ngăn chặn xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga không được dỡ bỏ.
Thỏa thuận ngũ cốc do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hòa giải được ký kết vào tháng 7 năm ngoái, giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.