Vụ Mỹ nghe lén các đồng minh EU và NATO bung ra vào thời điểm trước khi ông Joe Biden công du châu Âu khiến cho cả hai bên đều khó xử. (Nguồn: Getty Images) |
BÌNH LUẬN CỦA BÁO THẾ GIỚI & VIỆT NAM
| Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga: Ít kỳ vọng nhưng khó 'trắng tay' |
Những tiết lộ mới đây nhất của báo chí ở châu Âu về việc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) được sự trợ giúp đắc lực của cơ quan tình báo Đan Mạch theo dõi lãnh đạo một số nước thành viên EU và NATO đã buộc chính phủ các nước và cá nhân liên quan phải lên tiếng yêu cầu phía Mỹ và Đan Mạch giải thích.
Chuyện này, không hiểu ngẫu nhiên hay với chủ ý, bung ra vào thời điểm ngay trước khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden công du sang châu Âu lần đầu tiên và tham dự những cuộc gặp cấp cao trực tiếp với các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống ở châu Âu.
Vụ việc khiến cho cả hai bên đều khó xử bởi hai nguyên do chính.
Thứ nhất, nó lại một lần nữa xác nhận những tiết lộ của cựu nhân viên NSA Edward Snowden hồi năm 2013. Người này vì bóc trần sự thật mà bị chính quyền Mỹ và đồng minh coi là tội đồ nên buộc phải sống tỵ nạn từ đấy đến nay tại Nga. Các bên này đã đối xử Edward Snowden khi xưa như thế thì bây giờ đối xử như thế nào đây với giới báo chí phanh phui vụ việc nếu muốn tránh tự bộc lộ là lá mặt lá trái.
Thứ hai, hoạt động theo dõi của NSA và cơ quan tình báo Đan Mạch vừa được lôi ra ánh sáng xảy ra ở thời gian từ năm 2012 đến năm 2014 - khi ông Biden là phó Tổng thống Mỹ, tức là không thể có chuyện ông Biden không hề biết gì về việc theo dõi này và việc đồng minh quân sự chiến lược truyền thống theo dõi lẫn nhau phải được Nhà Trắng chấp thuận. Ông Biden biết rõ vụ việc và chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi bị các đồng minh liên quan chất vấn, yêu cầu giải thích trong chuyến công du châu Âu sắp tới.
Và những đồng minh này không thể không cay đắng khi nhận ra rằng đồng minh truyền thống đến mấy cũng chưa đủ tin cậy và dẫu đồng minh có tin cậy nhau đến mấy thì theo dõi nhau vẫn không thừa, thậm chí còn tốt hơn.