Dù tham gia nhiều chuyến từ thiện cùng Công đoàn Bộ Ngoại giao, có thể nói, chuyến đi Cao Bằng vừa qua đã để lại trong tôi những ấn tượng và cảm xúc vô cùng đáng nhớ. Đặc biệt hơn, đó là chuyến đi “vạn dặm” mà tôi từng biết trong cuộc đời làm phóng viên của mình.
Hành trình “gặt” niềm vui
Trước chuyến đi, Trưởng đoàn Tào Thị Thanh Hương - Chủ tịch Công đoàn Bộ nhìn tôi từ đầu đến chân như đánh giá xem liệu tôi có thể theo được hành trình vất vả này. Lúc đó, tôi đã trộm nghĩ chị thật coi thường sức khỏe “bẻ gãy sừng trâu” của cánh phóng viên. Thế nhưng, đến khi “trụ” được qua những cú cua gấp, những cú chao, liệng điêu luyện của tài xế để giữ cho xe an toàn trong suốt hành trình, tôi mới thấm cái nỗi vất vả và sự dẻo dai của các công đoàn viên kỳ cựu gắn bó với những chuyến đi như thế hết năm này qua năm khác.
Với tôi, lộ trình của hơn 70 công đoàn viên của Bộ Ngoại giao tới xã Vũ Nông (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) rồi sau đó là đồn biên phòng Đàm Thủy (thuộc huyện Trùng Khánh) có thể được miêu tả với chuỗi tính từ: quanh co, cheo leo, hiểm trở và cả… hút chết. Đây là một xã thuần nông của huyện Nguyên Bình. Với các ngành dịch vụ thương mại còn chậm phát triển, đời sống người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đó chính là một trong những lý do Công đoàn Bộ Ngoại giao chọn Vũ Nông là điểm đến trong chuyến đi từ thiện lần này.
Trưởng đoàn Tào Thị Thanh Hương - Chủ tịch Công đoàn Bộ Ngoại giao chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh tại Trường Phổ thông Trung học Nguyên Bình, Nguyên Bình, Cao Bằng, sau lễ trao học bổng. (Ảnh: Phan Hoa) |
Hành trình đến Vũ Nông mệt nhọc là thế, nhưng ngay khi đến nơi, thật đáng khâm phục là các thành viên trong đoàn lập tức xuống xe, tay bắt mặt mừng với bà con dân bản, bê những thùng hàng từ thiện xếp ngay ngắn vào nơi đã được chính quyền địa phương thu xếp trang trọng.
Do đường xa nên chuyến đi kéo dài 4 ngày tới Cao Bằng của chúng tôi chẳng thấm vào đâu khi phần lớn thời gian là di chuyển. Chính vì vậy, khi chúng tôi tới được điểm trường cuối cùng trong ngày, đoàn đã thấm mệt, trời đã nhá nhem… Ấy vậy mà khi thấy các cháu học sinh nhỏ vẫn kiên nhẫn chờ đợi với nụ cười tươi rói trên môi, mệt mỏi trong chúng tôi bất chợt tan biến. Thay vào đó là sự bội thu những nụ cười của trẻ nhỏ, người già, của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… và của cả chúng tôi.
Những hành trình tiếp nối
Hàng năm, Công đoàn Bộ Ngoại giao đều tổ chức những chuyến từ thiện đến các tỉnh thành trong cả nước nhằm mang những món quà, những tấm lòng của Bộ Ngoại giao nói riêng và các cán bộ ngoại giao nói chung đến chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương. Đây trở thành truyền thống suốt nhiều năm qua của Ngành, và truyền thống ấy được các thế hệ công đoàn viên Bộ kế thừa và phát huy hết sức hiệu quả.
Theo chị Tào Thị Thanh Hương, mỗi năm, các quỹ từ thiện của Bộ Ngoại giao đều dành hơn một tỷ đồng cho các hoạt động xã hội như ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và khắc phục hậu quả thiên tai… Cụ thể, hoạt động xã hội từ thiện do Công đoàn Bộ Ngoại giao triển khai tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Định, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Đắk Nông, Tiền Giang, Đồng Nai…
Bên cạnh đó, vào những dịp đặc biệt, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều tổ chức những hoạt động quyên góp và gửi về thông qua Công đoàn Bộ để đưa tới tận tay những đồng bào cần hỗ trợ. Hoạt động này không chỉ có ý nghĩa trực tiếp đối với những đồng bào được hỗ trợ, quan tâm mà còn góp phần giáo dục, tiếp nối truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái… trong đội ngũ cán bộ - nhân viên của Bộ.
Như những con ong cần mẫn, chăm chỉ, trong nhiều năm qua, Lãnh đạo Công đoàn và các công đoàn viên Bộ Ngoại giao đã nỗ lực duy trì, phát huy truyền thống đó. Những hoạt động đầy ý nghĩa của Công đoàn Bộ đã góp phần không nhỏ trong việc truyền đi thông điệp đẹp trong xã hội. Đó là thông điệp sống tử tế, sống nghĩa tình và sống có trách nhiệm ngay với chính các đồng bào của mình.
Đi nhiều, cảm nhận nhiều, tôi luôn mong có cơ hội góp mặt trong những chuyến đi như thế. Nếu có ai đó hỏi tôi rằng, đi như vậy có vất vả không? Tôi sẽ xin thưa ngay rằng: Có! Còn nếu họ lại hỏi tôi rằng, vất vả thế sao vẫn nhiệt tình đi? Tôi sẽ trả lời rằng, có đi mới biết, dù thật gian khó nhưng mà thật vui. Đó là những chuyến đi luôn mang lại nụ cười và chúng tôi cho đi để rồi luôn được nhận lại nhiều hơn thế...