📞

Nóng bỏng cuộc đua tới Mặt trăng

11:22 | 03/03/2017
Cuộc đua giữa các nhà phát triển tàu vũ trụ trong hành trình đến Mặt trăng đang đến hồi gay cấn.  

Ngày 27/2, CEO của SpaceX Elon Musk tuyên bố công ty hàng không vũ trụ của ông đã nhận lời đưa 2 khách hàng đi vòng quanh Mặt trăng vào năm 2018. Để làm việc này, SpaceX sử dụng một phiên bản mới, chưa được thử nghiệm của tên lửa Falcon, gọi là Falcon Heavy. Những khách hàng này sẽ là những người đầu tiên đi xa hơn quỹ đạo thấp của Trái đất kể từ năm 1972. Hai tuần trước thông báo của ông Musk, NASA cũng cho biết họ đang xem xét sử dụng các chuyến bay đầu tiên của tên lửa mới Space Launch System (SLS) để đưa các phi hành gia đi vòng quanh Mặt trăng.

Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX (Nguồn: SpaceX)

Cuộc đua dường như đã bắt đầu. Tuy nhiên đây không đơn thuần là một cuộc đua giữa các doanh nghiệp tư nhân và chính phủ. SpaceX chỉ có thể cung cấp những chuyến đi như trên nhờ vào sự hào phóng của NASA. Bệ phóng tên lửa Dragon chở những khách du lịch lên Mặt trăng vốn được phát triển để mang hàng hóa và sau đó là con người lên Trạm Vũ trụ ISS - những dịch vụ mà NASA đã chi trả một cách hào phóng. Đối với những công việc khác, NASA thậm chí có thể quyết định trả tiền cho SpaceX để thực hiện chuyến đi đến Mặt trăng, như cách mà họ đã trả tiền để gửi hàng hóa lên ISS.

Hồi tháng 1, cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi một email cho một thành viên cao cấp của đảng Cộng hòa quan tâm đến chính sách không gian và gợi ý về việc tạo ra “cạnh tranh nội bộ giữa chương trình Không gian Cũ và Không gian Mới” để đưa người trở lại quỹ đạo của Mặt trăng.

Chương trình “Không gian Cũ” được cho là những nỗ lực xây dựng SLS của chính phủ, trong khi “Không gian Mới” là ám chỉ đến SpaceX hoặc có thể là Blue Origin, một công ty thuộc sở hữu của CEO Amazon cũng đang thực hiện dự án xây dựng một tên lửa lớn.

Phương án “Không gian Mới” dường như có vẻ có lý hơn về mặt ngân sách. Mặc dù tên lửa Falcon Heavy cần thiết cho chuyến đi Mặt trăng vẫn chưa thể cất cánh, nhưng nhiều khả năng nó sẽ có giá thành rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, SLS lại nhận được nhiều sự ủng hộ tại Thượng viện và có một số người ở Washington tỏ ra hoài nghi về việc chương trình không gian của quốc gia đang phụ thuộc quá nhiều vào những tỷ phú với tính khí thất thường.

Tên lửa SLS của NASA (Nguồn: NASA)

Hiện chính quyền mới vẫn chưa cân nhắc hoặc bổ nhiệm người điều hành NASA. Nhưng có thể dễ dàng thấy tham vọng của chính quyền Mỹ khi trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Trump từng ẩn ý rằng Mỹ có thể đạt được một số thành tựu vĩ đại nhân dịp nước Mỹ tròn 250 tuổi. “Dấu chân của Mỹ trên những thế giới xa xôi không còn là giấc mơ quá xa xôi”, ông Trump nói. Thế giới xa xôi mà con người có thể đặt chân tới vào năm 2026 chỉ có thể là Mặt trăng.

Tuy nhiên người đặt chân lên Mặt trăng trước không nhất thiết phải là người Mỹ. Năm 2013, Trung Quốc đã gửi tàu thăm dò Yutu lên Mặt trăng và đã lên kế hoạch cho tàu trở về vào năm nay. Mặc dù kế hoạch cụ thể chưa được công bố, ý tưởng về đưa người lên Mặt trăng trong vòng 15 đến 20 năm tới đã được mang ra thảo luận công khai. Điều này có thể sẽ khai màn cho một cuộc chạy đua khác.

Về phía Mỹ, hiện phiên bản mang được phi hành đoàn của tàu Dragon dự kiến sẽ không thể thực hiện chuyến bay đầu tiên tới trạm ISS cho đến ít nhất là giữa năm 2018. Dù sao thì những khách hàng của SpaceX có lẽ cũng chẳng phiền lòng nếu như lịch trình dời tới năm 2019. Thực hiện chuyến đi vào thời điểm kỉ niệm 50 năm tàu Apollo đặt chân lên Mặt trăng sẽ khiến chuyến đi vốn đã rất mạo hiểm càng trở nên hấp dẫn.

(theo The Economist)