Ngày 28/4, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tuyên bố sẽ chấm dứt việc theo dõi các cuộc trao đổi qua thư điện tử (email) và tin nhắn giữa người dân Mỹ và những cá nhân ở nước ngoài mà trong đó có đề cập đến một mục tiêu do thám của cơ quan này.
Trong một tuyên bố, NSA nêu rõ: "NSA sẽ không còn thu thập các cuộc trao đổi và liên lạc trên mạng trong đó có đề cập đến một mục tiêu do thám ở nước ngoài". Thay vào đó, cơ quan này sẽ thu thập các cuộc trao đổi trên internet được gửi trực tiếp đến hoặc từ một mục tiêu nước ngoài.
NSA nhấn mạnh, mặc dù có thẩm quyền, song cơ quan này đã quyết định ngừng tiến hành hình thức theo dõi trên để bảo vệ quyền riêng tư của các công dân Mỹ, bất chấp việc điều này đồng nghĩa NSA sẽ không thể tiếp cận các thông tin quan trọng trong cuộc chiến chống các mối đe dọa tấn công mạng và khủng bố.
Edward Snowden từng là một nhân viên hợp đồng có quyền tiếp cận các thông tin mật của NSA. (Nguồn: Reuters) |
Theo quy định, NSA được phép thu thập các dữ liệu liên quan đến các cuộc trao đổi và liên lạc của bất kỳ công dân nước ngoài nào và không phải của người dân Mỹ ngoài trừ một số tình huống cụ thể, hoặc được lệnh để làm điều này. Tuy nhiên, theo Mục 702 của Đạo luật Theo dõi tình báo nước ngoài, NSA cũng được phép thu thập các email hay tin nhắn văn bản của người dân Mỹ trao đổi với các cá nhân nước ngoài nếu có nội dung liên quan đến một mục tiêu do thám cụ thể của NSA. Việc làm này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ những người chủ trương bảo vệ quyền tự do dân sự, cho rằng điều này vi phạm đến nghiêm trọng Hiến pháp Mỹ. Nhiều người đã đe dọa sẽ ngăn chặn việc khôi phục Mục 702 vào cuối năm nay nếu Đạo luật của NSA không được thắt chặt hơn.
Các chương trình do thám trên diện rộng của NSA đã gây ra những quan ngại của người dân về việc xâm phạm quyền riêng tư. Hồi năm 2013, Edward Snowden, một nhân viên hợp đồng có quyền tiếp cận các thông tin mật của NSA, đã sao chép và làm rò rỉ nhiều thông tin mật liên quan tới các chương trình do thám toàn cầu của cơ quan này. Chính quyền Mỹ đã buộc tội và ra lệnh bắt giữ Snowden, song ông này đã sang Nga xin tị nạn.
Các tiết lộ liên quan đến NSA đã gây rúng động thế giới, làm căng thẳng quan hệ của Mỹ với nhiều nước đồng minh bởi thông tin rò rỉ cho thấy Washington đã lén theo dõi nhiều nguyên thủ quốc gia. Sau vụ việc này, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết minh bạch hóa hoạt động của NSA và Quốc hội Mỹ đã sửa đổi các đạo luật liên quan việc theo dõi các cá nhân.